Quản lý chặt người nghiện sẽ giảm tội phạm ma túy

Số người nghiện ma túy gia tăng theo từng năm là một trong những nguyên nhân khiến tình hình buôn bán ma túy phức tạp. Quản lý chặt đối tượng nghiện sẽ giúp kéo giảm tội phạm nguy hiểm này.

Hàng ngàn viên thuốc lắc do Hải quan TPHCM bắt giữ tháng 4/2020. Ảnh: T.H

Hàng ngàn viên thuốc lắc do Hải quan TPHCM bắt giữ tháng 4/2020. Ảnh: T.H

Người nghiện- ám ảnh của người dân

Theo nhận định của Bộ Công an, tình hình số người sử dụng trái phép chất ma túy ngày càng gia tăng đặc biệt là sử dụng ma túy tổng hợp, hình thức sử dụng phong phú, đa dạng từ hút, hít sang tiêm chích, uống, ngậm (ma túy tổng hợp, thuốc hướng thần)... Nếu năm 2009 cả nước có 146.731 người nghiện có hồ sơ quản lý thì đến tháng 12/2019 cả nước có 235.314 người nghiện có hồ sơ quản lý (tăng 160%).

Mới đây, đặt câu hỏi với đại biểu Quốc hội Bộ Công an, cử tri tỉnh Long An cho rằng, các trường hợp “ngáo đá” đã trở thành nỗi ám ảnh của người dân khi đã xảy ra các vụ án con giết mẹ, cháu giết bà… Người dân rất lo lắng khi tình trạng này ngày càng gia tăng và đề nghị Chính phủ có biện pháp chỉ đạo các lực lượng chức năng “mạnh tay” xử lý. Đồng thời, cử tri đề nghị xử lý “mạnh tay” với tội phạm buôn bán, vận chuyển, sử dụng ma túy, cần nhìn nhận người sử dụng ma túy không phải là người bệnh mà là người phạm tội, nhằm góp phần hạn chế tình trạng sử dụng chất ma túy.

Trả lời cử tri, đại diện Bộ Công an cho rằng, trên thế giới và ở nước ta đã và đang xuất hiện ngày càng nhiều dạng mới của ma túy, số người nghiện tiếp tục gia tăng với trên 230.000 người nghiện có hồ sơ quản lý, đa số họ đang ở ngoài xã hội gây lo lắng trong nhân dân và cử tri. Trong khi đó, việc xử lý hành vi sử dụng trái phép chất ma túy, trong đó có các trường hợp “ngáo đá” chưa đủ sức răn đe (Bộ luật Hình sự năm 2015 không còn tội danh sử dụng trái phép chất ma túy); việc lập hồ sơ đưa người nghiện ma túy vào các cơ sở cai nghiện bắt buộc còn nhiều khó khăn, vướng mắc về mặt trình tự, thủ tục thực hiện. Đây là một trong những bất cập và là nguyên nhân làm cho tình trạng nghiện ma túy, sử dụng trái phép ma túy tổng hợp dẫn đến “ngáo đá” diễn biến phức tạp, xảy ra các vụ án giết người, cố ý gây thương tích, bắt giữ người trái pháp luật… do đối tượng “ngáo đá” gây ra.

Hiện Bộ Công an đang tham mưu với Chính phủ xây dựng, trình Quốc hội dự án sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống ma túy, phối hợp sửa đổi Luật Xử lý vi phạm hành chính và sẽ nghiên cứu, bổ sung các quy định liên quan đến xử lý hành vi sử dụng trái phép chất ma túy theo hướng nghiêm khắc hơn; đơn giản quy trình, thủ tục lập hồ sơ đưa người nghiện ma túy vào cơ sở cai nghiện bắt buộc để quản lý, kiểm soát chặt chẽ hơn tại các cơ sở cai nghiện, cơ sở chữa bệnh và tại cộng đồng dân cư, phòng ngừa, hạn chế tình trạng người sử dụng ma túy gây hệ lụy cho xã hội.

Hình phạt nghiêm khắc cho tội phạm ma túy

Có thể khẳng định, trong tất cả các loại tội phạm, tội phạm về ma túy phải chịu các hình phạt nghiêm khắc nhất. Tuy nhiên, theo Bộ Công an, mức xử phạt nặng hay nhẹ tùy thuộc vào từng tội danh, hành vi, tính chất, mức độ vi phạm pháp luật của người vi phạm được quy định theo khung hình phạt trong Bộ luật Hình sự năm 2015. Trong đó, tội phạm mua bán, vận chuyển ma túy có hình phạt cao nhất là chung thân, tử hình (với 9/13 tội danh).

Thực tế trong những năm qua, lực lượng Công an, Hải quan và các lực lượng chức năng đã tập trung đấu tranh, trấn áp mạnh với tội phạm mua bán, vận chuyển ma túy, nhất là mua bán, vận chuyển ma túy xuyên quốc gia, ngăn chặn ma túy thẩm lậu từ bên ngoài vào nước ta, đồng thời tăng cường triệt xóa các đường dây, tụ điểm, đối tượng mua bán, vận chuyển ma túy trong nội địa, góp phần ngăn chặn, làm giảm nguồn cung ma túy vào trong nước, bắt giữ, điều tra, đề nghị truy tố hàng chục nghìn vụ án, đối tượng mua bán, vận chuyển trái phép ma túy. Các cơ quan tư pháp đã áp dụng hình phạt nghiêm minh đối với tội phạm mua bán, vận chuyển ma túy, số bị cáo phạm tội bị kết án tử hình, chung thân nhiều nhất trong các loại tội phạm, thể hiện sự nghiêm trị của pháp luật đối với loại tội phạm nguy hiểm này.

Trong dự thảo Luật Phòng, chống ma túy lần này, Ban soạn thảo đã bổ sung thêm nhiều nội dung mới, trong đó bổ sung thêm chương Quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy (Chương IV) quy định về quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy, bổ sung thêm quy định về thống kê người sử dụng trái phép chất ma túy, người nghiện ma túy.

Trong đó, việc xác định người sử dụng trái phép chất ma túy căn cứ vào một trong ba cơ sở, gồm: Bị phát hiện khi đang sử dụng trái phép chất ma túy; Xét nghiệm có dương tính với chất ma túy mà người đó không chứng minh được việc sử dụng chất ma túy là hợp pháp; Quy định các cơ quan chức năng có quyền cưỡng chế đối với trường hợp không hợp tác để xét nghiệm xác định việc sử dụng trái phép chất ma túy.

Bộ Công an nhận định, tình hình tội phạm ma túy vẫn diễn biến hết sức phức tạp, số vụ, số đối tượng, khối lượng chất ma túy gia tăng theo từng năm. Năm 2019, toàn quốc phát hiện 22.814 vụ (tăng 77% so với 11 năm trước); 35.151 đối tượng (tăng 73%); thu giữ gần 1,5 tấn heroin (tăng 857%); 5,5 tấn ma túy tổng hợp (tăng 19.580%) và 987.913 viên ma túy tổng hợp; 585,99 kg cần sa; 120,54 kg cocain cùng nhiều phương tiện, tài sản khác.

Tính trung bình trong 5 năm gần đây cả nước phát hiện khoảng 20.000 vụ với trên 30.000 đối tượng, khối lượng chất ma túy thu giữ tính bằng tấn.

Lê Thu

Nguồn Hải Quan: https://haiquanonline.com.vn/quan-ly-chat-nguoi-nghien-se-giam-toi-pham-ma-tuy-127602.html