Quản lý chặt hoạt động cấp C/O

Song song với việc đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính nhằm cấp chứng nhận xuất xứ (C/O) cho doanh nghiệp (DN) một cách nhanh chóng và thuận lợi nhất, hiện nay, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) còn phối hợp với các đơn vị liên quan nhằm quản lý chặt chẽ hoạt động cấp C/O, giảm thiểu khả năng gian lận xuất xứ hàng hóa.

Ông Phan Văn Chinh - Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu - chia sẻ, nhằm tạo điều kiện cho DN tận dụng hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết, Bộ Công Thương xác định đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính là giải pháp rất quan trọng.

Ngăn chặn tình trạng gian lận xuất xứ hàng hóa trong hoạt động xuất nhập khẩu

Ngăn chặn tình trạng gian lận xuất xứ hàng hóa trong hoạt động xuất nhập khẩu

6 tháng đầu năm 2019, các Phòng Quản lý xuất nhập khẩu cả nước đã cấp tổng cộng 426.768 C/O ưu đãi, trị giá đạt 27,25 tỷ USD, tăng 7% về số lượng C/O và 20% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2018. Thay vì cấp C/O giấy theo cách truyền thống, Cục Xuất nhập khẩu áp dụng trên toàn quốc hệ thống khai báo C/O điện tử và cấp C/O qua internet.

Theo phản ánh từ DN, thời gian cấp C/O tại các Phòng Quản lý xuất nhập khẩu khu vực trực thuộc Cục hiện chỉ trong 2 - 4 giờ làm việc, đặc biệt, có đơn vị giải quyết thủ tục trong khoảng 1 giờ làm việc đối với những lô hàng xuất khẩu (XK) bằng đường hàng không. Từ đó, giảm tối đa thời gian và chi phí lưu trữ, vận chuyển chứng từ không những cho thương nhân xuất nhập khẩu hàng hóa mà còn cả đối với cơ quan quản lý nhà nước.

Dù vậy, hiện nay, ưu đãi lớn từ các FTA đã làm nảy sinh tình trạng gian lận C/O với nhiều mặt hàng như lốp ôtô, tôm, nhôm, thép, gỗ, gạch men… Mới đây, Bộ Công Thương đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý XK gỗ dán sang Hoa Kỳ ngay sau văn bản gửi Tổng cục Hải quan.

Ông Phan Văn Chinh cho biết thêm, Cục Xuất nhập khẩu thường xuyên trao đổi, cảnh báo các tổ chức cấp C/O về việc tăng cường kiểm tra, giám sát việc cấp C/O cho các mặt hàng có nguy cơ cao về gian lận xuất xứ. Bên cạnh đó, tổ chức các đoàn kiểm tra, xác minh xuất xứ hàng hóa tại cơ sở sản xuất của DN khi có nghi vấn về gian lận xuất xứ. Ngoài ra, Cục Xuất nhập khẩu cũng tập huấn, hướng dẫn kịp thời về xuất xứ hàng hóa cho DN, khuyến nghị DN phối hợp cung cấp thông tin cho cơ quan quản lý khi thấy có dấu hiệu bất thường, tránh gây ảnh hưởng đến cả ngành sản xuất.

Riêng với thị trường Hoa Kỳ, Cục Xuất nhập khẩu đã báo cáo Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh ký Công văn số 3473/BCT-XNK ngày 17/5/2019 về tăng cường kiểm tra hồ sơ đề nghị cấp C/O cho hàng hóa XK sang Hoa Kỳ gửi Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI). Theo đó, tăng cường kiểm tra các hồ sơ đề nghị cấp C/O đối với hàng hóa XK sang Hoa Kỳ, đặc biệt là hàng được sản xuất, chế biến từ nguyên liệu nhập khẩu của Trung Quốc. Bên cạnh đó, xác minh thực tế năng lực sản xuất của thương nhân và xuất xứ hàng hóa theo quy định.

Hàng tháng, VCCI có trách nhiệm gửi báo cáo tình hình cấp C/O cho hàng hóa XK sang Hoa Kỳ về Cục Xuất nhập khẩu, nêu rõ số lượng, trị giá, chủng loại. Với các mặt hàng nhạy cảm như lốp cao su, gỗ dán, xe đạp điện… Cục Xuất nhập khẩu đã tích cực hướng dẫn, đôn đốc VCCI về cấp C/O. Các giải pháp này được kỳ vọng giúp giảm tình trạng gian lận C/O trong thời gian tới.

Cục Xuất nhập khẩu sẽ tiếp tục trao đổi với Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài đề nghị tìm hiểu về kinh nghiệm phòng chống gian lận trong lĩnh vực xuất xứ hàng hóa; tăng cường vai trò quản lý nhà nước trong việc kiểm tra, xác minh xuất xứ hàng hóa trong hoạt động cấp C/O.

Bảo Ngọc

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/quan-ly-chat-hoat-dong-cap-co-126650.html