Quản lý chặt chẽ và nâng cao chất lượng phân bón, kiểm soát tình trạng phân bón giả

Tiếp tục Chương trình phiên họp thứ 26, sáng 09/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Trồng trọt. Nhiều đại biểu quan tâm, cho ý kiến về nội dung quản lý phân bón quy định trong Dự thảo Luật.

Chủ nhiệm Ủy ban Phan Xuân Dũng báo cáo một số nội dung của Dự án Luật

Quản lý chặt chẽ và nâng cao chất lượng phân bón

Trình bày một số vấn đề tiếp thu, chỉnh lý trong quản lý phân bón, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng nêu rõ, hiện tại thị trường phân bón Việt Nam rất đa dạng, tình trạng phân bón giả, phân bón kém chất lượng vẫn phổ biến trên thị trường. Theo báo cáo của Cục bảo vệ thực vật, lượng phân bón sản xuất trong nước hiện ở tình trạng cung vượt quá cầu (tổng công suất sản xuất 29,5 triệu tấn/năm với 735 cơ sở sản xuất, chưa kể 4-5 triệu tấn phân bón nhập khẩu hàng năm trong khi nhu cầu sử dụng khoảng 10-11 triệu tấn/năm; gần 20.000 sản phẩm phân bón đã được công bố hợp quy được phép sản xuất, kinh doanh và sử dụng tại Việt Nam). Do vậy, việc quy định “một tổ chức, cá nhân chỉ được đứng tên đăng ký một tên phân bón cho mỗi công thức thành phần, hàm lượng dinh dưỡng phân bón đăng ký” là cần thiết. Mục tiêu của quy định này là để tránh hiện tượng cùng một công thức phân bón, cùng hàm lượng, chỉ tiêu nhưng lại được doanh nghiệp đăng ký dưới nhiều tên thương mại khác nhau gây hiểu lầm cho người tiêu dùng là nhiều loại phân bón khác nhau. Mặt khác, quy định này hoàn toàn không mâu thuẫn với định nghĩa về phân bón, không hạn chế việc cùng một doanh nghiệp đứng tên nhiều loại sản phẩm phân bón khác nhau với các công thức, thành phần, hàm lượng dinh dưỡng (chỉ tiêu chất lượng) khác nhau. Trên thực tế, cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền công nhận lưu hành cho hàng trăm sản phẩm phân bón với công thức, thành phần, hàm lượng dinh dưỡng khác nhau cho cùng một doanh nghiệp. Vì vậy, đề nghị UBTVQH cho giữ quy định này như Dự thảo Luật.

Toàn cảnh phiên họp

Theo Chủ nhiệm Phan Xuân Dũng, dự thảo Luật đã bổ sung quy định khuyến khích sử dụng phụ phẩm trồng trọt làm phân bón hữu cơ và các mục đích khác; bổ sung quy định về sử dụng phụ phẩm cây trồng tại Điều 76. Đối với chất thải chăn nuôi sử dụng trong trồng trọt hoặc làm nguyên liệu sản xuất phân bón, ngoài quy định về trách nhiệm của xử lý chất thải của cơ sở chăn nuôi phải đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia trước khi sử dụng làm phân bón theo quy định của dự thảo Luật Chăn nuôi, dự thảo Luật Trồng trọt quy định trách nhiệm của tổ chức, cá nhân sử dụng phân bón phải sử dụng hiệu quả, an toàn cho người, an toàn thực phẩm, đúng loại đất và loại cây, đúng liều lượng, thời điểm và cách bón. Bên cạnh,Thường trực Ủy ban KH,CN&MT đánh giá, việc khảo nghiệm phân bón để theo dõi, đánh giá các chỉ tiêu nhằm xác định phương thức sử dụng, tác động đến môi trường, hiệu quả nông học và kinh tế của phân bón và kịp thời thay thế các sản phẩm phân bón hiệu quả thấp.

Do vậy, để quản lý chặt chẽ và nâng cao chất lượng phân bón cũng như hạn chế các loại phân bón kém chất lượng thì việc khảo nghiệm phân bón trước khi được công nhận lưu hành là cần thiết. Đối với một số loại phân bón đã sử dụng phổ biến, ít có nguy cơ gây hại đến môi trường sinh thái và sức khỏe con người, dự thảo Luật quy định không phải khảo nghiệm. Mặt khác, để bảo đảm tính khách quan, chính xác trong khảo nghiệm thì việc khảo nghiệm phân bón phải do tổ chức được công nhận đủ điều kiện thực hiện và thực hiện theo tiêu chuẩn quốc gia, không thể lồng ghép trong hoạt động sản xuất phân bón do doanh nghiệp sản xuất phân bón tự thực hiện. Đối với các quy định về nội dung, chỉ tiêu, trình tự thủ tục khảo nghiệm phân bón là các vấn đề kỹ thuật, đã được quy định tại tiêu chuẩn quốc gia về khảo nghiệm phân bón nên trong Dự thảo Luật không quy định cụ thể nội dung này.

Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải phát biểu

Hạn chế phát sinh thêm thủ tục hành chính, thêm giấy phép con

Thảo luận về các nội dung liên quan đến chương quản lý phân bón, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp Luật Nguyễn Khắc Định đề nghị bỏ khảo nghiệm phân bón, bởi vì khoản 1 Điều 39 đã quy định điều kiện về chuyên môn, nghiệp vụ trong đó có trình độ đại học các chuyên ngành trồng trọt, bảo vệ thực vật, nông hóa, thổ nhưỡng, nông học, hóa học, sinh học, v.v. nếu quy định thêm về giấy chứng nhận khảo nghiệm sẽ phát sinh thêm thủ tục hành chính, thêm giấy phép con, điều này không khuyến khích.

Quan tâm đến quy định việc một tổ chức, cá nhân chỉ được đứng tên đăng ký một tên sản phẩm phân bón, Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng dự thảo Luật quy định như vậy dễ gây hiểu lầm là chúng ta hạn chế kinh doanh. Doanh nghiệp sẽ đặt câu hỏi, tại sao lại chỉ được đăng ký một tên sản phẩm? Do đó, không nên quy định thêm thủ tục hạn chế việc kinh doanh này.

Liên quan tới các quy định ở Điều 41 về kinh doanh, buôn bán phân bón, Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải chỉ ra rằng, điểm d quy định người trực tiếp bán phân bón phải có giấy chứng nhận bồi dưỡng chuyên môn về phân bón, trừ trường hợp đã có trình độ trung cấp trở lên thuộc trong các chuyên ngành, v.v.. Việc này rất tốt nhưng trên thực tế tính khả thi rất khó, việc bán phân bón ở các cửa hàng tạp hóa ở thị trấn, thị xã rất nhiều. Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cho rằng, nếu người dân hiểu được việc buôn bán, kinh doanh phân bón bây giờ phải phải đăng ký, tuân thủ theo quy định gì thì sẽ hạn chế những vi phạm. Do đó, Trưởng Ban Dân nguyện đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quan tâm tới việc lấy ý kiến của người trực tiếp chịu tác động, ảnh hưởng của luật này một cách cụ thể và hiệu quả hơn, tính khả thi của luật tốt hơn./.

Hồ Hương

Nguồn Quốc Hội: http://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=36840