Quản lý chặt các cơ sở bán trú vệ tinh

Mô hình cơ sở bán trú vệ tinh (BTVT) đã xuất hiện nhiều năm ở TP Hồ Chí Minh nhằm đáp ứng nhu cầu học bán trú cho học sinh trong khi các trường công lập ở thành phố đang trong tình trạng quá tải. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có một cơ chế quản lý mô hình này một cách cụ thể, chặt chẽ để tạo điều kiện thuận lợi cho việc dạy tốt, học tốt và an toàn cho học sinh.

Năm học 2018-2019, thành phố tăng hơn 20 nghìn học sinh mầm non; tiểu học tăng 26.812 học sinh. Từ áp lực tăng, các trường công lập của TP Hồ Chí Minh không thể tổ chức đủ lớp bán trú. Do đó, những trường tư thục đã trở thành lớp BTVT và phụ huynh đưa đón con ngay tại đây. Cụ thể, trường lớp xây dựng không theo kịp khiến việc tổ chức bán trú ở một số quận, huyện như Thủ Ðức, Bình Tân, 12… chỉ đáp ứng được khoảng 30%. Thậm chí, có nơi chỉ đạt 20% số học sinh được học lớp bán trú tại trường công lập. Một lãnh đạo Phòng Giáo dục và Ðào tạo quận Thủ Ðức chia sẻ, ngay tại khu vực Linh Trung có ba trường tiểu học, phòng học hai buổi/ngày không đủ cho nên nhiều trường không tổ chức dạy học bán trú. Ở đây, con em công nhân phải làm cả ngày, không có người trông nom, vì vậy đến buổi học thứ hai, nhiều giáo viên đã dẫn học sinh về nhà tổ chức trông nom, chăm sóc ăn uống, báo bài... Tại Trường tiểu học An Hội (quận Gò Vấp), có khoảng 4.000 học sinh nhưng chỉ có 30% số học sinh được học bán trú cho nên các cơ sở BTVT ở gần thu hút khá đông phụ huynh đến gửi con. Theo ghi nhận, cứ sau giờ tan học buổi trưa, hàng trăm học sinh không được học bán trú trong trường sẽ được đưa về những cơ sở BTVT gần đó. Tại các cơ sở này, các em được ăn uống, ngủ và được nhân viên ở đây hướng dẫn làm bài và đến khoảng 17 giờ, phụ huynh sẽ đón trẻ.

Qua ghi nhận, tùy thuộc vào lớp học và số ngày học, phụ huynh phải đóng trung bình khoảng từ 1,2 đến 1,5 triệu đồng/tháng/học sinh. Ông Ngô Văn Tuyên, Trưởng phòng Giáo dục và Ðào tạo quận Bình Tân cho biết: Với nhu cầu phụ huynh gửi con vào các lớp bán trú là rất lớn nhưng khả năng đáp ứng của các trường công rất ít. Do đó, hoạt động của BTVT góp phần giảm gánh nặng cho trường công. Là một trong những quận đông dân nhất thành phố (gần 1 triệu dân, kể cả dân nhập cư), trong đó, có rất nhiều khu chế xuất, khu công nghiệp lớn đông công nhân, quận Bình Tân luôn là điểm nóng đối với các loại hình giáo dục, kể cả loại hình BTVT. Ở đây, ngay từ đầu hè, nhiều cơ sở BTVT đã quảng cáo, ghi rất rõ ràng lịch khai giảng khóa hè từ tháng 6-2018. Nhiều cơ sở đã tổ chức các lớp bán trú hè cho học sinh mẫu giáo, tiểu học, THCS. Ðại diện một cơ sở BTVT ở quận Gò Vấp chia sẻ, do không có phụ huynh đưa đón, các nhóm BTVT nhận trách nhiệm đưa đón học sinh về cơ sở để "giữ và chăm" các cháu. Nhiều cơ sở hoạt động từ năm 2007 dưới sự quản lý của UBND phường nhưng đến nay chưa có cơ sở nào được cấp giấy phép chính thức. Có thể thấy, việc sớm ban hành các văn bản quản lý, hướng dẫn hoạt động của mô hình BTVT sẽ giúp phụ huynh có nơi gửi con an toàn và phần nào giảm áp lực công tác tổ chức bán trú cho các trường. Các cơ sở này hoạt động rất rầm rộ và đáp ứng một phần không nhỏ trong việc giải quyết nhu cầu của phụ huynh học sinh mà các trường công lập chưa làm được, nhưng việc quản lý và cấp phép các cơ sở này lại chưa có. Ông Ngô Văn Tuyên cho biết, việc quản lý mô hình này còn nhiều bất cập vì hiện tại thành phố chưa có cơ chế quản lý. Hiện chưa có UBND phường nào được cấp phép dịch vụ này, bởi UBND thành phố chưa có hướng dẫn cụ thể.

Chính vì chưa có quy định và văn bản hướng dẫn cụ thể trong việc quản lý cơ sở BTVT, giá cả dịch vụ do phụ huynh với cơ sở tự thỏa thuận, cho nên thường bị đẩy cao vô tội vạ. Phụ huynh dù chật vật, cũng đành chấp nhận. Theo khảo sát giá BTVT tại ba quận Gò Vấp, Bình Tân và 12, giá dao động tùy theo quận và từng khu vực. Nếu như ở quận Gò Vấp được các cơ sở BTVT "thét" từ 1,2 triệu đến 1,4 triệu đồng/tháng (kiêm đưa đón, cho ăn hai bữa, dạy văn hóa), thì tại các quận 12 và Bình Tân giá "mềm" hơn một chút với mức dao động từ 800 nghìn đến 1 triệu đồng/tháng bao gồm những dịch vụ tương tự. Nếu chỉ riêng phí đón về nhà và ăn nhẹ với thời gian từ một đến hai giờ, phí sẽ khoảng 600 nghìn đồng/tháng. Nếu thời gian đón trẻ vào buổi trưa đối với trẻ không học bán trú, phụ huynh phải trả từ 40 nghìn đến 50 nghìn đồng/buổi/trẻ… Do nhu cầu đón và giữ trẻ sau giờ học của phụ huynh quá lớn và ngày càng tăng, một số cơ sở đã quảng cáo dịch vụ trên mạng với những lời giới thiệu, quảng cáo quá đà. Nhưng, rất dễ nhận thấy không nhiều cơ sở làm dịch vụ này thực hiện nghiêm túc việc dạy văn hóa, hoặc ngoại ngữ cho trẻ. Chất lượng ăn uống, học tập của các cháu tại các cơ sở này như thế nào không mấy phụ huynh biết. Bởi chẳng ai kiểm tra, giám sát, cho nên chất lượng dịch vụ của các cơ sở BTVT đang bị thả nổi.

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/tphcm/item/37647702-quan-ly-chat-cac-co-so-ban-tru-ve-tinh.html