Quản lý 'blue boats' để kết thúc thẻ vàng

Thuật ngữ 'blue boats' (tàu xanh) chính thức xuất hiện trên hàng loạt tờ báo ở nhiều quốc gia và quốc đảo trên Thái Bình Dương từ năm 2015 như: Australia, Papua New Guinea, Micronesia, quần đảo Solomon, New Caledonia, Palau. Thuật ngữ này để chỉ các tàu cá sơn màu xanh và đã sang vùng biển các quốc gia này đánh cá trái phép. Đây chính là nguyên nhân dẫn tới Liên minh châu Âu đã rút thẻ vàng đối với ngành xuất khẩu thủy sản của Việt Nam.

Hình ảnh tàu tuần tra bám đuổi tàu xanh được đăng trên các website vùng Nam Thái Bình Dương. Ảnh: Tư liệu

Đốt tàu bên núi lửa

Ngày 26-5-2016, trên các website và báo chí của quốc đảo Palau đăng hình ảnh một tàu cá Việt Nam có nguồn gốc từ Quảng Ngãi bị đặt bên cạnh ngọn núi lửa và phóng hỏa. Con tàu này bị bắt ở gần đảo Tobi, phía Tây Nam của Palau (EEZ). Hình ảnh con tàu bùng cháy bên cạnh ngọn núi lửa đã phát đi thông điệp mạnh mẽ của Chính phủ nước này đối với việc tàu cá của ngư dân Việt Nam sang đánh bắt trộm hải sâm.

Palau là quốc gia đầu tiên ở Thái Bình Dương bắt giữ tàu cá Việt Nam và gọi các tàu cá này là blue boats vì cho rằng, “hạm đội tàu blue boats” xuất phát từ một làng chài nhỏ ở Việt Nam, tàu vỏ gỗ sơn màu trùng với nước biển, không lắp đặt máy phát sóng nhận dạng nên khó nhận biết và ra đa biển thế kỷ 21 vẫn khó hiển thị được. Hệ thống vệ tinh giám sát phải lắp đặt thêm thiết bị hiện đại và đắt tiền thì mới phát hiện được các tàu này di chuyển trên biển.

Nếu tính cung đường đi từ Việt Nam sang các quốc đảo ở Thái Bình Dương thì Palau là gần nhất. Palau nằm phía Nam Thái Bình Dương, đối diện với tỉnh Davao là quê hương của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte. Tàu cá đi xuyên qua Philippines, sau đó hành trình nhiều ngày thì tới Palau.

Từ năm 2014, báo chí ở Australia bắt đầu cảnh báo về sự xuất hiện của các tàu xanh ở các khu vực hẻo lánh như Khu bảo tồn san hô biển Commonwealth tại Bãi đá Lihou, cách Queensland 625km về phía Đông. Lực lượng phòng vệ PNG HPNGS Seadler, Bộ Tư lệnh Hàng hải của Australia vào đầu năm 2016 đã bắt được 2 tàu vỏ gỗ sơn màu xanh gần rạn san hô Saumarez chở theo 2,5 tấn hải sâm. Liên bang Micronesia cũng công bố, từ tháng 12-2014 đến năm 2016, đã bắt giữ 9 tàu đánh cá, 169 ngư dân Việt Nam.

Giải tỏa mối nghi ngờ

Các quốc đảo ở Thái Bình Dương thông báo liên tục tăng hình thức xử phạt nặng đối với tàu cá và ngư dân vi phạm. Thuyền trưởng bị phạt tiền 50 ngàn USD, hoặc ngồi tù 4 năm với lao động nặng nhọc. Mỗi thuyền viên bị phạt tiền 20 ngàn USD.

Các tàu cá đi đánh bắt hải sâm theo kiểu tự phát và phía sau thường có sự tiếp tay của các đầu nậu địa phương. Nhưng tại một số quốc đảo trên Thái Bình Dương đã tỏ ý nghi ngờ, việc đánh bắt hải sâm của ngư dân là có tổ chức. Nhiều ý kiến nghi ngờ về khả năng một chiếc tàu dài 20 mét thì không thể nào vượt quãng đường 4.000-5.000 hải lý trong thời gian từ 30-40 ngày đêm?

Ông Charlie Abel, một thành viên của Quốc hội đại diện cho tỉnh Mine Bay (Australia) nói với giới truyền thông và nhận định sai lệch tình hình: "Tôi tin rằng có ít nhất 40 tàu nhỏ hơn hoạt động từ một tàu mẹ nằm bên ngoài lãnh hải của chúng ta". Hawaii Public Radio ngày 25-1-2017 đã bình luận về tàu blue boats “giới truyền thông địa phương trích dẫn một quan chức Pháp, tự hỏi làm thế nào những chiếc thuyền nhỏ được tiếp nhiên liệu để có thể ở lại trên biển quá lâu?” Còn chính quyền New Caledonia thì nghi ngờ về khả năng tàu cá đi hơn 7.000km...

Các ngư dân khi trở về đều trình bày việc họ bị bắt và khai không có tàu mẹ hỗ trợ. Lời khai của ngư dân có thể được xác thực từ kết quả tuần tra của lực lượng quản lý biển của Australia. Vị Tư lệnh Hải quân Lục quân Peter Laver đã nói với báo giới về việc sử dụng cả máy bay giám sát P-8A Poseidon và máy bay tầm xa mới để có thể phát hiện tàu đánh cá bất hợp pháp.

Cơ quan Thủy sản Diễn đàn (FFA) ở Thái Bình Dương đã từng đề cập đến việc kết nạp Việt Nam để có thông tin xử lý tàu cá vi phạm. Nhưng nhiều quốc gia trong tổ chức này đã không đồng tình, vì về mặt địa lý thì Việt Nam nằm ở Biển Đông và tuyến đường ra Thái Bình Dương thì quá xa.

Đến năm 2017, một số quan chức ngành hải sản của các quốc đảo Palau, Australia đã sang Việt Nam và đến tận xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi để xác thực sự việc. Họ được đáp ứng tất cả các yêu cầu: Gặp và phỏng vấn các ngư dân, tiếp xúc với chính quyền cấp xã. Các cuộc tiếp xúc trực tiếp này đã giúp cho các nước ở Thái Bình Dương hiểu được hoạt động đánh bắt trái phép của ngư dân là mang tính tự phát cá nhân. Ngư dân Việt Nam đi biển rất giỏi, họ có đủ khả năng hành trình vài ngàn hải lý trên chiếc tàu chở theo 60-70 ngàn lít dầu trong thời gian 40-50 ngày đêm liên tục ra Thái Bình Dương.

Nhiều ý kiến nghi ngờ về khả năng chiếc tàu gỗ nhỏ vượt chặng đường cả đi lẫn về khoảng 14.000km.

Cam kết bằng hành động

Tỉnh Quảng Ngãi đang tiếp tục đẩy mạnh ngăn chặn từ gốc rễ các vụ việc ngư dân đánh bắt trái phép trên vùng biển nước ngoài, tàu vi phạm sẽ bị tước giấy phép. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cũng nhiều lần về Quảng Ngãi để bàn về biện pháp ngăn chặn dứt điểm tàu cá vi phạm. Đầu năm 2018, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Võ Văn Tám đã cùng đoàn công tác sang tận đảo New Caledonia (lãnh thổ hải ngoại của Pháp có nhiều người Việt sinh sống) và đã trả lời báo chí các quốc đảo ở Thái Bình Dương về quyết tâm của Việt Nam.

Thứ trưởng Võ Văn Tám đã phát biểu, mục đích của chuyến đi này là gặp gỡ các đại diện của Nhà nước, cộng đồng địa phương và thể hiện cam kết của chính quyền Việt Nam trong cuộc chiến chống đánh bắt trái phép ở New Caledonia; đào tạo ngư dân theo quy định quốc gia và quốc tế, tăng hình phạt tài chính, tăng cường giám sát và kiểm soát bằng cách sử dụng GPS plotter cho tàu thuyền có chiều dài trên 15 mét, nghiên cứu cấm đánh bắt và buôn bán hải sâm ở Việt Nam, đồng thời, mong muốn tiến tới một tương lai hứa hẹn của sự hợp tác.

Một số ngư dân bị bắt cho biết, vùng lãnh hải của các nước này xác lập quá rộng nên dù cách rất xa vẫn bị bắt và phải mất mấy ngày đêm mới vào đến bờ. Liên bang Micronesia nhỏ bé, nhưng vùng đặc quyền kinh tế công bố là 2,6 triệu km2.

Lê Văn Chương

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/quan-ly-blue-boats-de-ket-thuc-the-vang/