Quản lý bệnh không lây nhiễm từ cộng đồng

Sáng 7-11, Sở Y tế TPHCM phối hợp với PATH (Tổ chức quốc tế phi lợi nhuận có mục tiêu nâng cao sức khỏe thông qua việc xác định, phát triển và áp dụng các giải pháp được đổi mới thích hợp đối với các vấn đề y tế cộng đồng) tổ chức Hội nghị tổng kết Dự án 'Cộng đồng vì trái tim khỏe'.

Theo bác sĩ Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM, từ năm 2016 đến nay, Dự án “Cộng đồng vì trái tim khỏe” đã triển khai chương trình đo huyết áp, quản lý, theo dõi tình hình điều trị tăng huyết áp cho người dân tại 16 phường thuộc 4 quận trên địa bàn TP gồm: Quận 8, quận 12, quận Gò Vấp và quận Thủ Đức.

Thông qua các điểm đo huyết áp miễn phí đặt tại các tổ dân phố, nhà người dân, chợ, quán cà phê, tiệm làm móng…, người dân được khuyến khích kiểm tra huyết áp của mình. Cùng với đó là sự tư vấn thường xuyên, liên tục của đội ngũ cộng tác viên giúp người tăng huyết áp hiểu biết hơn về tình trạng bệnh cũng như tuân thủ điều trị.

Kết quả, sau 3 năm triển khai, 58% người dân trên 40 tuổi tại 4 quận triển khai dự án được sàng lọc bệnh tăng huyết áp, 63% người tăng huyết áp biết trị số huyết áp của mình. Và đã có 16.455 người được chẩn đoán mắc tăng huyết áp, trong đó 11.847 người được chuyển gửi điều trị tại các cơ sở y tế.

Đặc biệt, dự án sử dụng phần mềm eHTN.Tracker để quản lý thông tin, theo dõi việc khám và điều trị của những người mắc bệnh mạn tính không lây. Phần mềm này cho phép nhân viên y tế dễ dàng theo dõi bệnh nhân và quản lý bệnh nhân tại tuyến y tế cơ sở. Hệ thống còn kết nối với dịch vụ tin nhắn nhắc nhở bệnh nhân tuân thủ điều trị và tự chăm sóc sức khỏe của mình.

Theo TS Trương Đình Bắc, Phó Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), dự án đã thực sự lấy người dân làm trung tâm, tạo mọi điều kiện để người dân có thể tiếp cận được với dịch vụ y tế một cách thuận lợi nhất.

Ngoài ra, mô hình này cũng đã huy động được sự tham gia của các cộng tác viên cộng đồng – đây chính là những cánh tay nối dài của trạm y tế xã nhằm tiếp cận người bệnh, giới thiệu họ đến cơ sở khám chữa bệnh để được quản lý, điều trị kịp thời.

“Những kết quả và bài học kinh nghiệm từ "Dự án Cộng đồng vì trái tim khỏe" sẽ là tiền đề để Bộ Y tế phát triển mô hình quản lý bệnh không lây dựa vào cộng đồng. Trong đó, việc lấy con người làm trung tâm sẽ tiếp tục được hoàn thiện để tăng cường đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe ban đầu, giúp cho hàng triệu người bị ảnh hưởng bởi bệnh không lây nhiễm ở Việt Nam được tiếp cận các dịch vụ y tế thuận tiện, chất lượng với giá cả phù hợp” - TS Trương Đình Bắc kỳ vọng.

THÀNH AN

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/quan-ly-benh-khong-lay-nhiem-tu-cong-dong-627204.html