Số ca tử vong trên toàn cầu giảm nhẹ; Vitamin D giúp giảm nguy cơ bệnh trở nặng

Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận thêm 1.111.692 trường hợp mắc COVID-19 và 4.278 ca tử vong. Tới nay, tổng số ca mắc COVID-19 trên toàn cầu vượt 425 triệu ca, trong đó trên 5,9 triệu người không qua khỏi.

Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Hong Kong, Trung Quốc, ngày 20/2/2022.

Theo số liệu thống kê của trang mạng worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 22/2 (giờ Việt Nam), tổng số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 trên toàn cầu đã lên tới 425.983.818 ca, trong đó có 5.911.307 người tử vong.

Biến thể mới đang khiến đồ thị dịch COVID-19 đảo chiều. Dù vậy, sau hơn 2 năm ứng phó, nhiều nước đang chủ động thích ứng tốt với làn sóng dịch mới này và từng bước trở lại cuộc sống trước đại dịch.

Trong mấy ngày qua, số ca mắc bệnh bắt đầu giảm trên phạm vi toàn cầu, những vùng bệnh “nóng nhất” nằm ở châu Âu-châu Mỹ khi dịch tái bùng phát, số ca mắc mới vẫn cao ở nhiều nước thuộc châu lục này. Song ngày càng nhiều nước thông báo sẽ nới lỏng các biến pháp phòng dịch nghiêm ngặt.

Trong 1 ngày qua, Nga là nước có số ca mắc mới cao nhất (trên 152.000 ca), trong khi Nga cũng là quốc gia có số ca tử vong mới cao nhất thế giới với xấp xỉ 800 ca.

Mỹ vẫn là nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất thế giới, đến nay ghi nhận 80.087.617 ca nhiễm và 959.412 ca tử vong. Với số ca nhiễm gần bằng 1/2 của Mỹ (42.838.524 ca), Ấn Độ đứng thứ hai thế giới. Tuy nhiên, Brazil đứng thứ hai về số ca tử vong (644.362 ca).

Trong số 10 quốc gia đứng đầu danh sách, 7 nước còn lại là ở châu Âu, gồm Pháp (với 22.286.829 ca mắc), Anh 18.605.752 ca, Nga 15.522.765 ca, tiếp đó là Đức và Thổ Nhĩ Kỳ lần lượt là 13.602.431 ca và 13.504.485 ca, Italy là 12.469.975 ca và Tây Ban Nha ghi nhận 10.809.222 ca.

Tại châu Á, trong 24 giờ qua, Hàn Quốc ghi nhận 95.362 ca mắc mới COVID-19, nâng tổng số ca nhiễm trên cả nước lên 2.058.184 ca. Số ca mắc mới theo ngày đã tăng trong nhiều tuần gần đây do sự lây lan nhanh chóng của biến thể Omicron. Trước tình hình này, các trường học tại Hàn Quốc sẽ được phép áp dụng phương thức học từ xa hoàn toàn trong 2 tuần đầu tiên của học kỳ bắt đầu từ tháng 3 tới.

Chiều 21/2, chính quyền Khu hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc) thông báo quy định áp dụng “thẻ thông hành vaccine”, trong bối cảnh số ca mắc mới tại đặc khu liên tục ghi nhận mức cao mới.

Từ ngày 24/2, khi đến các địa điểm như trường học, văn phòng chính quyền, bệnh viện, nhà hàng, chợ, siêu thị, trung tâm thương mại và cửa hàng bách hóa..., người dân phải quét ứng dụng “Leave home Safe” (Đi lại an toàn), đồng thời phải xuất trình “thẻ thông hành vaccine” bản điện tử hoặc bản giấy. Những người không đủ điều kiện tiêm vaccine sẽ phải xuất trình giấy chứng nhận miễn trừ y tế. Trong bối cảnh nguồn lực hạn chế, người đến các chợ, trung tâm thương mại, cửa hàng bách hóa và siêu thị không cần chủ động xuất trình “thẻ thông hành vaccine”, nhưng các nhân viên thực thi pháp luật sẽ kiểm tra ngẫu nhiên.

Hành khách đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại sân bay quốc tế Ngurah Rai ở Bali, Indonesia, ngày 16/2/2022.

Tại Ấn Độ, nhà sản xuất vaccine của Ấn Độ Biological E. ngày 21/2 cho biết, vaccine ngừa COVID-19 của hãng, mang tên Corbevax, đã được cấp phép sử dụng khẩn cấp cho lứa tuổi từ 12-18 tuổi.

Đây là vaccine thứ ba được cấp phép cho nhóm tuổi này ở Ấn Độ, bên cạnh vaccine ZyCoV-D của Zydus Cadila và vaccine Covaxin của Bharat Biotech (đều của Ấn Độ). Ấn Độ đến nay mới chỉ bắt đầu tiêm cho trẻ từ 15 tuổi trở lên. Theo số liệu chính thức của chính phủ, hơn 76 triệu trẻ em từ 15-17 tuổi đã được tiêm chủng, chủ yếu bằng vaccine Covaxin.

Ở Đông Nam Á, theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 21/2, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 110.157 ca mắc mới COVID-19 và 403 ca tử vong.

Tình hình dịch bệnh tại Đông Nam Á mấy ngày qua diễn biến phức tạp và có sự khác biệt lớn giữa các nước. Diễn biến dịch tại Indonesia, Philippines và Việt Nam vẫn căng thẳng so với các nước khác.

Một ngày qua, hiệp hội ASEAN có 8 quốc gia thành viên ghi nhận các ca tử vong mới vì COVID-19 là Indonesia, Philippines, Myanmar, Malaysia, Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam.

Thái Lan ngày 21/2 đã tiếp tục nâng mức cảnh báo COVID-19 thêm một cấp mới, theo đó yêu cầu người dân hạn chế ăn uống tại nhà hàng và tránh tụ tập đông người để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh. Trong 24 giờ qua, nước này có thêm 18.883 ca mắc mới và 32 ca tử vong.

Từ ngày 21/2 - 4/3, Lào triển khai tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho trẻ em từ 6-11 tuổi, nhằm tăng cường khả năng phòng vệ trước biến thể Omicron. Trong giai đoạn này, Lào tập trung tiêm cho trẻ em tại các tỉnh Houaphanh, Xiengkhoang, Oudomxay, Savannakhet và Saysomboune.

Thủ đô Viêng Chăn và các tỉnh khác sẽ triển khai tiêm từ ngày 4-13/3. Sau khi hoàn thành tiêm cho trẻ em ở lứa tuổi này, Lào sẽ xem xét tiêm cho trẻ từ 3-5 tuổi. Tính đến ngày 17/2, khoảng 65,8% dân số Lào đã được tiêm ít nhất một mũi vaccine ngừa COVID-19 và 58% dân số đã tiêm đủ liều cơ bản. Hiện Lào đang triển khai tiêm mũi vaccine tăng cường cho người dân trên khắp cả nước.

Tại Jakarta, Bộ trưởng Điều phối Kinh tế Indonesia Airlangga Hartarto ngày 21/2 cho biết làn sóng lây nhiễm COVID-19 hiện nay do biến thể Omicron dự kiến đạt đỉnh trong ba tuần tới, tức là khoảng giữa tháng 3/2022.

Chính phủ Nhật Bản cũng đã bắt đầu cung cấp vaccine phòng COVID-19 cho các trung tâm y tế trên toàn quốc trong tuần này để chuẩn bị công tác tiêm chủng cho đối tượng là trẻ em trong độ tuổi từ 5 – 11 tuổi, sớm nhất trong tháng này.

Chính phủ Nhật Bản sử dụng vaccine ngừa COVID-19 của hãng Pfizer/BioNTech cho trẻ em ở độ tuổi này, với liều lượng bằng 1/3 so với liều dùng cho trẻ em trên 12 tuổi. Theo kế hoạch, đến tháng 5, Chính phủ Nhật Bản cung cấp khoảng 12 triệu liều vaccine cho các cơ sở y tế trên toàn quốc để tiêm cho trẻ. Việc tiêm chủng này là không bắt buộc và trẻ đi tiêm cần phải có sự đồng ý của cha, mẹ hoặc người giám hộ.

Bộ Y tế Italy đã khuyến cáo những người có hệ miễn dịch bị suy giảm nghiêm trọng nên tiêm liều vaccine mRNA thứ tư để chống lại COVID-19, ít nhất là 120 ngày sau khi tiêm mũi tăng cường.

Italy đã ghi nhận tổng cộng 12,4 triệu ca COVID-19 và 152.848 người tử vong do virus SARS-CoV-2 kể từ khi đại dịch bùng phát ở nước này hồi tháng 2/2020. Hầu hết các quốc gia châu Âu có tỷ lệ tiêm vaccine ngừa COVID-19 tương đối thấp hơn đã khuyến cáo tiêm liều thứ tư cho những người dễ bị tổn thương nhất.

Tương tự, Mỹ cũng đang xem xét phê duyệt việc tiêm mũi thứ 4 vaccine ngừa COVID-19 vào mùa Thu năm nay. Hiện kế hoạch vẫn đang ở giai đoạn đầu và quá trình cấp phép sẽ phụ thuộc vào kết quả các cuộc nghiên cứu đang được thực hiện về việc liệu liều vaccine tăng cường thứ hai có giúp nâng cao khả năng miễn dịch của người được tiêm, giảm nguy cơ bệnh chuyển nặng và nghiêm trọng sau mắc COVID-19 hay không.

Người dân đeo khẩu trang khi mua hàng trong siêu thị tại Milan, Italy.

Theo các chuyên gia, liều tăng cường thứ hai này có thể là khởi đầu của chương trình tiêm chủng ngừa COVID-19 hàng năm. Nếu có biến thể mới xuất hiện, khả năng Mỹ sẽ áp dụng chiến lược này. Đến nay, khoảng 65% dân số Mỹ đã hoàn thành liều tiêm cơ bản, khoảng 43% đã được tiêm mũi vaccine tăng cường.

Trong khi đó, Bộ Y tế Nam Phi cho biết chính phủ nước này đã quyết định điều chỉnh chính sách tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân dựa trên các bằng chứng khoa học nhằm nâng cao khả năng hấp thu vaccine ngừa COVID-19 và tăng số người được tiêm mũi tăng cường.

Những nội dung chính bao gồm giảm khoảng thời gian giữa liều đầu tiên và liều thứ hai của hãng Pfizer/BioNTech từ 42 ngày xuống còn 21 ngày, bắt đầu có hiệu lực từ ngày 23/2 tới. Tất cả những người được tiêm chủng đủ hai liều vaccine Pfizer/BioNTech sẽ đủ điều kiện tiêm liều tăng cường khi đạt 90 ngày (hoặc 3 tháng) sau liều thứ hai thay vì khoảng thời gian 180 ngày (hoặc 6 tháng) như quy định trước đó.

Những người trên 18 tuổi tại nước này đã được tiêm vaccine ngừa COVID-19 của hãng Johnson & Johnson sẽ đủ điều kiện để tiêm liều nhắc lại của cùng loại vaccine hoặc một liều nhắc lại vaccine của hãng Pfizer/BioNTech sau 60 ngày (tức 2 tháng).

Theo một nghiên cứu tổng hợp được công bố mới đây trên tạp chí Clinical Nutrition ESPEN, các nhà khoa học không tìm thấy mối liên hệ mang tính thống kê nào giữa việc bổ sung vitamin C, vitamin D hay kẽm và việc giảm nguy cơ tử vong vì COVID-19. Tuy nhiên, phân tích cho thấy những người đã bổ sung vitamin D ít khả năng phải đặt nội khí quản hơn và thời gian nằm viện trung bình ngắn hơn so với người chỉ điều trị COVID-19 bằng các liệu pháp cơ bản.

Nghiên cứu tổng hợp này do nhóm các nhà khoa học thuộc Đại học Toledo (Mỹ) thực hiện, trong đó họ phân tích tổng cộng 26 nghiên cứu khác nhau, gồm 10 thí nghiệm đối chứng ngẫu nhiên và 16 nghiên cứu quan sát thực hiện với 5.633 bệnh nhân COVID-19. Các nhà khoa học đã tổng hợp các nghiên cứu này và sử dụng kỹ thuật thống kê để phân tích, đánh giá tác dụng tổng thể của các loại thuốc bổ dùng trong điều trị COVID-19.

Kết quả cho thấy những nghiên cứu đánh giá việc bổ sung vitamin C, vitamin D hay kẽm không phát hiện có bất kỳ hiệu quả mang tính thống kê nào về việc giảm nguy cơ tử vong vì COVID-19. Tuy nhiên, những nghiên cứu về việc sử dụng vitamin D, trong đó so sánh 927 bệnh nhân COVID-19 có bổ sung loại vitamin này với 2.570 bệnh nhân điều trị bằng liệu pháp cơ bản, cho thấy tỷ lệ bệnh nhân có bổ sung vitamin D phải đặt nội khí quản thấp hơn số bệnh nhân điều trị bằng liệu pháp cơ bản 45% và số ngày nằm viện trung bình cũng ít hơn 1,26 ngày./.

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/so-ca-tu-vong-tren-toan-cau-giam-nhe-vitamin-d-giup-giam-nguy-co-benh-tro-nang-100597.html