Quản lý bảo vệ rừng từ cộng đồng ở Yên Bái

Mô hình bảo vệ rừng theo cộng đồng dân cư đã và đang phát huy hiệu quả, nhất là việc sử dụng nguồn kinh phí từ dịch vụ môi trường rừng đã giúp nhiều thôn bản có thêm những công trình công cộng khang trang.

Tỉnh Yên Bái hiện có gần 433.600 ha rừng. Tại nhiều địa phương, mô hình bảo vệ rừng theo cộng đồng dân cư đã và đang phát huy hiệu quả, nhất là việc sử dụng nguồn kinh phí từ dịch vụ môi trường rừng đã giúp nhiều thôn bản có thêm những công trình công cộng khang trang, góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn miền núi, vùng cao.

Mô hình bảo vệ rừng theo cộng đồng dân cư đã và đang phát huy hiệu quả.

Mô hình bảo vệ rừng theo cộng đồng dân cư đã và đang phát huy hiệu quả.

Tại các buổi họp thôn Giàng Cài, xã Nậm Lành, Ban quản lý rừng cộng đồng đã đưa ra bàn bạc, thảo luận và lấy ý kiến của người dân trong thôn về Quy chế hoạt động của Ban quản lý rừng cộng đồng, tổ bảo vệ rừng và việc quản lý, sử dụng tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng... Hầu hết người dân trong thôn đều đồng thuận với việc dùng 70% số tiền chi trả cho công tác bảo vệ rừng, 30% còn lại sử dụng vào các hoạt động chung của thôn như: mua sắm vật dụng thiết yếu, hội họp, xây dựng các công trình...

Ông Phùng Sinh Sương, Bí thư Chi bộ thôn Giàng Cài cho biết: Thời gian qua, thôn Giàng Cài đã được nhà nước đầu tư xây dựng một hội trường thôn, rộng hơn 200 m2, quy mô 5 gian, trị giá trên 700 triệu đồng. Tuy nhiên, để hội trường được khang trang hơn, thôn đã trích hàng chục triệu đồng từ nguồn chi trả dịch vụ môi trường rừng, để thi công tiếp các hạng mục hàng rào, cổng vào, sân và công trình phụ...

"30% là để thôn sử dụng là quỹ hoạt động các khoản trong thôn. Dân rất là đồng tình, ủng hộ, biểu quyết 100%", Bí thư Chi bộ thôn Giàng Cài nói.

Ở thôn Giàng Cài, những năm trước đây, việc bảo vệ rừng được giao khoán cho nhóm hộ; do đó rất khó cho việc quản lý bảo vệ. Theo người dân, cách làm như vậy là không công bằng về quyền lợi, khi người có rừng thì giàu, người không có rừng thì nghèo, vì thế dễ phát sinh tiêu cực.

Từ khi chuyển đổi sang quản lý rừng theo cộng đồng dân cư, nhận thức của người dân đã có những thay đổi rõ rệt trong công tác bảo vệ rừng. Các hoạt động xã hội của thôn từ đó cũng được triển khai thuận lợi hơn.

Ông Lý Văn Ngân, người dân thôn Giàng Cài, xã Nậm Lành, huyện Văn Chấn cho biết: "Cộng đồng rất quan tâm bảo vệ rừng và phát triển rừng bền vững và lâu dài. Hiện nay, người ngoài không hề vào được rừng chặt phá và đưa các sản phẩm từ rừng của cộng đồng đi ra".

Bà Bàn Thị Náy, Phó Chủ tịch UBND xã Nậm Lành, huyện Văn Chấn cho biết: Trước đây, công tác quản lý, bảo vệ rừng của cộng đồng ở xã Nậm Lành gặp nhiều khó khăn, hiệu quả thấp do chỉ dựa vào một số nhóm hộ, không có kinh phí hoạt động. Từ khi tỉnh triển khai thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, nhất là việc triển khai thực hiện giao khoán bảo vệ rừng cho cộng đồng dân cư thôn, bản thì các hoạt động bảo vệ rừng tương đối thuận lợi.

Chỉ tính riêng thôn Giàng Cài đến nay đã có hơn 900 ha rừng, trong đó trên 800 ha là rừng tự nhiên phòng hộ và số tiền được hưởng từ dịch vụ môi trường rừng là hàng trăm triệu đồng:"Thôn Giàng Cài là thôn thí điểm, làm điểm đầu tiên của xã Nậm Lành về thực hiện quản lý rừng cộng đồng, thành lập Ban quản lý của thôn, kiện toàn lại tổ trưởng, phân chia rõ ràng từng tổ quản lý bao nhiêu hộ dân và lô rừng được quản lý rõ ràng... Tới đây, xã sẽ tiếp tục triển khai, hoàn thiện ở các thôn bản còn lại của xã"

Có thể thấy, việc chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng trong cộng đồng thôn, bản, thông qua Ban quản lý rừng cộng đồng được người dân vùng cao Yên Bái đồng thuận là bởi tính công khai, minh bạch. Từ đây, công tác bảo vệ rừng gắn với cộng đồng dân cư càng được phát huy và có hiệu quả cao./.

Đinh Tuấn/VOV-Tây Bắc

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/quan-ly-bao-ve-rung-tu-cong-dong-o-yen-bai-817047.vov