Quản lý, bảo tồn di tích, cảnh quan thiên nhiên: Còn nhiều bất cập

Quảng Ngãi có nhiều di tích lịch sử, văn hóa, cảnh quan thiên nhiên được công nhận, khoanh vùng bảo vệ. Tuy nhiên, công tác quản lý, bảo vệ hiện còn nhiều hạn chế. Tình trạng xâm phạm di tích, cảnh quan đang ở mức báo động.

Điều này đặt ra trách nhiệm của chính quyền địa phương, ngành văn hóa trước nguy cơ biến dạng của một số di tích, danh lam, thắng cảnh hiện nay.

Nhiều nơi bị xâm hại

Mới đây, dư luận không khỏi bức xúc về tình trạng xâm hại thắng cảnh Ba Làng An, ở xã Bình Châu (Bình Sơn). Sau thời gian buông lỏng quản lý của cơ quan chức năng, thì cảnh quan vốn có của Ba Làng An đã không còn như hiện trạng ban đầu, mà bị tàn phá nham nhở. Ba Làng An là một thắng cảnh nổi tiếng của Quảng Ngãi, nằm trong công viên địa chất Lý Sơn - Sa Huỳnh. Năm 1993, thắng cảnh này được UBND tỉnh ra quyết định công nhận bảo vệ. Tuy nhiên, công tác quản lý đối với thắng cảnh này còn nhiều bất cập.

Các công trình xây dựng trái phép dưới chân núi Ba Làng An (Bình Sơn).

Đơn cử như, vào năm 2019, UBND huyện Bình Sơn ra quyết định xử phạt hành chính đối với ông Nguyễn Hữu Phúc, trú ở thôn Phú Quý, xã Bình Châu, với số tiền 15 triệu đồng vì tự ý đào bới, san ủi rừng phòng hộ ven biển; xây dựng bờ kè bê tông cốt thép, dựng trụ bê tông... để làm hàng quán. Tuy nhiên, sau lần xử phạt này, câu chuyện xâm hại thắng cảnh Ba Làng An vẫn chưa dừng lại.

Thời gian qua, một số hộ dân lại tiếp tục đào đất, phá núi lấp khu vực gành biển... để xây dựng trái phép các hàng quán, dịch vụ buôn bán trong phạm vi bảo vệ. Sở VH-TT&DL đã có văn bản gửi UBND huyện Bình Sơn yêu cầu xử lý về việc xâm hại thắng cảnh Ba Làng An. Chính quyền địa phương đã tiến hành kiểm tra. Mới đây, UBND tỉnh cũng đã ra văn bản hỏa tốc yêu cầu UBND huyện Bình Sơn phối hợp với Sở VH-TT&DL kiểm tra, xử lý vi phạm, kịp thời báo cáo UBND tỉnh.

Trưởng phòng Quản lý văn hóa (Sở VH-TT&DL) Phan Đình Độ cho biết: “Với mức độ xâm phạm thô bạo đối với thắng cảnh Ba Làng An, Sở VH-TT&DL phối hợp với chính quyền địa phương kiểm tra, đánh giá mức độ nguy hại. Ngoài xử phạt hành chính, thì phải buộc cá nhân vi phạm tháo dỡ công trình, trả lại mặt bằng. Tuy nhiên, với mức độ vi phạm hiện nay, việc khôi phục nguyên trạng đối với thắng cảnh này sẽ hết sức khó khăn”.

Cũng ở huyện Bình Sơn, thắng cảnh Gành Yến không thuộc diện di tích bảo vệ, nhưng đây là nơi có cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp, là vốn quý của địa phương. Tuy nhiên, trong thời gian qua, để chiêm ngưỡng những rạn san hô đẹp như hàng ngàn bông hoa đua nhau khoe sắc ở khu vực này, nhiều du khách đã dẫm đạp, bẻ gãy san hô, khiến nhiều rạn san hô bị tàn phá.

Quảng Ngãi hiện có 1 di tích quốc gia đặc biệt, 31 di tích cấp quốc gia và 108 di tích cấp tỉnh được công nhận. 120 di tích đã có quyết định bảo vệ. Tuy nhiên, hiện nhiều di tích bị xâm phạm nghiêm trọng, xuống cấp, không còn khả năng phục hồi.

Chú trọng tôn tạo, bảo vệ

Không chỉ câu chuyện xâm phạm thắng cảnh Ba Làng An, mà những năm gần đây, không ít di tích cấp Quốc gia, cấp tỉnh cũng bị xâm hại, lấn chiếm như di tích chùa Ông (Tư Nghĩa), di tích Thành cổ Châu Sa (TP.Quảng Ngãi), di tích Trường Lũy (đoạn qua các huyện Đức Phổ, Nghĩa Hành), chùa Diệu Giác (Bình Sơn), chùa Đục (Lý Sơn), thắng cảnh Cổ Lũy cô thôn...

Liên tiếp nhiều vụ việc xâm hại di tích, cảnh quan diễn ra thời gian qua đã và đang đặt dấu hỏi lớn về trách nhiệm quản lý di tích lịch sử, văn hóa, danh lam, thắng cảnh của chính quyền địa phương và ngành chức năng. Đã có nhiều nguyên nhân được chỉ ra như buông lỏng quản lý, nhận thức hạn chế, trục lợi... Việc xử lý cũng được thực thi, nhưng chưa đủ sức răn đe.

Theo ông Phan Đình Độ, để tránh mất đi nhiều di tích, cảnh quan có giá trị to lớn về văn hóa và tinh thần thì chính quyền địa phương cần nâng cao tinh thần, trách nhiệm quản lý. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cộng đồng để cùng tham gia bảo vệ di tích; tăng cường kêu gọi xã hội hóa nhằm phát huy sức mạnh cộng đồng chung tay tôn tạo, giữ gìn các di tích, thắng cảnh. Ngành văn hóa sẽ phối hợp với các địa phương đánh giá lại hiện trạng, kiểm tra, xử lý kịp thời các tổ chức, cá nhân xâm phạm di tích, nhằm nâng cao chất lượng quản lý, phát huy giá trị các di tích, danh lam, thắng cảnh gắn với phát triển du lịch.

Bài, ảnh: TRÍ PHONG

Nguồn Quảng Ngãi: http://baoquangngai.vn/channel/2024/202007/quan-ly-bao-ton-di-tich-canh-quan-thien-nhien-con-nhieu-bat-cap-3013931/