Quản lý an toàn thực phẩm trong tình hình mới: Xây dựng phương án phù hợp

Với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước điều tiết về nguồn cung hàng hóa, trong đó có thực phẩm, tại thời điểm cả nước chống dịch Covid - 19, Bộ Công Thương đã nhanh chóng vào cuộc bằng việc đưa ra các giải pháp kịp thời.

Bên cạnh việc xây dựng các phương án, kế hoạch; chỉ đạo các sở Công Thương địa phương tăng cường phối hợp đảm bảo hàng hóa, Bộ đã họp bàn với doanh nghiệp sản xuất, phân phối, bán lẻ chuẩn bị mọi nguồn lực với mức tăng gấp 2 - 3 lần hàng hóa, nhất là 13 loại hàng hóa thiết yếu phục vụ người dân. Kết quả, không ở đâu bị thiếu nguồn cung thực phẩm, kể cả những khu vực cách ly. Đặc biệt, trong thời gian giãn cách xã hội không xảy ra tình trạng ngộ độc thực phẩm.

Chủ động phối hợp kiểm tra hoạt động của các cơ sở sản xuất, kinh doanh

Chủ động phối hợp kiểm tra hoạt động của các cơ sở sản xuất, kinh doanh

Việt Nam trở lại cuộc sống bình thường, nhu cầu về thực phẩm tiếp tục tăng cao. Ngoài nguồn cung trong nước, Chính phủ cũng cho phép nhập khẩu một số loại thực phẩm đông lạnh và tươi sống. Bên cạnh đó, nhiều gian thương cũng lợi dụng cơ hội để sản xuất, buôn bán, vận chuyển, nhập lậu thực phẩm bẩn. Điều này làm tăng nguy cơ mất an toàn thực phẩm (ATTP).

Nhận biết trước nguy cơ, các bộ, ngành, trong đó có Bộ Công Thương đã tham mưu, đề xuất Chính phủ ban hành Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 13 tháng 4 năm 2020 về việc tiếp tục tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về ATTP trong tình hình mới.

Đối với Bộ Công Thương, Thủ tướng yêu cầu Bộ chỉ đạo phát triển hệ thống phân phối thực phẩm an toàn; quản lý chợ ATTP; tăng cường công tác quản lý thị trường, phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, kinh doanh thực phẩm không rõ nguồn gốc; quản lý chặt chẽ hoạt động kinh doanh đa cấp, thương mại điện tử đối với thực phẩm, chú trọng nhóm thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm bổ sung, thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng.

Thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng, các đơn vị thuộc Bộ Công Thương đã chủ động, tích cực vào cuộc. Cụ thể, Vụ Khoa học - Công nghệ (Bộ Công Thương) đã tham gia đoàn kiểm tra công tác bảo đảm ATTP của Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương về ATTP, với vai trò là trưởng đoàn trong đợt ra quân thực hiện chủ đề năm 2020 “Nghiêm chỉnh chấp hành chính sách pháp luật trong sản xuất, kinh doanh và quảng cáo thực phẩm”. Đoàn công tác đã kểm tra tại tỉnh Hòa Bình và Sơn La.

Vụ Thị trường trong nước tích cực hỗ trợ các địa phương phát triển hệ thống phân phối thực phẩm an toàn; tổ chức các đoàn kiểm tra ATTP tại các siêu thị, chợ đầu mối. Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) tăng cường công tác quản lý thị trường, phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, kinh doanh thực phẩm không rõ nguồn gốc; phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số tăng cường kiểm tra việc buôn bán thực phẩm trên môi trường điện tử.Ký kết quy chế phối hợp với Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, trong đó có mặt hàng thực phẩm.

Trên thực tế, trong “Tháng hành động vì ATTP” năm 2020, nhiều đơn vị thuộc Tổng cục QLTT đã tổ chức hoặc phối hợp tổ chức nhiều đợt kiểm tra đột xuất các cơ sở, cá nhân tham gia hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm, xử phạt hàng trăm cơ sở với số tiền phạt lên tới hàng tỷ đồng. Đơn cử như: Cục QLTT Sơn La kiểm tra xử lý 35 cơ sở vi phạm, xử phạt hành chính 79,3 triệu đồng. Tại Long An, kiểm tra 59 cơ sở, xử lý 18 cơ sở vi phạm…

Bộ Công Thương sẽ tiếp tục chỉ đạo các đơn vị chức năng tăng cường phối hợp đẩy mạnh hơn nữa công tác đấu tranh, phòng ngừa, xử lý vi phạm về ATTP, vừa nhằm bảo vệ sức khỏe vừa trực tiếp thúc đẩy hoạt động thương mại, xuất nhập khẩu hàng hóa trong tình hình mới.

Đình Dũng

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/quan-ly-an-toan-thuc-pham-trong-tinh-hinh-moi-xay-dung-phuong-an-phu-hop-140461.html