Quản lý an ninh nguồn nước còn nhiều... 'lỗ hổng'!

Đến thời điểm hiện tại, sự cố do việc cấp nước từ Nhà máy nước sạch Sông Đà đối với người dân Hà Nội cơ bản được khắc phục nhưng cũng cho thấy còn nhiều 'lỗ hổng' trong việc quản lý an ninh nguồn nước. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, phóng viên Báo Quân đội nhân dân có cuộc phỏng vấn ông Phạm Văn Sơn, Giám đốc Trung tâm Ứng phó sự cố môi trường Việt Nam thuộc Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam.

 Ông Phạm Văn Sơn.

Ông Phạm Văn Sơn.

Phóng viên (PV):Là đơn vị trực tiếp xử lý sự cố sự cố tràn dầu nguồn nước mặt Sông Đà vừa qua, trung tâm đã thực hiện phương án nào để khắc phục sự cố đó, thưa ông?

Ông Phạm Văn Sơn: Theo đề nghị của Công ty Cổ phần đầu tư nước sạch Sông Đà về việc phối hợp khắc phục sự cố tại Nhà máy nước sạch Sông Đà, cán bộ của trung tâm đã khẩn trương đến hiện trường khảo sát và nhận thấy sự cố này phức tạp hơn so với các sự cố tràn dầu trên sông, trên biển mà trước đó chúng tôi đã xử lí vì dầu đã khuyếch tán trong nước, ngấm xuống đất, sườn đồi, bám dính vào cỏ, cây hai bên bờ. Vì vậy, chúng tôi phải xử lý tất cả những nơi bị dầu ngấm để cô lập ô nhiễm từ nguồn. Chúng tôi đã bóc lớp đất thấm dầu, thu gom, phun vi sinh xử lý dầu thấm. Việc tách dầu lẫn trong nước, chúng tôi lắp đặt hơn 20 phao chuyên dụng ngăn dầu, hút dầu tại suối Bằng và kênh dẫn nước vào công trình thu, trạm bơm cấp I của Nhà máy nước sạch sông Đà. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng tổ chức nạo vét toàn bộ đất, bùn nhiễm dầu thải tại khu vực mà các đối tượng đã đổ vào dòng chảy tại suối Bằng. Chỉ trong hai ngày chúng tôi cơ bản khắc phục xong sự cố.

PV: Từ sự cố trên, ông đánh giá thế nào về vấn đề quản lý an ninh nguồn nước hiện nay ở Việt Nam?

Ông Phạm Văn Sơn: Qua những lần khắc phục sự cố, có thể nhận thấy, trong vấn đề quản lý an ninh nguồn nước còn nhiều lỗ hổng, từ cấp quản lý cho đến doanh nghiệp thiếu kiến thức xử lý tình huống, vận hành nhà máy và cả ý thức của người dân còn hạn chế. Sự cố vừa qua mới chỉ là dầu thải, là chất có thể nhận biết được bằng mắt thường. Đối với trường hợp chất thải không nhận biết được bằng mắt thường thì chúng ta sẽ gặp khó khăn hơn rất nhiều. Thực tế nguy cơ nguồn ô nhiễm, nguồn thải độc xâm nhập vào nguồn nước là không hề nhỏ. Ví như với các phương tiện thủy nội địa có tổng công suất động cơ diesel nhỏ hơn 220KW, Bộ Giao thông vận tải quy định phải có can, két, thùng chứa nước nhiễm dầu, phải đưa nước nhiễm dầu lên bờ để xử lý tập trung. Tuy nhiên, tình trạng tàu, thuyền xả thải trực tiếp ra sông vẫn tái diễn. Ngoài ra, nguồn ô nhiễm còn đến từ các cơ sở sản xuất, hộ gia đình ở hai bên bờ sông. Thậm chí, không thể không lường trước trường hợp các tàu vận chuyển phân lân, thuốc bảo vệ thực vật, hay hóa chất, chất độc hại... sau va đâm bị chìm thì nguồn nước sẽ bị ô nhiễm rất nặng nề. Vấn đề này không phải là mới mà đã được nhiều chuyên gia đề cập tại các hội thảo nhiều năm nay, tuy nhiên vẫn chưa có biện pháp xử lý triệt để.

Trung tâm Ứng phó sự cố môi trường Việt Nam triển khai các biện pháp xử lý sự cố tràn dầu nguồn nước mặt sông Đà. Ảnh: NGUYỄN DƯƠNG

PV: Theo ông, để bảo vệ an ninh nguồn nước thì các nhà máy nước cần phải làm gì?

Ông Phạm Văn Sơn: Các nhà máy nước cần phải tiến hành kiểm tra tất cả các máy móc tại nhà máy. Máy móc nào đã lỗi thời, không còn đủ tiêu chuẩn thì cần phải thay thế ngay bằng công nghệ mới có khả năng kiểm tra liên tục hàm lượng một số loại hóa chất độc trong nước trước khi đưa vào nhà máy và tự chuyển sang chế độ báo động khi phát hiện có hóa chất độc hại vượt ngưỡng quy định. Ngoài ra, các phòng xét nghiệm tại nhà máy phải tiến hành xét nghiệm mẫu nước thường xuyên, đồng thời phải thuê đơn vị phân tích độc lập xét nghiệm đối chứng. Thậm chí, cơ quan quản lý nhà nước phải mã hóa các mẫu nước để bảo đảm việc phân tích có kết quả chính xác nhất, khách quan nhất. Mặt khác, cần phải đặt sẵn các màng lọc đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật ở tất cả các cửa thải của các nhà máy nước, các khu công nghiệp, xưởng sữa chữa cơ khí, các tàu, thuyền.

PV: Về phía cơ quan quản lý và người dân có trách nhiệm như thế nào trong bảo vệ an ninh nguồn nước, thưa ông?

Ông Phạm Văn Sơn: Bảo vệ an ninh nguồn nước không chỉ là trách nhiệm của doanh nghiệp mà cần cả sự chung tay của chính quyền và người dân. Bộ và các cơ quan ngang bộ, UBND tỉnh cần phải xây dựng kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường hằng năm. Kế hoạch này phải nhận diện đầy đủ các nguy cơ, rủi ro về nguồn nước. Ví như sông Đà, phải thiết lập một vùng bảo vệ, cấm tất cả các hoạt động sản xuất, kinh doanh gây ô nhiễm cho nguồn nước này. Đối với người dân phải có ý thức bảo vệ môi trường, trong đó có bảo vệ nguồn nước, khi phát hiện cá nhân hay tổ chức nào có hành vi gây ô nhiễm môi trường lập tức báo với cơ quan chức năng địa phương để ngăn chặn, xử lý. Đặc biệt, cần phải có chế tài xử phạt đủ sức răn đe đối với những cá nhân, tổ chức gây ô nhiễm môi trường.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

LA DUY (thực hiện)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/quan-ly-an-ninh-nguon-nuoc-con-nhieu-lo-hong-598900