Quân lực Trung, Nhật ở Thái Bình Dương

Thành công về mặt quân sự ở Thái Bình Dương luôn dựa vào 2 yếu tố, sức mạnh hải quân và khả năng đổ bộ. Trong đó, sự gia tăng nhanh chóng về sức mạnh quân sự của Trung Quốc đang làm thay đổi cán cân quyền lực tại Thái Bình Dương, khiến nhiều nước láng giềng lo ngại, bao gồm Nhật Bản.

Binh sĩ PLANMC trong một cuộc tập trận. Ảnh: Reuters

Binh sĩ PLANMC trong một cuộc tập trận. Ảnh: Reuters

Trung Quốc không ngừng mở rộng lực lượng Hải quân (PLAN) và Thủy quân lục chiến (PLANMC). Trong vòng 3 năm qua, PLANMC từ một đơn vị với chỉ 10.000 binh sĩ, trở thành lực lượng hùng mạnh có quy mô từ 28.000-35.000 quân và có kế hoạch nâng cấp lên 100.000 người.

Sau thời gian ngắn hình thành và tan rã vào những năm 1950, PLANMC được tái lập vào năm 1979. Giống như PLAN, PLANMC nhanh chóng nhận sự đầu tư đáng kể. PLANMC có 7 lữ đoàn và hiện diện ở bất cứ nơi nào mà PLAN hoạt động. Mỗi lữ đoàn đều được trang bị hạng nặng, như tối thiểu phải có 2 tiểu đoàn bộ binh, một trung toàn thiết giáp, một tiểu đoàn pháo, một tiểu đoàn tên lửa và một tiểu đoàn trinh sát đổ bộ đặc nhiệm.

Cơ quan Tình báo Quốc phòng Mỹ năm 2019 xem PLANMC là “lực lượng đổ bộ hoàn toàn có khả năng triển khai các hoạt động tấn công đổ bộ sử dụng chiến thuật vũ khí kết hợp và đa tiếp cận”, và “có năng lực nhất so với bất kỳ lực lượng nào khác ở Biển Ðông”, phần lớn nhờ vào sức mạnh của PLAN, lực lượng hải quân lớn nhất thế giới với hơn 300 tàu.

Từ lâu, PLAN duy trì một hạm đội tàu đổ bộ để chở xe tăng, binh sĩ và thiết bị quân sự. Ngày nay, hạm đội này được bổ sung nhiều tàu đổ bộ mới, hiện đại tương tự như các tàu được hải quân Anh, Pháp và Mỹ sử dụng. Kể từ năm 2006, PLAN mua 6 tàu vận tải đổ bộ Type-071 và đang đặt mua ít nhất một chiếc nữa. Type-071 có thể chở hàng trăm binh sĩ, nhiều phương tiện đổ bộ bọc thép, tối đa 4 tàu đổ bộ đệm khí (LCAC) cũng như nhiều trực thăng vận tải như Z-18. Chỉ trong hơn một năm, Trung Quốc đã đóng 2 tàu đổ bộ tấn công Type-075, có thể chở 900 binh sĩ, nhiều LCAC, xe bọc thép cùng với 30 trực thăng. Hiện Bắc Kinh đang đóng tàu Type-075 thứ ba và thiết kế một tàu có thể chở máy bay không người lái cũng như máy bay phản lực.

Ngoài mục tiêu chính là Ðài Loan, Biển Ðông và biển Hoa Ðông, PLAN và PLANMC đang bắt đầu lấn sang các khu vực quan trọng đối với lợi ích kinh tế của Trung Quốc, cụ thể là Ấn Ðộ Dương và Trung Ðông, gồm Djibouti, nơi duy nhất Trung Quốc đặt căn cứ quân sự ở nước ngoài.

Trước mối đe dọa ngày càng tăng từ Trung Quốc đối với quần đảo tranh chấp Senkaku/Ðiếu Ngư trên biển Hoa Ðông, Nhật Bản hồi năm 2018 đã chính thức thành lập Lữ đoàn đổ bộ triển khai nhanh (ARDB) - đơn vị thủy quân lục chiến đầu tiên của xứ hoa anh đào kể từ Thế chiến thứ hai và hiện có khoảng 3.000 quân. ARDB được trang bị xe thiết giáp đổ bộ tấn công AAV-7 do Mỹ sản xuất cũng như xe bọc thép hạng nhẹ Komatsu. Tokyo cũng có kế hoạch mua 17 chiếc trực thăng vận tải dòng MV-22 Osprey và một số LCAC. ARDB thường xuyên được huấn luyện với lực lượng Thủy quân lục chiến Mỹ, giúp họ tiếp cận các học thuyết và phương pháp huấn luyện tiên tiến nhất. Ngoài ra, ARDB nhận được nhiều sự hỗ trợ từ các tàu của Lực lượng phòng vệ biển Nhật Bản, đặc biệt là từ 2 khu trục hạm chở trực thăng vốn sớm có thể chở cả chiến đấu cơ F-35B mua từ Mỹ.

TRÍ VĂN (Theo Business Insider)

Nguồn Cần Thơ: https://baocantho.com.vn/quan-luc-trung-nhat-o-thai-binh-duong-a124303.html