Quan Lạn, Minh Châu thiếu nước sạch

Dù đã hoàn thành hồ chứa nước Lòng Dinh (xã Quan Lạn, huyện Vân Đồn) cùng một phần hệ thống đường ống dẫn nước từ năm 2017, nhưng do nhà đầu tư chưa hoàn thành hệ thống xử lý nước, nên đến nay người dân các xã đảo Quan Lạn, Minh Châu (huyện Vân Đồn) vẫn chưa có nước sạch để sử dụng. Không chỉ phải mua nước sạch giá cao, người dân ở đây còn có nguy cơ mắc bệnh từ nguồn nước không đảm bảo vệ sinh.

Bỏ ra gần 40 triệu đồng để khoan giếng nước, nhưng hộ ông Hứa Văn Bình (thôn Sơn Hào, xã Quan Lạn) vẫn chưa có nước sạch để sử dụng.

Bỏ ra gần 40 triệu đồng để khoan giếng nước, nhưng hộ ông Hứa Văn Bình (thôn Sơn Hào, xã Quan Lạn) vẫn chưa có nước sạch để sử dụng.

Hộ ông Hứa Văn Bình (thôn Sơn Hào, xã Quan Lạn) là một trong những hộ dân không có nguồn nước sạch để sử dụng. Ông Bình cho biết: Vài năm trở lại đây, giếng nước của gia đình ông đã cạn đến đáy, không thể sử dụng được. Gia đình ông đã 2 lần khoan giếng với số tiền gần 40 triệu đồng, song dù đã khoan sâu đến gần 40m nhưng chỉ có lượng nước rất ít, mỗi lẫn bơm lên chỉ được hai thùng, nước màu vàng, chỉ dùng cho giặt giũ. Cuộc sống gia đình ông đang rất khó khăn vì thiếu nước. Toàn bộ nước ăn, uống, gia đình phải mua nước bình, giá thành không hề thấp”.

Hiện hầu hết các giếng nước trên đảo Quan Lạn đã bị cạn khô hoặc ở trong tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng. Nhiều giếng nước tại các thôn vùng trũng, thấp không sử dụng được. Nước bị nhiễm chua, mặn, có màu vàng, mùi tanh.

Người dân thôn Đông Nam (xã Quan Lạn) phải mua nước sinh hoạt với giá từ 70.000-100.000 đồng/khối.

Để tiết kiệm nước và dự trữ được nguồn nước sinh hoạt, nhiều hộ dân phải xây bể để dự trữ nước mưa. Thế nhưng, vào những tháng mùa khô, trời ít mưa, nguồn nước thiếu trầm trọng, người dân buộc phải mua nước của những hộ có giếng khoan với giá khá cao. Bà Nguyễn Thị Đảm (thôn Đông Nam, xã Quan Lạn) cho biết: "Chúng tôi phải mua nước với giá từ 70.000-100.000 đồng/khối. Tuy nhiên, lượng nước nhận thường chỉ được 4/5 khối. Biết thế mà vẫn phải chấp nhận".

Chi phí mua nước quá cao khiến nhiều hộ dân buộc phải sử dụng nguồn nước ngầm dù biết chất lượng nước không hề đảm bảo, luôn tiềm ẩn nguy cơ lây bệnh. Ông Vũ Tiến Đế (thôn Tân Phong, xã Quan Lạn) cho biết: "Nguồn nước không đảm bảo, người dân chúng tôi nhiều khi phải “liều” dùng nguồn nước ngầm tại chỗ, mặc dù biết ảnh hưởng tới sức khỏe. Nhất là đối với trẻ nhỏ, nguồn nước không đảm bảo khiến trẻ hay bị ghẻ, ngứa".

Để giải quyết bài toán thiếu nước sinh hoạt, từ năm 2014 huyện Vân Đồn đã xây dựng hồ chứa nước Lòng Dinh, tổng mức đầu tư 109 tỷ đồng, dung tích thiết kế khoảng 1 triệu m3. Hồ đã hoàn thành năm 2017, hệ thống đường ống chính qua biển và tuyến ống phân phối cũng đã thi công xong, nhưng do chủ đầu tư là Công ty CP Đầu tư xây dựng du lịch và Thương mại Thẩm Gia vẫn chưa hoàn thành nhà máy xử lý nước, nên đến nay chưa cấp nước được cho người dân.

Nguồn nước giếng của gia đình ông Vũ Tiến Đế (thôn Tân Phong, Xã Quan Lạn) bị đục, vị chua, mùi tanh, không sử dụng được.

Ông Đỗ Minh Hoàn, Phó Chủ tịch UBND xã Quan Lạn, cho biết: Dự án cấp nước triển khai chậm do vướng mắc về mặt bằng, nên việc cấp nước cho người dân còn nhiều vướng mắc. Người dân xã đảo Quan Lạn rất mong sớm có nguồn nước sạch để sử dụng; mong muốn các cấp, các ngành chức năng của tỉnh, huyện sớm có biện pháp giải quyết vướng mắc, giúp nhà đầu tư hoàn thiện dự án, phục vụ nhu cầu nước sạch cho nhân dân.

Với đặc thù xã đảo, nguồn sinh thủy hạn chế nên những năm qua, sinh hoạt của người dân 2 xã Minh Châu và Quan Lạn gặp rất nhiều khó khăn do thiếu nước. Vì vậy, việc sớm đầu tư, hoàn thành dự án cấp nước cho xã đảo không chỉ đáp ứng nhu cầu dân sinh, phục vụ hoạt động du lịch, góp phần phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn, mà còn tránh lãng phí nguồn lực đầu tư.

Minh Đức

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/xa-hoi/202005/quan-lan-minh-chau-thieu-nuoc-sach-2484486/