Quân khu 9: Đẩy mạnh phong trào 'nuôi quân giỏi, quản lý quân nhu tốt'

Công tác tăng gia sản xuất (TGSX) được xem là thế mạnh của các đơn vị ở Quân khu 9. Cùng với chủ động làm tốt công tác chuẩn bị về mọi mặt, những ngày này, các đơn vị ở Quân khu 9 tập trung lãnh đạo, chỉ đạo làm tốt bảo đảm hậu cần, nhất là cho nhiệm vụ đón nhận chiến sĩ mới (CSM).

Đẩy mạnh tăng gia sản xuất

Trung đoàn 9, Sư đoàn 8 là đơn vị luôn dẫn đầu về công tác TGSX của Quân khu 9. Theo Đại úy Phạm Thành Luận, Chủ nhiệm Hậu cần Trung đoàn 9: Để chuẩn bị đón nhận CSM về đơn vị, từ cuối năm 2019, trung đoàn đã xây dựng kế hoạch, duy trì, phát triển TGSX bảo đảm nguồn lương thực, thực phẩm. Trung đoàn đã quy hoạch khu TGSX tập trung vườn, ao, chuồng (VAC) rộng hơn 7.500m2 theo hướng đồng bộ, khép kín; ngoài ra còn khai thác những khu đất trống, ao hồ để canh tác, chăn nuôi. Nhờ đó, lúc nào đơn vị cũng có hơn 50 loại rau, củ, quả, bảo đảm cung cấp 100% cho các bếp ăn. Nhiều thời điểm Trung đoàn 9 còn ủng hộ rau cho tổ từ thiện tại các bệnh viện và nhân dân trên địa bàn đóng quân. Một thế mạnh khác của Trung đoàn 9 là nuôi cá nước ngọt, trung bình mỗi năm thu hoạch khoảng 120 tấn cá thương phẩm. Ngoài nuôi cá, đơn vị còn thường xuyên duy trì đàn heo thịt 300-500 con; 100-150 con heo mọi; đàn vịt từ 500 đến 700 con; gà 500-1.000 con; bò 50-70 con. Các sản phẩm tăng gia luôn thấp hơn giá thị trường từ 10% đến 15%, nhờ đó đưa thêm vào bữa ăn của bộ đội 2.000-3.000 đồng/người/ngày.

Trước yêu cầu nhiệm vụ ngày càng cao, Sư đoàn 330 (Quân khu 9) đã đổi mới công tác TGSX đồng bộ ở 3 cấp theo hướng bền vững, hiệu quả; tích cực đầu tư, ứng dụng khoa học, công nghệ, kỹ thuật cao vào chăn nuôi, trồng trọt. Thiếu tá Lê Thành Quang, Chủ nhiệm Hậu cần Sư đoàn 330 cho biết: "Sư đoàn đã phối hợp với các trung tâm khuyến nông, khuyến ngư để trao đổi kinh nghiệm; nắm chắc tình hình biến động giá lương thực, thực phẩm trên thị trường, tạo nguồn bảo đảm đủ gối đầu cho giai đoạn giáp vụ, tiếp nhận CSM hay các ngày lễ, tết. Sư đoàn 330 còn thực hiện nghiêm túc chế độ công khai tài chính, lương thực hằng ngày, hằng tháng; phát huy tốt vai trò của hội đồng giá và sự giám sát chặt chẽ của tổ kinh tế, hội đồng quân nhân. Giai đoạn 2015-2020, Sư đoàn 330 đạt 4.779 tấn rau xanh, 1.556 tấn cá, 1.246 tấn thịt, vượt chỉ tiêu đề ra. Định lượng bữa ăn của bộ đội vượt chỉ tiêu quy định của Bộ Quốc phòng, đạt 3.356 Kcalo/người/ngày”.

Với Bộ CHQS tỉnh Cà Mau, để thích ứng và hạn chế những tác động do biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh, ô nhiễm môi trường, đơn vị đã nghiên cứu, học tập các mô hình sản xuất tiêu biểu và triển khai nhân rộng. Trong đó, mô hình “lúa-cá” tại khu căn cứ hậu cần Khánh Hà và mô hình VAC ở Trung đoàn 896 khá hiệu quả. Chỉ tính riêng năm 2019, tổng thu từ TGSX của Bộ CHQS tỉnh Cà Mau đạt hơn 10 tỷ đồng, trừ chi phí lãi gần 3 tỷ đồng. Số tiền này giúp đơn vị có thêm quỹ vốn chi cho bộ đội ăn thêm dịp lễ, tết, thực hiện chính sách hậu phương quân đội…

Hiện nay, nhiều đơn vị ở Quân khu 9 còn tự làm ra một khối lượng sản phẩm, khẳng định tính hiệu quả trong TGSX, như: Mô hình trồng nấm bào ngư và chăn nuôi (Trung đoàn 3, Sư đoàn 330); ươm cá giống (Trung đoàn 9, Sư đoàn 8); trồng rau sạch trong nhà lưới (Bộ CHQS tỉnh Sóc Trăng); nhà trồng nấm rơm (Trung đoàn 932, Bộ CHQS TP Cần Thơ). Nhiều đơn vị tự túc từ 90% đến 100% nhu cầu rau, củ, quả, định lượng cá, thịt. Từ những nguồn thu đã đưa vào ăn thêm cho bộ đội các ngày lễ, tết từ 40.000 đến 50.000 đồng/người/ngày.

 Chiến sĩ Trung đoàn 9 (Sư đoàn 8, Quân khu 9) chăm sóc rau tại khu tăng gia sản xuất tập trung.

Chiến sĩ Trung đoàn 9 (Sư đoàn 8, Quân khu 9) chăm sóc rau tại khu tăng gia sản xuất tập trung.

Lan tỏa phong trào

Theo Đại tá Nguyễn Văn Phước, Phó chủ nhiệm Hậu cần Quân khu 9, để thực hiện hiệu quả các chỉ tiêu Phong trào Thi đua “Xây dựng đơn vị nuôi quân giỏi, quản lý quân nhu tốt”, các cơ quan, đơn vị đã làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, nhất là công tác quản lý, đẩy mạnh huấn luyện, xây dựng ngành quân nhu vững mạnh toàn diện. Các đơn vị chủ động nghiên cứu nhiều sáng kiến, cải tiến mô hình, học cụ, phần mềm ứng dụng phục vụ tốt công tác bảo đảm quân nhu. Tiêu biểu là năm 2015 đã sản xuất thành công 146 hệ thống xử lý bụi tro trấu dùng cho hệ thống bếp lò hơi cơ khí; năm 2017 nghiên cứu xây dựng phần mềm ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý bếp ăn, được Hội đồng khoa học Tổng cục Hậu cần thẩm định, nghiệm thu, đưa vào áp dụng và được sử dụng cho các bếp ăn trong toàn quân khu.

Cùng với việc nâng cao chất lượng bữa ăn, trang thiết bị nhà ăn, nhà bếp, bàn ghế, dụng cụ nấu, dụng cụ chia ăn cũng không ngừng được củng cố. Toàn Quân khu 9 hiện có 424 bếp ăn được trang bị đồng bộ dụng cụ cấp dưỡng mới, bảo đảm thống nhất, bền đẹp; hệ thống bếp lò hơi cơ khí từng bước được thay thế, sửa chữa phục vụ tốt công tác nấu ăn, nuôi dưỡng bộ đội. Một số đơn vị lắp đặt máy nước nóng năng lượng mặt trời sử dụng cho bếp ăn, tiết kiệm 20% tiền chất đốt. Công tác bảo đảm và quản lý quân trang có bước tiến vững chắc, chất lượng quân trang ngày càng được nâng lên, thuận tiện trong sử dụng, đáp ứng yêu cầu mang mặc thống nhất, chính quy; tổ chức khai thác, tiếp nhận cấp phát đầy đủ, kịp thời, tiêu chuẩn quân trang cho các đối tượng.

Trung tá Trịnh Công Tắc, Chủ nhiệm Phòng Hậu cần, Bộ CHQS tỉnh An Giang, cho biết: “Công tác quản lý và sử dụng quân trang luôn được chỉ huy từng cấp quan tâm, nhất là đơn vị có quân. Ngoài việc tổ chức kiểm nghiệm quân trang từng cấp, chúng tôi còn làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục cho bộ đội nâng cao ý thức giữ gìn, bảo quản, sử dụng đúng quy định. Trang phục cho lực lượng DQTV cũng được cấp đúng theo tiêu chuẩn, cỡ số. Bằng nguồn ngân sách địa phương, Bộ CHQS tỉnh đã bảo đảm 97.243 suất quân trang phục vụ cho lực lượng DQTV, số tiền 82,8 tỷ đồng”.

Đánh giá về Phong trào Thi đua “Xây dựng đơn vị nuôi quân giỏi, quản lý quân nhu tốt”, giai đoạn 2015-2020 của Quân khu 9, Thiếu tướng Lê Hồng Dũng, Phó chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần ghi nhận kết quả đạt được trong thực hiện phong trào. Trước diễn biến khó lường của thời tiết, thiên tai, dịch bệnh, đồng chí Phó chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần yêu cầu các cơ quan, đơn vị tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết 623 của Quân ủy Trung ương về công tác hậu cần đến năm 2020 và những năm tiếp theo; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng chính quy trong công tác quân nhu; nâng cao chất lượng đời sống bộ đội; bảo đảm tốt nhất cho nhiệm vụ SSCĐ và các nhiệm vụ trong tình hình mới.

Bài và ảnh: LƯU QUANG ĐỨC

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/quan-khu-9-day-manh-phong-trao-nuoi-quan-gioi-quan-ly-quan-nhu-tot-609787