Quân khu 7 và trường HUFLIT: Thông tin trên mạng về nữ sinh viên là sai sự thật

Trường ĐH Ngoại ngữ - Tin học TP.HCM (HUFLIT) và Cục chính trị -Quân khu 7 khẳng định thông tin lan truyền trên mạng là sai sự thật, xuyên tạc với dụng ý xấu.

Chiều 12-1, Trường ĐH Ngoại ngữ - Tin học TP.HCM (HUFLIT) phối hợp cùng Trường Quân sự Quân khu 7 tổ chức họp báo trao đổi thông tin liên quan đến sự việc gây xôn xao dư luận hai ngày qua xảy ra tại Trung tâm Giáo dục quốc phòng và an ninh.

Cụ thể, trên mạng xã hội lan truyền thông tin một nữ sinh viên Trường ĐH HUFLIT khi đi học quân sự đã bị hiếp dâm, sau đó nhảy lầu tự tử.

TS Nguyễn Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại ngữ - Tin học TP.HCM. Ảnh: N.YÊN

TS Nguyễn Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại ngữ - Tin học TP.HCM. Ảnh: N.YÊN

Để dẫn chứng, các tài khoản này còn đăng kèm cả video có tiếng nữ sinh viên gào thét, u uất. Ngay khi được đăng tải, bài viết đã được chia sẻ với tốc độ chóng mặt trên mạng xã hội. Dù sau đó (ngày 11-1), Trung tâm Giáo dục quốc phòng và an ninh Trường Quân sự Quân khu 7 đã có văn bản khẳng định thông tin lan truyền là không đúng sự thật, xuyên tạc với dụng ý xấu nhưng việc chia sẻ không có dấu hiệu dừng lại.

Nữ sinh viên la hét vì bị nghi lấy trộm tiền

Tại cuộc họp báo, TS Nguyễn Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường ĐH HUFLIT, cho biết sau khi nắm thông tin, trường đã trao đổi, làm việc với trung tâm, cũng như báo Công an TP.HCM để phối hợp giải quyết. Ban đầu sự việc đã ổn thỏa nhưng sau đó thông tin trên mạng lan truyền và xuyên tạc rất mạnh, phức tạp khiến nhà trường rất mệt mỏi.

“Thậm chí tôi bị nhắn tin, gọi điện thoại khủng bố liên tục” - ông Tuấn nói.

Đại tá Nguyễn Tiến Sơn, Chủ nhiệm chính trị Trường Quân sự Quân khu 7, cho biết cách đây hai ngày, tại một phòng học với 18-20 bạn nữ có xảy ra việc mất trộm tiền. Các bạn liền quy cho một nữ sinh viên tên H lấy tiền.

Việc này khiến bạn H bị kích động, la hét dữ dội. Khi đó có một sinh viên thấy vậy liền quay clip lại và chia sẻ ra ngoài. Tuy nhiên, ngay lập tức clip được chia sẻ trên mạng rất mạnh và xuyên tạc vụ việc. Em sinh viên tên H ngay khi có biểu hiện kích động đã được hai cán bộ của trung tâm tiếp cận để động viên, hỗ trợ tâm lý. Trường cũng đã ngay lập tức liên hệ với gia đình và cha mẹ em đã lên đón em về.

Trường cũng đã liên hệ với gia đình để hỏi thăm nhưng gia đình cho biết em H đang bị kích động, lo buồn nên chưa thể tiếp xúc với ai và cũng chưa tiện tiếp nhà trường đến thăm.

Về sinh viên quay clip, em này đã nhận ra sai trái và tự viết đính chính, xin lỗi về việc chia sẻ thông tin này.

Nữ sinh viên quay clip kể lại sự việc. Ảnh: N.YÊN

Thông tin thêm, TS Nguyễn Anh Tuấn cho biết em H là người trong cuộc, bị tác động nặng nề bởi những clip đó nên đang rất khó khăn. Mẹ H cho biết H đang gặp bất ổn tâm lý nên không cho H đụng vào điện thoại.

“Tất cả chỉ đến mức em đó la hét, sau đó đưa về phòng y tế tìm hiểu thì xác định em có dấu hiệu trầm cảm. Các thông tin như hiếp dâm, nhảy lầu là không chính xác, là tin xấu của bọn phản động” - ông Tuấn khẳng định.

"Clip bị lực lượng phản động lợi dụng"

PV báo Thanh Niên đặt câu hỏi về nguồn gốc phát tán thông tin gây thất thiệt, Đại tá Nguyễn Tiến Sơn thông tin: Người quay clip sau đó gửi cho hai bạn của mình với tâm thế là chia sẻ clip đơn thuần chứ không phát tán.

Tuy nhiên, bằng cách nào đó clip này đã lọt vào Facebook của lực lượng phản động. “Chúng tôi đang truy tìm dấu vết của các tài khoản phản động để tìm được tài khoản đăng tải. Việc xác định thuộc về các cơ quan chuyên môn, chúng tôi chỉ cung cấp việc bạn này chia sẻ cho bạn bè với ý nghĩ đơn thuần nhưng ai là người đẩy lên mạng, thêu dệt thông tin là việc của cơ quan an ninh mạng” - Đại tá Sơn nói.

Về đoạn clip thứ hai được phát tán trên mạng có hình ảnh khiêng người đi ra và số tiền bị mất, trả lời PV báo Dân Trí, Đại tá Sơn khẳng định chỉ có duy nhất một clip, đoạn khiêng người là lấy ở chỗ khác chứ không phải ở nhà trường.

Còn số tiền bị mất, bạn sinh viên mất 1,4 triệu đồng do để trong ví nhưng không cất vào túi mà để ở đầu giường.

Trả lời PV tạp chí Tri Thức liên quan đến những giọng nói trong clip lan truyền trên mạng xã hội, đại diện Trường Quân sự Quân khu 7 khẳng định các clip có âm thanh tiếng nói tất cả đều là lồng ghép của lực lượng phản động.

Cùng ngày, Cục Chính trị - Quân khu 7 cũng đã ra văn bản khẳng định thông tin “nữ sinh Trường HUFLIT bị hiếp dâm” là hoàn toàn bịa đặt. Quân khu 7 đề nghị Cục Bảo vệ an ninh quân đội, Cục An ninh mạng và các cơ quan, đơn vị chức năng của Bộ Công an, Công an TP.HCM điều tra, xác minh, làm rõ các hành vi vi phạm để xử lý theo pháp luật.

Người phát tán clip có thể bị xử lý hình sự

Theo thông tin tại buổi họp báo, sự việc xuất phát từ việc một nữ sinh viên quay clip xong gửi cho bạn mình. Dù nữ sinh viên này cho rằng chỉ chia sẻ clip đơn thuần chứ không phát tán, tuy nhiên hành vi của nữ sinh viên cũng như những người phát tán và lan truyền clip có thể bị xử phạt hành chính theo Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 14/2022).

Cụ thể, phạt tiền 5-10 triệu đồng đối với cá nhân có hành vi lợi dụng mạng xã hội để thực hiện hành vi “cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân”.

Các cá nhân khác có mục đích cung cấp, chia sẻ thông tin bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân, kích động bạo lực, tội ác, tệ nạn xã hội cũng sẽ bị phạt cùng mức như trên.

Nếu tổ chức có cùng hành vi vi phạm thì mức phạt là 10-20 triệu đồng.

Ở mức độ nặng hơn, người nào có hành vi đưa lên mạng máy tính, mạng viễn thông những thông tin trái với quy định của pháp luật nhằm thu lợi bất chính từ 50 triệu đến dưới 200 triệu đồng hoặc gây thiệt hại từ 100 triệu đến dưới 500 triệu đồng hoặc gây dư luận xấu làm giảm uy tín của cơ quan, tổ chức, cá nhân thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 288 BLHS về tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông, mức phạt lên đến ba năm tù. Nếu phạm tội thuộc một trong các trường hợp như có tổ chức hoặc gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội hoặc quan hệ đối ngoại của Việt Nam... có thể bị phạt đến bảy năm tù.

Cạnh đó, nếu bịa đặt hoặc loan truyền những điều biết rõ là sai sự thật nhằm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vu khống theo Điều 156 BLHS.

Còn nếu tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm có nội dung bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân với mục đích nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam có thể bị xử lý về tội “làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” theo Điều 117 BLHS, mức phạt cao nhất lên đến 20 năm tù.

TS CAO VŨ MINH, Trường ĐH Kinh tế - Luật (ĐH Quốc gia TP.HCM)

N.YÊN - P.ANH

Nguồn PLO: https://plo.vn/quan-khu-7-va-truong-huflit-thong-tin-tren-mang-ve-nu-sinh-vien-la-sai-su-that-post716280.html