Quân khu 2 đinh ninh lời Bác dạy

Ngày 30-5, Đảng ủy, Bộ tư lệnh Quân khu 2 phối hợp với Báo Quân đội nhân dân (QĐND) tổ chức Tọa đàm với chủ đề 'Quân khu 2 đinh ninh lời Bác dạy'. Các đồng chí: Thiếu tướng Trịnh Văn Quyết, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Quân khu 2; Thiếu tướng Phùng Sĩ Tấn, Phó bí thư Đảng ủy, Tư lệnh Quân khu 2; Thiếu tướng Phạm Văn Huấn, Bí thư Đảng ủy, Tổng Biên tập Báo QĐND đồng chủ trì tọa đàm.

Dự tọa đàm có đồng chí: Nguyễn Hồng Vinh, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương, nguyên Tổng Biên tập Báo Nhân dân, nguyên Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, nguyên Chủ tịch Hội đồng lý luận phê bình Văn học Nghệ thuật Trung ương; các Anh hùng LLVT nhân dân: La Văn Cầu, Phùng Văn Khầu; lãnh đạo Viện Hồ Chí Minh và các Lãnh tụ của Đảng (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh); lãnh đạo Học viện Chính trị, Trường Sĩ quan Chính trị. Thượng tướng Phạm Thanh Ngân, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ nhiệm TCCT; đồng chí Hà Đăng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Trưởng ban Tư tưởng văn hóa Trung ương gửi tham luận đến tọa đàm.

Các đại biểu tham dự tọa đàm trao đổi ý kiến. Ảnh: Minh Trường

Dự tọa đàm còn có đại biểu đại diện: Ban Tuyên giáo Trung ương; lãnh đạo các tỉnh trên địa bàn Quân khu 2; cơ quan chức năng Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Tổng cục Chính trị (TCCT); các tướng lĩnh, nhà khoa học, nhà nghiên cứu trong và ngoài quân đội...

Lan tỏa mạnh mẽ tinh thần thi đua ái quốc

Trình bày báo cáo đề dẫn tọa đàm, Thiếu tướng Trịnh Văn Quyết nêu rõ: Cách đây 70 năm, nhằm cổ vũ và động viên phong trào cách mạng của toàn dân tộc, phục vụ nhiệm vụ kháng chiến kiến quốc, ngày 11-6-1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc. Đây là những tư tưởng, nội dung cơ bản xuyên suốt về thi đua yêu nước; là động lực khơi dậy và phát huy tinh thần yêu nước của mọi tầng lớp nhân dân; là lời hiệu triệu, lôi cuốn, động viên toàn Đảng, toàn dân và toàn quân phát huy truyền thống đoàn kết, ý chí tự lực, tự cường, vượt qua mọi hy sinh, gian khổ hoàn thành tốt nhiệm vụ trong từng giai đoạn cách mạng...

Là người phát biểu đầu tiên tại tọa đàm, PGS, TS Lý Việt Quang, Phó viện trưởng Viện Hồ Chí Minh và các Lãnh tụ của Đảng, khẳng định: Từ khi Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh ra đời, đất nước và dân tộc Việt Nam đã đạt nhiều thành tựu có ý nghĩa lịch sử, trong đó có sự đóng góp quan trọng của phong trào thi đua yêu nước. Độ lùi lịch sử giúp chúng ta nhận thức rõ hơn giá trị cả về lý luận và thực tiễn của Lời kêu gọi thi đua ái quốc đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc. Ngày nay, lời kêu gọi ấy vẫn có sức mạnh hiệu triệu, cổ vũ, dẫn đường cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. PGS, TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng gửi tham luận tới tọa đàm, khẳng định: Chủ tịch Hồ Chí Minh là người khởi xướng, lãnh đạo phong trào thi đua yêu nước và chính Người là tấm gương soi cho toàn dân học tập, noi theo về thực hành thi đua mọi lúc, mọi nơi. Hơn thế, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng luôn coi trọng xây dựng gương người tốt, việc tốt; đánh giá thực chất trong thi đua, cương quyết phê phán các biểu hiện thi đua hình thức.

Tham luận của Thượng tướng Phạm Thanh Ngân chỉ rõ: Để vận dụng tư tưởng Thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng trong điều kiện mới, toàn quân nói chung và Quân khu 2 nói riêng cần đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục về vị trí, vai trò của công tác thi đua-khen thưởng (TĐ-KT) đối với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao; tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính trị viên, người chỉ huy đối với công tác TĐ-KT và Phong trào TĐQT; tích cực, chủ động, sáng tạo đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức tổ chức phong trào thi đua; đẩy mạnh phát hiện, bồi dưỡng, nhân rộng điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua; thực hiện tốt công tác khen thưởng; khắc phục bằng được “bệnh thành tích” và các biểu hiện tiêu cực khác trong TĐ-KT. Đồng chí Vũ Việt Văn, Phó chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc chia sẻ về những kỷ niệm sâu sắc trong các lần Bác Hồ về thăm Vĩnh Phúc, những lời căn dặn ân cần của người luôn được Đảng bộ, nhân dân các dân tộc trong tỉnh khắc ghi và quyết tâm thi đua thực hiện đạt kết quả tốt. Biểu hiện cụ thể đó là hơn nửa thế kỷ qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong tỉnh luôn đoàn kết, nỗ lực phấn đấu, tổ chức tốt các phong trào thi đua phù hợp với từng thời điểm, từng bước vượt qua khó khăn, thách thức để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị trong từng giai đoạn cách mạng và đã giành được những thành tựu to lớn, toàn diện trên các lĩnh vực. Anh hùng LLVT nhân dân La Văn Cầu kể về việc thực hiện Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Bác thông qua công việc hằng ngày của mình. Đó là câu chuyện từ khi đồng chí La Văn Cầu vào quân đội (20-10-1948), là chiến sĩ của Trung đoàn 98, Đại đoàn 316, chiến đấu dũng cảm, được Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên dương tại Đại hội Chiến sĩ thi đua và cán bộ gương mẫu toàn quốc (5-1952). Gương chiến đấu dũng cảm quên mình còn được Anh hùng LLVT nhân dân Phùng Văn Khầu kể về trận chiến đấu tại chiến trường Điện Biên Phủ (3-1954). Khẩu đội pháo của đồng chí bị hỏa lực của địch bắn, nhiều chiến sĩ anh dũng hy sinh. Đồng chí Phùng Văn Khầu dù bị sức ép ngất đi, nhưng khi tỉnh lại, mở mắt ra thấy tấm huy hiệu Bác Hồ vẫn đeo bên ngực trái, đồng chí vụt đứng dậy, một mình một pháo chiến đấu thay cho 7 đồng đội đã hy sinh. Pháo thủ Phùng Văn Khầu điều chỉnh pháo về hướng quân địch bắn liên hồi. Sau trận đánh, đồng chí Phùng Văn Khầu được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhì. Tấm gương chiến đấu dũng cảm của Anh hùng LLVT nhân dân La Văn Cầu và Phùng Văn Khầu đã lan tỏa mạnh mẽ tinh thần thi đua yêu nước trong toàn quân, toàn dân.

Đại tá, Anh hùng LLVT nhân dân La Văn Cầu với thế hệ trẻ Tây Bắc. Ảnh: Minh Trường

Nhiều ý kiến phát biểu và gửi tham luận tới tọa đàm đều có chung nhận định: Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Bác Hồ và tư tưởng thi đua ái quốc của Người là cơ sở, nền tảng để Đảng, Nhà nước vận dụng, bổ sung đường lối, chủ trương về thi đua yêu nước, về công tác TĐ-KT, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong từng giai đoạn cách mạng. Lời kêu gọi thi đua ái quốc là động lực tinh thần to lớn để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta tạo ra giá trị vật chất, ý chí, nghị lực và bản lĩnh để đất nước vượt qua mọi khó khăn, thách thức, hoàn thành thắng lợi sự nghiệp cách mạng vẻ vang; xây dựng quân đội ngày càng hùng mạng, xây dựng đơn vị VMTD, xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp, văn minh. Ngày nay, trong công cuộc đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế, trước những diễn biến phức tạp, mau lẹ, khó lường của tình hình thế giới, khu vực và trong nước, sự phát triển mạnh mẽ của Cách mạng công nghiệp 4.0, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đang ra sức thi đua xây dựng đất nước Việt Nam "Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh", xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

70 năm vâng lời Bác thi đua không ngừng nghỉ

Gửi thư tới tọa đàm, Đại tá, nhà báo lão thành Nguyễn Khắc Tiếp, nguyên phóng viên Báo QĐND đã kể cuộc đời làm báo của mình, có hơn 10 năm sống, gắn bó và làm việc trên địa bàn Quân khu 2, cùng bộ đội Tây Bắc ra trận và chia sẻ ngọt bùi. Đồng chí là một trong 5 cán bộ, phóng viên Báo QĐND trực tiếp viết tin bài, xuất bản 33 số báo tại mặt trận Điện Biên Phủ. Bức thư có đoạn: “Trong suốt quãng thời gian gắn bó với mảnh đất Tây Bắc thân yêu, tôi được chứng kiến, cảm nhận sâu sắc tình cảm, sự thương yêu, đùm bọc, chở che của đồng bào nơi đây với Bộ đội Cụ Hồ. Đó là tài sản vô giá, là nền tảng để cán bộ, chiến sĩ Quân đội nói chung, cán bộ, chiến sĩ LLVT Quân khu 2 nói riêng giành những thắng lợi liên tiếp trong các cuộc kháng chiến cứu nước và xây dựng quân đội, đơn vị ngày nay”.

Tình cảm và chia sẻ của nhà báo lão thành Nguyễn Khắc Tiếp được các đại biểu cảm nhận rõ hơn khi được xem phóng sự về hoạt động TĐQT của LLVT Quân khu 2 và lắng nghe ý kiến tham luận của đồng chí Nguyễn Hồng Vinh. Đó là những cứ liệu vẽ lên bức tranh toàn cảnh về tinh thần quyết tâm thi đua, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ của LLVT Quân khu 2. Với đặc điểm là quân khu đóng quân trên địa bàn 9 tỉnh Tây Bắc, phần lớn là miền núi, biên giới, kinh tế-xã hội còn nhiều khó khăn, cơ cấu kinh tế chuyển dịch chậm; có đông đồng bào dân tộc thiểu số, tỷ lệ hộ nghèo cao; địa bàn thường xuyên xảy ra thiên tai, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất... Hơn 70 năm qua, thấm nhuần lời dạy của Bác về thi đua ái quốc, mọi hoạt động của LLVT quân khu đã thực sự cụ thể hóa được lời Bác dạy vào Phong trào TĐQT ở các cấp, các ngành, của mọi cán bộ, chiến sĩ qua các thế hệ; xây dựng nên truyền thống vẻ vang: "Trung thành-Tự lực-Đoàn kết-Anh dũng-Chiến thắng”.

Các đại biểu tham dự tọa đàm chụp ảnh lưu niệm. Ảnh: Minh Trường

Làm rõ hơn những nét chính trong thực hiện lời Bác dạy của LLVT Quân khu 2 suốt 7 thập kỷ qua, phát biểu tại tọa đàm, Thiếu tướng Phạm Đức Duyên, Phó chính ủy Quân khu 2, khẳng định: Phong trào thi đua của LLVT quân khu đã góp phần giữ vững độc lập chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ vững chắc từng tấc đất biên cương thiêng liêng của Tổ quốc. Phát huy tinh thần TĐQT, LLVT quân khu luôn không ngừng xây dựng, củng cố, tăng cường tiềm lực quốc phòng, xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân ngày càng vững chắc; trong đó lấy xây dựng chính trị làm cơ sở, chủ động đấu tranh làm thất bại chiến lược ''diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch; kiên quyết đấu tranh phòng chống, loại bỏ những biểu hiện suy thoái về chính trị, tư tưởng, phẩm chất đạo đức, lối sống; tích cực phòng chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, xây dựng và giữ vững trận địa tư tưởng trong LLVT quân khu.

Các ý kiến phát biểu và tham luận gửi đến tọa đàm của các đồng chí: Nguyễn Văn Khánh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái; Đại tá Nguyễn Hữu Trung, Chủ nhiệm Hậu cần Quân khu 2; Đại tá Phạm Đình Ân, Chính ủy Cục Kỹ thuật Quân khu 2; Đại tá Nguyễn Hữu Hậu, Bí thư Đảng ủy, Phó giám đốc Công ty Hợp tác Quốc tế 705 đều thống nhất cho rằng: Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Bác luôn là sợi chỉ đỏ, kim chỉ nam cho mọi hoạt động để LLVT Quân khu vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách góp phần làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, phong trào thi đua của LLVT Quân khu 2 được phát triển rộng khắp, quân khu không chỉ là hậu phương vững chắc cho tiền tuyến, mà còn góp phần đánh bại chiến tranh phá hoại miền Bắc; đã có hàng vạn cán bộ, chiến sĩ LLVT Quân khu chiến đấu trên khắp các chiến trường, nhiều cán bộ, chiến sĩ ngã xuống để viết nên bản anh hùng ca cách mạng. Trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, lời Bác dạy về thi đua ái quốc được cụ thể hóa bằng từng hành động, từng khẩu hiệu thi đua, lan tỏa đến từng chiến hào, từng điểm tựa, góp phần giữ vững độc lập chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ đất nước. Trong thời kỳ đổi mới, Phong trào TĐQT của LLVT Quân khu hướng vào thực hiện tốt nhiệm vụ tham mưu cho Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trên hướng chiến lược của cả nước, xây dựng tiềm lực quốc phòng, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn các tỉnh phía Bắc, Tây Bắc của Tổ quốc. Hoạt động thi đua trong LLVT Quân khu được phát triển mạnh mẽ, rộng khắp, động viên cán bộ, chiến sĩ tham gia, mọi hoạt động thi đua đều hướng vào xây dựng tổ chức Đảng TSVM, đơn vị VMTD, đủ sức hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ. Hoạt động TĐ-KT có bước phát triển mới, thực chất hơn, sâu rộng và hiệu quả hơn. Các hoạt động thi đua được triển khai ở tất cả các loại hình đơn vị, các lĩnh vực hoạt động, trong đó tập trung đột phá vào các khâu yếu, việc khó, việc trọng yếu, việc mới...

Tạo xung lực thi đua yêu nước trong thời kỳ mới

Thượng tá Nguyễn Ngọc Ngân, Phó chính ủy Sư đoàn 316 gửi tham luận tới tọa đàm, tập trung làm sâu sắc hơn vị trí, ý nghĩa của phong trào TĐQT đối với việc xây dựng đơn vị VMTD. Từ kinh nghiệm tổ chức thi đua, đồng chí Nguyễn Ngọc Ngân cho rằng, các cơ quan, đơn vị cần chú trọng thường xuyên đổi mới công tác TĐ-KT, tập trung hướng về cơ sở, bám sát nhiệm vụ chính trị trung tâm, giải quyết khâu yếu, mặt yếu, việc khó, việc mới; gắn việc thực hiện các phong trào thi đua với công tác nhận xét, đánh giá chất lượng đảng viên, tổ chức Đảng, nhận xét cán bộ hằng năm. Kịp thời phát hiện nhân rộng các điển hình tiên tiến, đề nghị, xét điều động, bổ nhiệm cán bộ có nhiều thành tích trong các phong trào thi đua...

Thượng tá Phan Trọng Hiền, Phó chính ủy Trung đoàn 82, đề xuất: Cần hướng Phong trào TĐQT vào thực hiện các khâu đột phá, trọng tâm là nhiệm vụ huấn luyện, SSCĐ, xây dựng chính quy, rèn luyện kỷ luật, gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị, Chỉ thị 87 của Thường vụ Quân ủy Trung ương về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và Cuộc vận động: “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ”; quan tâm tới công tác khen thưởng, coi đây là yếu tố quan trọng góp phần thúc đẩy phong trào thi đua trong thời gian tới.

Tham luận của các đồng chí: Đại tá Trần Văn Chanh, Chính ủy Đoàn Kinh tế-Quốc phòng 326; Trung úy Đỗ Khắc Trình, Đại đội 12, Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 174 (đại diện cho tuổi trẻ Quân khu 2); Thiếu tá Nguyễn Thị Lý, Trưởng ban Phụ nữ Quân khu 2 và tham luận của đồng chí Viên Tiến Thăng, Bí thư Đảng ủy xã Tân Trào (Sơn Dương, Tuyên Quang) bày tỏ quyết tâm tiếp tục học tập, thấm nhuần để đẩy mạnh làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; kết hợp thực hiện Phong trào TĐQT với phong trào thi đua yêu nước, cuộc vận động của các cấp, các ngành. Phát huy phẩm chất cao đẹp Bộ đội Cụ Hồ, tích cực trau dồi phẩm chất, đạo đức trong sáng, lối sống lành mạnh, nâng cao trình độ, năng lực công tác tốt; tự giác chấp hành nghiêm pháp luật Nhà nước, kỷ luật quân đội, xây dựng tinh thần đoàn kết nội bộ, đoàn kết quân dân tốt; xây dựng các tổ chức Đảng TSVM, cơ quan, đơn vị VMTD, các tổ chức quần chúng vững mạnh xuất sắc, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước, quân đội và nhân dân tin tưởng giao cho.

Kết luận tọa đàm, Thiếu tướng Trịnh Văn Quyết khẳng định: Hơn 7 thập kỷ qua, LLVT Quân khu 2 luôn quán triệt sâu sắc lời Bác dạy về thi đua ái quốc và cụ thể hóa lời Bác dạy vào Phong trào TĐQT, làm cho các hoạt động thi đua phát triển toàn diện, đúng hướng. Các đơn vị LLVT Quân khu 2 bám sát thực tiễn chiến trường, từng trận chiến đấu, từng nhiệm vụ và đặc điểm, tình hình, nhiệm vụ quân sự, quốc phòng trong mỗi thời kỳ, chủ động đi sâu vào các hoạt động chiến đấu, SSCĐ, huấn luyện, xây dựng đơn vị VMTD, làm nên những kỳ tích trong 2 cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Thấm nhuần lời dạy của Bác, mỗi cán bộ, chiến sĩ LLVT Quân khu 2 xin hứa với Bác thường xuyên bồi dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng, đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; Cuộc vận động "Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ", kết hợp thực hiện Phong trào TĐQT với phong trào thi đua yêu nước, cuộc vận động của các cấp, các ngành... hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ Đảng, Nhà nước, quân đội và nhân dân giao phó, xứng đáng với hình ảnh đẹp của người chiến sĩ Tây Bắc trong lòng dân!

ĐĂNG HẰNG - NGUYỆT MINH

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/quan-khu-2-dinh-ninh-loi-bac-day-540232