Quận Hoàn Kiếm (Hà Nội): Tặng quà cho 30 bệnh nhân mắc bệnh Tan máu bẩm sinh

'Chung tay phòng bệnh Tan máu bẩm sinh (Thalassemia) để có gia đình mạnh khỏe, hạnh phúc; vì chính mình, vì cộng đồng, vì chất lượng giống nòi và tương lai đất nước'.

Các đại biểu dự Lễ kỷ niệm 32 năm ngày Thalassemia Thế giới.

Sáng 8/5, tại trường THPT Trần Phú (Hà Nội), UBND quận Hoàn Kiếm phối hợp với Hội Tan máu bẩm sinh Việt Nam, Viện Huyết học Truyền máu Trung ương tổ chức Lễ kỷ niệm 32 năm ngày Thalassemia Thế giới (8/5/1986 – 8/5/2018).

Dự lễ kỷ niệm có ông Hishamsha, chuyên gia cao cấp Bộ Y tế Malaysia; ông Bạch Quốc Khánh, Viện trưởng Viện Huyết học Truyền máu Trung ương; bà Nguyễn Thị Thu Hà, Tổng Thư ký Hội Tan máu Việt Nam, Giám đốc Trung tâm Thalassemia Viện Huyết học Truyền máu Trung ương; ông Đinh Hồng Phong, Phó Chủ tịch thường trực UBND quận Hoàn Kiếm; bà Trương Thị Kim Hoa, Giám đốc Trung tâm Dân số - Kế hoạch hóa gia đình quận Hoàn Kiếm; đại diện các ban, ngành trong quận; đoàn thanh niên; Hội chữ thập đỏ; Ban giám hiệu, giáo viên và gần 900 học sinh, phụ huynh trường THPT Trần Phú; cùng 30 bệnh nhân đang điều trị tại Trung tâm Thalassemia.

Ông Đinh Hồng Phong: Việc phát hiện người mang gen bệnh Thalassemia là hết sức cần thiết và cấp bách.

Phát biểu tại lễ kỷ niệm, ông Đinh Hồng Phong, Phó Chủ tịch thường trực UBND quận Hoàn Kiếm cho biết: Năm 2018 là năm thứ hai UBND quận Hoàn Kiếm phối hợp với Hội Tan máu bẩm sinh Việt Nam, Viện Huyết học Truyền máu Trung ương tổ chức kỷ niệm ngày Thalassemia Thế giới (8/5/1986 – 8/5/2018). Đây là hoạt động có ý nghĩa đối với việc thực hiện mục tiêu chiến lược của công tác Dân số, vì mục tiêu phát triển toàn diện con người cả về thể chất và tinh thần, đáp ứng yêu cầu chính sách Dân số và phát triển trong giai đoạn mới.

Học sinh trường THPT Trần Phú tại buổi lễ kỷ niệm.

Phòng bệnh Thalassemia để không sinh những trẻ bị bệnh, vì vậy việc phát hiện người mang gen bệnh là hết sức cần thiết và cấp bách. Việc truyền thông, tư vấn, xét nghiệm sàng lọc bệnh Thalassemia cho các thanh niên, thanh niên tiền hôn nhân, trước khi quyết định kết hôn sẽ giúp cho họ có kiến thức để chủ động phòng bệnh Thalassemia và sinh ra những thế hệ sau được khỏe mạnh, góp phần nâng cao chất lượng dân số tại cộng đồng, mang lại hạnh phúc cho cho các cặp vợ chồng, giảm thiểu gánh nặng cho xã hội.

Trong những năm qua, UBND quận Hoàn Kiếm đã phối hợp với Viện Huyết học Truyền máu Trung ương (Bộ Y tế) duy trì, tổ chức triển khai có hiệu quả Chương trình sàng lọc phát hiện sớm người mang gen bệnh Thalassemia cho vị thành niên, thanh niên, thanh niên tiền hôn nhân là cán bộ, công chức, viên chức các phòng ban, đơn vị thuộc quận; giáo viên, nhân viên các trường học, lực lượng vũ trang, học sinh khối 8 các trường THCS, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên Nguyễn Văn Tố; học sinh các trường THPT, sinh viên các trường CĐ, ĐH trên địa bàn quận.

Những bệnh nhân đang điều trị tại Trung tâm Thalassemia (Viện Huyết học Truyền máu Trung ương).

“Tính đến thời điểm này, quận đã tổ chức hơn 100 buổi truyền thông, với sự tham dự của hơn 20 nghìn lượt người; xét nghiệm cho 3 nghìn người là vị thành niên, thanh niên tiền hôn nhân trên địa bàn quận đã được sàng lọc ban đầu phát hiện người mang gen bệnh bẩm sinh thông qua xét nghiệm máu. Trong số đó gần 600 học sinh Trường THPT Trần Phú (quận Hoàn Kiếm) đã đăng ký lấy máu xét nghiệm. Kết quả sàng lọc ban đầu trên địa bàn quận cho thấy số người nghi ngờ mang gen bệnh Thalassemia chiếm tỷ lệ hơn 10%. Đây là những con số thực sự đáng báo động mà chúng ta cần quan tâm”, ông Đinh Hồng Phong cho hay.

Bà Trương Thị Kim Hoa: Chúng ta hãy nhận thức đầy đủ về căn bệnh Thalassemia và tầm quan trọng của việc làm xét nghiệm máu trước khi bước vào ngưỡng cửa hôn nhân.

Nói về căn bệnh Tan máu bẩm sinh, bà Trương Thị Kim Hoa, Giám đốc Trung tâm DS-KHHGĐ quận Hoàn Kiếm cho biết: Trong số chúng ta ai cũng có thể mang gen di truyền bệnh Thalassemia, cứ 1 nghìn người sẽ có 100 người mang gen, nếu hai người mang gen kết hôn với nhau sắc xuất sinh ra một em bé bị bệnh lên tới 25%. “Vì vậy chỉ có cách duy nhất để phát hiện bệnh, đó là lấy máu để xét nghiệm và mỗi người chỉ phải xét nghiệm một lần duy nhất trong đời. Chúng ta hãy nhận thức đầy đủ về căn bệnh Thalassemia và tầm quan trọng của việc làm xét nghiệm máu trước khi bước vào ngưỡng cửa hôn nhân. Tất cả chúng ta cần có kiến thức và hãy nhìn nhận bệnh Tan máu bẩm sinh hoàn toàn có thể phòng tránh được”, bà Hoa nhấn mạnh.

Lãnh đạo quận Hoàn Kiếm tặng quà cho bệnh nhân.

Nhân dịp này, UBND quận Hoàn Kiếm đã tặng quà cho 30 bệnh nhân đang điều trị tại Trung tâm Thalassemia (Viện Huyết học Truyền máu Trung ương). Cũng tại lễ kỷ niệm, học sinh khối 11 Trường THPT Trần Phú được các bác sĩ, y tá lấy máu xét nghiệm sàng lọc ban đầu phát hiện bệnh Thalassemia.

Học sinh khối 11 trường THPT Trần Phú lấy máu xét nghiệm sàng lọc ban đầu phát hiện bệnh Thalassemia.

Bệnh Thalassemia hay còn gọi Tan máu bẩm sinh là bệnh thiếu máu do tan máu, thuộc nhóm bệnh di truyền, bệnh biểu hiện suốt đời, bệnh có cả ở hai giới (nam và nữ) với tỷ lệ ngang nhau. Thalassemia là bệnh có tỷ lệ người mang gen và mắc bệnh cao nhất trong các bệnh di truyền trên thế giới cũng như ở Việt Nam. Thực tế cho thấy tại Việt Nam, tỷ lệ người mang gen bệnh tan máu bẩm sinh rất cao, đặc biệt là người dân tộc thiểu số. Do đặc tính là bệnh di truyền lặn nên người bệnh mang gen bệnh vẫn là người khỏe mạnh, nhưng họ có thể di truyền gen bệnh cho thế hệ sau. Vì thế, nếu hai người cùng gen bệnh khi kết hôn và sinh con thì con của họ có thể bị bệnh.

CÙ HÒA

Nguồn Dân Sinh: http://baodansinh.vn/quan-hoan-kiem-ha-noi-tang-qua-cho-30-benh-nhan-mac-benh-tan-mau-bam-sinh-d73642.html