Quan hệ với nhân viên, phó thủ tướng Australia nguy cơ mất chức

Chuyện tình cảm với nhân viên cũ khiến ông Barnaby Joyce có nguy cơ bị loại khỏi chức chủ tịch đảng Quốc gia trong liên minh cầm quyền, mất luôn ghế phó thủ tướng Australia.

Ông Joyce thông báo kết thúc cuộc hôn nhân với vợ cũ vào cuối năm ngoái. Cho đến tuần qua, giới truyền thông mới phát hiện ông đang sống như vợ chồng cùng Vikki Campion, nhân viên cũ của Joyce. Campion đang mang thai đứa con cùng với Joyce và dự kiến hạ sinh tháng 4 này.

Tin đồn về bê bối ngoại tình của Joyce râm ran từ tháng 12/2017, khi ông buộc phải rời ghế ở quốc hội do vi phạm luật cấm người mang quốc tịch nước ngoài trở thành nghị sĩ. Tuy nhiên, phải đến khi tờ Daily Telegraph đăng ảnh cô Campion hồi đầu tháng 2 thì nước này mới nổ ra tranh luận việc đời sống riêng tư của những chính trị gia có thể bị công bố trước công chúng hay không.

Ông Joyce cùng người tình Campion xuất hiện trong một sự kiện. Ảnh: The Australian.

Khuất tất chuyện sếp quan hệ cùng nhân viên

Khác với nhiều nước phương Tây, báo chí Australia thường tránh không đề cập nhiều đến cuộc sống riêng của các chính khách. Tuy nhiên, từ vụ ngoại tình của Joyce lại dẫn đến những cáo buộc các vụ việc sai trái khác của vị phó thủ tướng này.

Một trong số này là sự chất vấn về thời điểm mối quan hệ của Joyce và Campion, khi cô còn là nhân viên của ông và công việc cũng liên quan đến nhiều quan chức cấp cao khác trong chính phủ. Cho dù mối quan hệ giữa hai người là tự nguyện, người ngoài cuộc không khỏi băn khoăn về những khuất tất trong chuyện tình cảm giữa sếp và cấp dưới.

Mới đây, Hạ viện Mỹ chính thức thông qua luật cấm các nghị sĩ có quan hệ tình ái với nhân viên của họ. Australia không có động thái nào tỏ ý sẵn sàng áp dụng nguyên tắc tương tự.

Tuy nhiên, vẫn có một số nguyên tắc áp dụng với “đối tác tình ái” của nghị sĩ này nhưng lại làm việc cho những nghị sĩ khác. Đó là khi cô Campion nghỉ việc ở văn phòng của ông Joyce vào tháng 4/2017 vì muốn xin chuyển đến đơn vị của ông Matt Canavan, một thành viên đảng Quốc gia, rồi sau đó là văn phòng của quan chức phụ trách kỷ luật của đảng này, Damien Drum.

Việc thuyên chuyển như vậy cần sự chấp thuận của thủ tướng. Tuy nhiên đề nghị này không được thông qua. Lý do được đưa ra là vì cô Campion thời điểm đó không được khẳng định là “đối tác” của ông Joyce. Trong khi một số tờ báo Australia phỏng đoán mỉa mai rằng cô Campion còn chưa vượt qua bài kiểm tra “tửu lượng” của Joyce.

Hơn nữa, vai trò của quan chức kỷ luật là bảo đảm các nghị sĩ tuân thủ chủ trương của đảng trong những cuộc bỏ phiếu, nên đây là công việc hoàn toàn mang tính nội bộ hơn. Khi đó cô Campion là một cố vấn về truyền thông, nên vị trí của cô là dư thừa và không quá cần thiết với văn phòng của ông Drum.

Khi Thủ tướng Turnbull công tác nước ngoài, ông Joyce sẽ trở thành quyền thủ tướng. Ảnh: news.com.au.

Đạo đức giả?

Sở dĩ vụ ngoại tình của ông Joyce thu hút nhiều sự chú ý hơn những trường hợp chính khách khác là vì ông luôn rêu rao quan điểm cứng rắn về những giá trị bảo thủ.

Ông Joyce phản đối mạnh mẽ luật hôn nhân đồng tính với lập luận rằng hôn nhân truyền thống là vô cùng quan trọng và cần phải được bảo vệ. Do vậy, khi câu chuyện đời tư của ông bị phanh phui, người ta đặt nó so sánh với những tuyên bố của ông về giá trị và sự thiêng liêng của hôn nhân.

Từ “đạo đức giả” được sử dụng nhiều lần để chỉ trích ông Joyce. Giới quan sát vẫn đang trông chờ phản ứng của các cử tri tại những khu vực nông thôn và bảo thủ, vốn là thành trì ủng hộ của đảng Quốc gia, đối với vụ việc của ông Joyce. Với vai trò là chủ tịch đảng nhỏ hơn trong liên minh cầm quyền, ông Joyce là phó thủ tướng trong chính phủ và sẽ là quyền thủ tướng khi ông Malcolm Turnbull công du nước ngoài.

Hiện chưa thể khẳng định chắc chắn ông Joyce có thể vượt qua bê bối lần này hay không. Nhiều nghị sĩ đã thúc giục ông từ chức và tuyên bố sẽ sớm đối chất với Joyce để buộc ông ra quyết định, trước khi Thủ tướng Turnbull lên đường đến Mỹ vào tuần tới.

Chắc chắn rằng nếu chuyện đời tư của Joyce tiếp tục bị công bố, chiếc ghế của ông sẽ khó giữ vững được lâu. Nhưng ngay cả khi ông tạm thắng thế trước sự đối đầu của các nghị sĩ trong đảng, hiện ông chính là điểm phân tán không mong muốn của chính phủ vốn đang nỗ lực giành giật phiếu bầu.

Khi liên minh đảng Quốc gia - Tự do giành lại quyền lực năm 2016, đảng do ông Joyce dẫn dắt đã “cứu” chính phủ của Thủ tướng Turnbull. Đảng Quốc gia giữ được toàn bộ ghế trong khi đảng Tự do mất hơn cả chục.

Kể từ thời điểm đó, nội bộ đảng Quốc gia liên tục bị chia rẽ. Và bê bối đời tư lần này của ông Joyce như trở thành vũ khí sắc bén để chính các đối thủ nội bộ đảng chống lại ông. Lịch sử 90 năm của đảng Quốc gia chỉ chứng kiến duy nhất một lần thay đổi lãnh đạo do “đảo chính”. Tuy nhiên, bê bối lần này chính là lớn nhất đối với họ trong nhiều thập kỷ qua.

Minh Anh (Theo CNN)

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/quan-he-voi-nhan-vien-pho-thu-tuong-australia-nguy-co-mat-chuc-post819686.html