Quan hệ Việt-Nhật củng cố hòa bình châu Á-TBD

Trong chuyến đi, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự kiến có nhiều cuộc tiếp xúc, làm việc với các hiệp hội doanh nghiệp, nhà đầu tư hàng đầu Nhật Bản.

Chiều tối ngày 7/10 (giờ địa phương), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã đến Thủ đô Tokyo, Nhật Bản để dự Hội nghị cấp cao Mekong-Nhật Bản lần thứ 10 và thăm Nhật Bản.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và phu nhân đã tới Nhật tham dự Hội nghị Mekong – Nhật Bản. Ảnh: Chinhphu.vn

Đón Thủ tướng, phu nhân và đoàn tại sân bay, về phía Nhật Bản có Thứ trưởng Nghị sỹ Quốc hội Norikazu Suzuki, Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Umeda; về phía Việt Nam có Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Nguyễn Quốc Cường và phu nhân cùng cán bộ, nhân viên Đại sứ quán Việt Nam và cộng đồng người Việt tại Nhật Bản.

Dự kiến trong chương trình chuyến đi, ngày mai (8/10), Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe chủ trì lễ đón trọng thể Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Tiếp đó, hai Thủ tướng dẫn đầu đoàn cấp cao hai nước tiến hành hội đàm; chứng kiến lễ ký các văn kiện hợp tác.

Thủ tướng cũng sẽ tiếp Chủ tịch Liên minh Nghị sỹ Hữu nghị Nhật-Việt Nikai Toshihiro; thăm Đại sứ quán Việt Nam tại Tokyo.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ tham dự Phiên họp cấp cao Mekong-Nhật Bản lần thứ 10; cùng lãnh đạo các nước yết kiến Nhật Hoàng; tham dự Diễn đàn đầu tư Mekong-Nhật Bản và gặp gỡ lãnh đạo Quốc hội Nhật Bản.

Trong chuyến đi, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự kiến có nhiều cuộc tiếp xúc, làm việc với các hiệp hội doanh nghiệp, nhà đầu tư hàng đầu Nhật Bản, như làm việc với Liên đoàn Kinh tế Nhật Bản Keidanren; tọa đàm với các doanh nghiệp bất động sản của Nhật Bản; dự Diễn đàn xúc tiến đầu tư Việt Nam; tiếp lãnh đạo một số tập đoàn hàng đầu của Nhật Bản

Trước đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có phần trả lời báo chí Nhật Bản nhân dịp tới Tokyo tham dự Hội nghị cấp cao Hợp tác Mê Kông - Nhật Bản lần thứ 10, theo thông cáo ngày 6/10 của Bộ Ngoại giao.

"Việt Nam hoan nghênh lập trường và có chung quan điểm với Nhật Bản về tầm quan trọng của nỗ lực ngoại giao góp phần thúc đẩy việc tuân thủ luật pháp quốc tế, giải quyết hòa bình tranh chấp, thúc đẩy hợp tác, hiện thực hóa một Biển Đông hòa bình và ổn định", Thủ tướng nói.

Thủ tướng khẳng định tình hình Biển Đông thời gian qua diễn biến phức tạp, gây quan ngại cho cộng đồng quốc tế, đòi hỏi các bên liên quan cần tuân thủ luật pháp quốc tế, không có các hành động làm phức tạp tình hình, thực hiện Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), sớm hoàn thành việc xây dựng Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông (COC).

Thủ tướng chia sẻ tầm nhìn mới của khu vực Mekong

Việt Nam ủng hộ việc giải quyết các tranh chấp trên biển bằng biện pháp hòa bình, theo luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS).

"Chúng tôi mong rằng Nhật Bản tiếp tục thể hiện trách nhiệm và vai trò, cùng cộng đồng quốc tế tiếp tục ủng hộ và đóng góp tích cực vào việc bảo đảm an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không, duy trì hòa bình, ổn định, mang lại thịnh vượng cho Biển Đông nói riêng và khu vực châu Á - Thái Bình Dương nói chung", Thủ tướng nói.

Trong phần trả lời, Thủ tướng cũng gửi lời chúc mừng Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã tái đắc cử và khẳng định quan hệ hợp tác giữa hai nước đã phát triển mạnh mẽ trên tất cả các lĩnh vực. Thủ tướng khẳng định Việt Nam hoan nghênh doanh nghiệp Nhật Bản hỗ trợ và đầu tư vào các lĩnh vực Nhật Bản có thế mạnh.

"Tôi tin rằng quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và thịnh vượng ở châu Á giữa Việt Nam và Nhật Bản sẽ bước vào giai đoạn phát triển mới, ngày càng hiệu quả, ổn định và sâu rộng hơn", Thủ tướng cho hay.

An An

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/quan-he-viet-nhat-cung-co-hoa-binh-chau-a-tbd-3366858/