Quan hệ Việt-Lào: Tài sản vô giá phải truyền lại cho các thế hệ sau

Trong lịch sử quan hệ quốc tế từ xưa tới nay, quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào là một điển hình, một tấm gương mẫu mực, hiếm có về sự gắn kết bền chặt, thủy chung, trong sáng và đầy hiệu quả giữa hai dân tộc đấu tranh vì độc lập, tự do và tiến bộ xã hội.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đón tiếp Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith trong chuyến thăm Việt Nam ngày 2.10.2017. Ảnh: VGP

Nguồn sức mạnh nhân đôi

Phát biểu tại lễ kỷ niệm lần thứ 42 Quốc khánh Lào (2.12.1975 - 2.12.2017) và kỷ niệm 55 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Lào (5.9.1962 - 5.9.2017) tối 29.11, Đại sứ Lào tại Việt Nam Thongsavanh Phomvihane cảm ơn chân thành và sâu sắc Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam luôn dành cho Đảng, Nhà nước và nhân dân Lào sự ủng hộ và giúp đỡ quý báu trong công cuộc giải phóng giành độc lập dân tộc trước đây cũng như xây dựng, bảo vệ đất nước ngày nay, thể hiện sinh động mối quan hệ mẫu mực, thủy chung, trong sáng của hai nước Việt Nam - Lào; nhấn mạnh đây là tài sản vô giá phải nâng niu, trân trọng và truyền lại cho các thế hệ mai sau.

Trong lời đáp từ, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh nhiệt liệt chúc mừng Quốc khánh Lào, khẳng định quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam trải qua nhiều thử thách khắc nghiệt, đầy hy sinh gian khổ, được vun đắp bằng xương máu vì độc lập, tự do, hạnh phúc của hai dân tộc và nhân dân hai nước, là quy luật sống còn, là tình nghĩa ruột thịt, thủy chung son sắt, trước sau như một và lịch sử đã cho thấy, tình đoàn kết đặc biệt Việt - Lào là nguồn sức mạnh nhân đôi, giúp hai dân tộc đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, Năm Đoàn kết Hữu nghị Việt Nam - Lào kỷ niệm 55 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Lào và 40 năm Ngày ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác Việt Nam - Lào (18.7.1977-18.7.2017) là mốc son sáng chói, khắc sâu tình đoàn kết đặc biệt, hữu nghị truyền thống giữa hai nước Việt Nam và Lào.

Dấu mốc hợp tác

Quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt, hợp tác toàn diện Việt Nam-Lào đạt được nhiều kết quả tốt đẹp trên cả bình diện song phương và đa phương. Hai bên duy trì tốt các cơ chế hợp tác song phương như Ủy ban liên Chính phủ về hợp tác song phương, thường xuyên trao đổi nhiều đoàn cấp cao và các cấp.

Hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng - an ninh tiếp tục được khẳng định là một trong những cột trụ hết sức quan trọng trong quan hệ đặc biệt giữa hai nước, góp phần giữ vững môi trường hòa bình, ổn định chính trị - xã hội và làm thất bại mọi âm mưu chia rẽ mối quan hệ hữu nghị truyền thống và tình đoàn kết đặc biệt Việt Nam - Lào. Hai bên đã hoàn thành Dự án Tăng dày và tôn tạo hệ thống mốc quốc giới Việt Nam-Lào; ký Nghị định thư về đường biên giới và mốc quốc giới Việt Nam-Lào; Hiệp định về Quy chế quản lý biên giới và cửa khẩu biên giới Việt Nam-Lào. Công tác tìm kiếm và quy tập hài cốt liệt sĩ, quân tình nguyện Việt Nam được triển khai tốt.

Về quan hệ kinh tế, đầu tư, thương mại, tính đến tháng 8.2017, Việt Nam đang là nhà đầu tư đứng thứ 3 trong số các nước đầu tư vào Lào. Nhiều dự án đầu tư phát huy hiệu quả, sản xuất kinh doanh có lãi, đóng góp tích cực vào công cuộc phát triển của hai nước, tạo công ăn việc làm, phúc lợi xã hội… giúp Lào thực hiện tốt chính sách xóa nghèo, được phía Lào ghi nhận và đánh giá cao. Hai bên đã ký Hiệp định Thương mại mới và Hiệp định Thương mại biên giới. Kim ngạch thương mại Việt Nam - Lào 8 tháng đầu năm 2017 đạt 580,4 triệu USD (2016 là 823,4 triệu USD).

Trong hợp tác về giao thông vận tải, hai bên đẩy mạnh triển khai các dự án kết nối trong khuôn khổ hợp tác song phương cũng như tiểu vùng; tiếp tục nghiên cứu, nhân rộng mô hình kiểm tra “một cửa, một lần dừng” sang các cặp cửa khẩu quốc tế khác giữa hai nước. Về giáo dục, Việt Nam tiếp tục dành cho Lào nhiều suất học bổng hàng năm ở tất cả các cấp như cao đẳng, đại học, trên đại học; thực hiện hiệu quả chỉ thị của hai Thủ tướng Chính phủ về chấn chỉnh, nâng cao chất lượng hợp tác về giáo dục - đào tạo.

Hai bên thường xuyên trao đổi sâu rộng về các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm, trong đó có môi trường chiến lược tại Châu Á - Thái Bình Dương, hợp tác trong ASEAN, phát triển tiểu vùng và sử dụng bền vững nguồn nước sông Mekong, vấn đề Biển Đông; chủ động và tích cực chia sẻ thông tin, trao đổi quan điểm và phối hợp lập trường tham vấn ở tất cả các kênh và các cấp, góp phần nâng cao vị thế quốc tế của mỗi nước.

Chặng đường hơn 40 năm qua càng khẳng định, mối quan hệ đặc biệt hiếm có Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam là tài sản chung vô giá của hai Đảng, hai dân tộc, là quy luật tồn tại và phát triển, là quan hệ sống còn và là nguồn lực quan trọng đối với sự nghiệp bảo vệ, phát triển ở mỗi nước.

SONG MINH

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/the-gioi/quan-he-viet-lao-tai-san-vo-gia-phai-truyen-lai-cho-cac-the-he-sau-579347.ldo