Quan hệ Trung Quốc - Australia 'rơi tự do'

Ngày 6/5, Bắc Kinh bất ngờ tuyên bố đình chỉ thỏa thuận Đối thoại Kinh tế Chiến lược Trung Quốc - Australia, như một phản ứng 'ăn miếng trả miếng' với việc Canberra hủy bỏ ký kết trong khuôn khổ Sáng kiến Vành đai - Con đường (BRI) hồi tháng 4 vừa qua.

Tránh phản ứng dây chuyền?

Trong tuyên bố đình chỉ hôm 6/5, Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc cho biết thỏa thuận kinh tế đã được rút “dựa trên thái độ hiện tại” của Chính phủ Australia. Canberra từng mô tả ký kết với Bắc Kinh - nhằm thúc đẩy thương mại giữa 2 quốc gia và thu hút các nhà đầu tư lớn của Trung Quốc - một trong những “thỏa thuận kinh tế song phương hàng đầu”. Tuy nhiên, mối quan hệ giữa 2 quốc gia đã rơi vào tình trạng đóng băng nghiêm trọng thời gian gần đây.
Vào tháng 4, chính quyền Thủ tướng Scott Morrison đã thông báo hủy bỏ thỏa thuận giữa bang Victoria với Trung Quốc - một phần trong sáng kiến cơ sở hạ tầng khổng lồ BRI của Trung Quốc trên khắp châu Á và thế giới. Thỏa thuận bị hủy bỏ vốn được ký giữa chính quyền bang Victoria với Ủy ban Cải cách và Phát triển quốc gia Trung Quốc từ tháng 3/2017. Theo đó, bang Victoria cam kết phối hợp triển khai các dự án cơ sở hạ tầng với phía Trung Quốc theo hình thức hợp tác công - tư. Tuy nhiên, đầu tháng 12/2020, Thủ tướng Morrison đã đánh động việc thỏa thuận này sẽ bị đưa vào danh sách rà soát, khi tuyên bố sẵn sàng hủy bỏ mọi thỏa thuận nếu trái với lợi ích quốc gia của Australia.

 Trung Quốc cho rằng, việc Canberra hủy bỏ 2 thỏa thuận liên quan tới Sáng kiến Vành đai - Con đường gây thêm tổn thất cho quan hệ song phương.

Trung Quốc cho rằng, việc Canberra hủy bỏ 2 thỏa thuận liên quan tới Sáng kiến Vành đai - Con đường gây thêm tổn thất cho quan hệ song phương.

The Age dẫn lời ông Michael Shoebridge - chuyên gia nghiên cứu quốc phòng, chiến lược và an ninh quốc gia tại Viện Chính sách chiến lược Australia - nhận định, những lo ngại của Canberra về an ninh quốc gia đã gia tăng, khi các dự án tiến hành theo hình thức hợp tác công - tư với Trung Quốc đang ngày càng đưa lại những kết quả khó đoán. “Đối tác công - tư, Sáng kiến Vành đai - Con đường, là căn bản trong kế hoạch biến Trung Quốc thành trung tâm của nền kinh tế toàn cầu”, chuyên gia Shoebridge nói, lưu ý rằng tại kỳ họp Lưỡng hội của Trung Quốc hồi tháng 3 vừa qua, Bắc Kinh cũng đã đề ra “chiến lược kép” nhằm giảm phụ thuộc vào nền kinh tế toàn cầu, đồng thời khiến các nước khác phụ thuộc ngày càng nhiều hơn vào Trung Quốc.
Trong một nghiên cứu mang tên “Cách Trung Quốc cho vay”, các chuyên gia từ Viện Kinh tế Thế giới Kiel và Đại học Georgetown tại Mỹ đã thực hiện đánh giá 100 thỏa thuận trong khuôn khổ BRI, từ đó rút ra một số kết luận: “Thứ nhất, các hợp đồng của Trung Quốc đều chứa điều khoản bảo mật, cấm bên vay tiết lộ các điều khoản này hoặc thậm chí sự tồn tại của món nợ”; các điều khoản về “hủy bỏ, tăng tốc hay giữ ổn định” trong các hợp đồng của Trung Quốc có khả năng cho phép bên cho vay gây ảnh hưởng với chính sách đối ngoại và đối nội của các nước vay nợ. Heribert Dieter, nghiên cứu viên cao cấp thuộc Viện Các vấn đề quốc tế và An ninh Đức cho rằng, các điều khoản trong hợp đồng đầu tư dưới dạng cho vay của Trung Quốc khá “bất thường”, khiến sự mập mờ dường như đã trở thành “tiêu chuẩn chung” của BRI.
Đáng nói, theo chuyên gia Dieter, quyết định của Chính phủ Australia có thể tạo tiền lệ cho các quốc gia khác trì hoãn hoặc hủy bỏ những thỏa thuận đã ký với Trung Quốc liên quan đến BRI. Pakistan, một đối tác của BRI, gần đây đã yêu cầu Trung Quốc cắt giảm các khoản nợ được dùng để tài trợ cho các dự án sản xuất điện mới. “Trung Quốc sẽ phải gia hạn các điều khoản cho vay, hoặc chấp nhận để các dự án bị đình trệ” - ông Dieter nói với DW, nhận định rằng sáng kiến BRI đã mất động lực phát triển trong những năm gần đây, một phần là do dịch bệnh Covid-19 khiến nhiều đối tác của Bắc Kinh - chủ yếu là các quốc gia nghèo ở châu Á và châu Phi rơi vào khủng hoảng kinh tế.
Từ đó, quyết định đình chỉ vô thời hạn mọi hoạt động trong khuôn khổ thỏa thuận kinh tế với Australia của Bắc Kinh lúc này được cho như là động thái “làm gương”, nhằm ngăn chặn phản ứng dây chuyền trong các đối tác BRI, gây bất lợi cho Trung Quốc. Đáng nói, diễn biến này đã làm trầm trọng thêm quan hệ lạnh nhạt giữa 2 quốc gia trong một năm trở lại đây.
Quan hệ tiếp đà “rơi tự do”
Suốt 12 tháng qua, quan hệ giữa Australia và Bắc Kinh được miêu tả đang “rơi tự do”, sau khi Canberra kêu gọi mở cuộc điều tra độc lập đối với nguồn gốc đại dịch Covid-19, được báo cáo xuất hiện đầu tiên tại TP Vũ Hán, Trung Quốc. Australia cũng là một trong những quốc gia phương Tây đầu tiên cấm Tập đoàn công nghệ Huawei của Trung Quốc tham gia cơ sở hạ tầng mạng 5G. Bắc Kinh sau đó đáp trả với một loạt biện pháp trả đũa thương mại, như áp thuế đối với lúa mạch và rượu vang của Australia, đồng thời cấm nhập khẩu than đá từ Xứ sở chuột túi.
"Chúng tôi không có ý định phá hoại mối quan hệ này, nhưng lại chứng kiến quá nhiều sự cố khiến lợi ích của Trung Quốc bị tổn hại suốt vài năm qua", Đại sứ Trung Quốc tại Australia Thành Cạnh Nghiệp nói hôm 21/4 - đúng vào ngày Australia thông báo hủy bỏ thỏa thuận BRI của bang Victoria. Khi được hỏi làm thế nào để có thể hàn gắn mối quan hệ của hai quốc gia, ông Thành Cạnh Nghiệp nói rằng Canberra cần “chấm dứt can thiệp vào công việc nội bộ của Bắc Kinh”, dừng phản đối các khoản đầu tư của Trung Quốc ở Australia, và không cản trở các chương trình trao đổi giữa nhân dân hai nước.
Cũng trong tháng 4 vừa qua, truyền thông Australia đã cảnh báo hiện tượng các cơ quan Chính phủ Trung Quốc trả tiền để học giả Australia nghiên cứu khoa học, mà sản phẩm sau đó thuộc quyền sở hữu trí tuệ của Bắc Kinh. Ngoại trưởng Australia Marise Payne sau đó cảnh báo Chính phủ nước này sẽ “sờ gáy” quan hệ hợp tác giữa các trường đại học Australia với các tổ chức do Chính phủ Trung Quốc tài trợ, trong khi tiếp tục rà soát các thỏa thuận khác có sự tham gia của chính phủ nước ngoài tại Australia.
Đầu tuần này, Australia tiếp tục cho biết nước này đang xem xét và có thể hủy bỏ hợp đồng thuê 99 năm gây tranh cãi của một công ty Trung Quốc với cảng Darwin. Darwin là hải cảng quan trọng nhất trên bờ biển phía Bắc của Australia, gần nhất với châu Á và là căn cứ cho lính thủy đánh bộ Mỹ luân chuyển trong và ngoài nước. Thông báo ngay lập tức vấp phải phản ứng dữ dội từ Trung Quốc, cũng được cho có thể đã phần nào thúc đẩy quyết định đình chỉ thỏa thuận kinh tế của Bắc Kinh.q

"Chúng tôi không có ý định phá hoại mối quan hệ này, nhưng lại chứng kiến quá nhiều sự cố khiến lợi ích của Trung Quốc bị tổn hại suốt những năm qua." - Đại sứ Trung Quốc tại Australia Thành Cạnh Nghiệp

Hương Thảo

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/quan-he-trung-quoc-australia-roi-tu-do-418421.html