Quan hệ Trung Quốc-Anh: Từ 'kỉ nguyên vàng' xuống 'đóng băng sâu'

Tại thời điểm Anh đang chuẩn bị xây dựng tương lai thời hậu Brexit, nhiều người cho rằng Anh ở vị thế yếu hơn khi 'từ bỏ' Trung Quốc, nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới.

Thủ tướng Anh David Cameron (phải) mời Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dùng bia tại một quán ở London khi lãnh đạo Trung Quốc thăm Anh tháng 10/2015. Ảnh: Getty Images

Thủ tướng Anh David Cameron (phải) mời Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dùng bia tại một quán ở London khi lãnh đạo Trung Quốc thăm Anh tháng 10/2015. Ảnh: Getty Images

Mùa thu năm 2015, trong chuyến công du tới Bắc Kinh để mở đường cho chuyến thăm cấp nhà nước của Chủ tịch Tập Cận Bình tới Anh vào tháng 10 sau đó, Bộ trưởng Tài chính Anh George Osborne ca ngợi và dự báo về “Kỉ nguyên vàng” trong quan hệ Trung Quốc-Anh.

Được hộ tống bởi một phái đoàn gồm nhiều lãnh đạo các tập đoàn hàng đầu tại Anh, ông Osborne có nhiệm vụ phải giành cho được phần thưởng là những bản cam kết đầu tư lớn từ Trung Quốc vào Anh, nhất là dự án đầu tư hạ tầng Northern Powerhouse nhằm làm sống lại khu vực công nghiệp cũ tại Anh và dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân mới. “Không một nền kinh tế nào ở phương Tây lại cở mở với đầu tư của Trung Quốc như tại Anh”, ông Osborne tuyên bố.

Đó là thời điểm mà Anh theo đuổi chính sách phù hợp với lợi ích của Bắc Kinh. Sáu tháng trước đó, bất chấp phản đối mạnh mẽ từ Mỹ, Anh là nước đầu tiên trong Nhóm G-7 gia nhập Ngân hàng đầu tư hạ tầng châu Á (AIIB), một thiết chế tài chính do Trung Quốc khởi xướng, làm đầu tàu, với ý định vươn lên thành đối thủ mới, cạnh tranh với Ngân hàng Thế giới (WB) do phương Tây kiểm soát.

Cũng trong mùa hè năm đó, khi căng thẳng ở Thái Bình Dương bùng phát, với việc Trung Quốc quân sự hóa, xây các đảo nhân tạo một cách trái phép ở Biển Đông, tấn công mạng, ghìm giá đồng Nhân dân tệ, chính quyền bảo thủ của Thủ tướng David Cameron vẫn “im lặng” một cách đáng ngạc nhiên. Tại Washington, vang lên tiếng nói phản ứng mạnh mẽ trước việc Anh nhất quyết xích lại gần Trung Quốc.

Năm năm sau, tầm nhìn tươi sáng mà ông Osborne đưa ra không còn gì nhiều. Bất chấp khó khăn tài chính, cú sốc chính trị liên quan đến Brexit, nhu cầu về mở rộng thương mại và đầu tư vẫn khẩn thiết như thời ông Osborne còn đương chức, chính quyền của Thủ tướng Boris Johnson lại đang theo đuổi quan điểm cứng rắn hơn với Trung Quốc.

Sau nhiều tháng đồn đoán và cũng có đôi chút áp lực từ các đồng minh, đứng đầu là Mỹ, chính quyền Anh ngày 14/7 đã ra quyết định cấm tập đoàn Huawei của Trung Quốc tham gia phát triển mạng di động 5G tại Anh vì những lý do an ninh.

Công chúng Anh ủng hộ mạnh mẽ cách tiếp cận này: Theo một cuộc điều tra dư luận gần đây, 83% người dân Anh khi được hỏi cho biết họ không tin tưởng vào Trung Quốc. Nhiều chính trị gia giờ tin rằng, dự án đầu tư nhà máy điện hạt nhân tại Anh cũng sẽ bị hủy.

Quan hệ song phương cũng chuyển sang chiều hướng lạnh giá hơn. Đại sứ Trung Quốc tại London Liu Xiaoming hồi tuần trước cảnh báo Anh sẽ phải “lãnh chịu hậu quả” nếu đối xử với Trung Quốc “như kẻ thù”. Thương mại giữa hai nước cũng sẽ chịu tác động một khi Huawei bị loại khỏi danh sách nhà cung cấp thiết bị tại Anh.

Cùng với đó là tranh cãi giữa hai nước liên quan đến Hong Kong (Trung Quốc), khi Bắc Kinh thông qua luật an ninh mới đối với vùng lãnh thổ từng là thuộc địa của Anh. Chính quyền Thủ tướng Johnson xem quyết định của Bắc Kinh là phá vỡ thỏa thuận “Một nước, hai chế độ” được thiết lập năm 1997 khi Anh trao trả Hong Kong cho Trung Quốc.

Đáp trả, London đề xuất kế hoạch mở một lộ trình mới cho phép 3 triệu người Hong Kong có hộ chiếu hải ngoại Anh (BNO) đến Anh - điều mà ông Liu Xiaoming coi là “xâm phạm nghiêm trọng vào công việc nội bộ của Trung Quốc”.

Anh không phải là nước duy nhất tìm cách điều chỉnh quan hệ với Trung Quốc. Cách tiếp cận ngày một hiếu chiến hơn của Bắc Kinh đối với nhiều vấn đề quốc tế khiến chính phủ nhiều nước trên thế giới “giật mình”, buộc họ phải đánh giá lại quan hệ với Bắc Kinh, từ Australia, Nhật Bản cho tới Đức…

Tranh cãi trong nội bộ Anh về “những di sản của Kỉ nguyên vàng”

Những người phản đối cho rằng điều chỉnh của ông Johnson gây khó khăn cho Anh. Không chỉ mất đi hy vọng về lợi ích tiềm tàng thu được từ quan hệ gần gũi với Trung Quốc như thời Thủ tướng David Cameron ấp ủ, nhiều người cho rằng Anh hiện ở thế yếu hơn khi làm căng trước nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới, tại thời điểm Brexit gần kề.

Theo Jim O’Neill, cựu Bộ trưởng Tài chính và là một trong những kiến trúc sư của Chiến lược Northern Powerhouse, việc “phân tách” với Trung Quốc dường như là tiến thoái lưỡng nan Anh tự tạo ra.

“Nếu nhìn về tương lai kinh tế Anh, sẽ phải tính đến việc đâu là điểm tiếp cận thích hợp. Sẽ không hề hợp lý nếu như Anh để bị Mỹ gây ảnh hưởng quá lớn, nhất là trong bối cảnh cạnh tranh Mỹ-Trung leo thang”, ông O’Neill bình luận.

Tập đoàn CGN của Trung Quốc từng hứa hẹn đầu tư vào dự án nhà máy điện hạt nhân Hinkley Point. Ảnh: EDF Energy

Từng đưa ra lời chào mời doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư vào các ngành kinh tế chiến lược, Anh hiện đối mặt với quyết định khó khăn trước việc “phân tách” ra sao và “phân tách” ở điểm nào trong quan hệ với Trung Quốc.

Vụ Huawei cho thấy Chính phủ Anh thiếu một chiến lược rõ ràng khi tìm kiếm đường lui. Loại Huawei, Anh chưa có một lựa chọn để thay thế về mặt công nghệ, chưa kể đến việc nước này đã sử dụng thiết bị của Huawei trong mạng 3G và 4G trước đây.

Hay như trong dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân. Trong tuyên bố chung được ký tại Bắc Kinh năm 2014, chính quyền Thủ tướng Cameron khẳng định chính sách “đầu vào tiến bộ”. Có nghĩa là nếu tập đoàn hạt nhân CGN của Trung Quốc giúp khôi phục dự án hạt nhân Hinkley Point, phát triển được công nghệ được giới quản lý, kiểm định tại Anh phê duyệt, CGN sẽ được tự ý xây dựng một nhà máy hạt nhân ở Anh.

CGN đang dần hoàn thiện, đáp ứng được những tiêu chí này. Anh có thể từ bỏ dự án nếu muốn. Nhưng khi Anh đã vạch ra con đường để đối tác Trung Quốc đi theo và giờ lại muốn chấm dứt, Bắc Kinh sẽ có dịp “tố” London hành xử không chân thành.

Những người ủng hộ cách tiếp cận “phân tách” của Anh trong quan hệ với Trung Quốc có những lý do riêng. Họ cho rằng những lợi ích mà Trung Quốc từng hứa hẹn 5 năm trước đây là ảo tưởng, khiến Anh phải trả giá từ việc bị đồng minh chê trách xem thường, cho đến an ninh bị đe dọa.

Họ lý giải, lợi ích mà chính quyền Cameron hy vọng có được là các khoản đầu tư chất lượng cao từ Trung Quốc cũng như việc Bắc Kinh mở cửa thị trường cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư Anh tiến vào thị trường rộng lớn. Nhưng những hy vọng đó lụi dần.

Từ năm 2010 đến nay, đăng ký đầu tư của Trung Quốc vào Anh đạt 114,4 tỉ USD. Nhưng 2/3 trong số này đổ vào đầu tư tài chính và các ngành công nghệ thấp như mua sắm bất động sản, vận tải hậu cần... Trong khi đó, dự án kỳ vọng về hệ thống kết nối sàn chứng khoán Trung Quốc - Anh gần như đóng băng.

“Người ta gọi đó là ‘kỉ nguyên vàng’. Nhưng tôi thì thích cách gọi ‘sai lầm vàng”, ông Charles Parton, nhà ngoài giao kỳ cựu Anh chuyên trách về Trung Quốc, Hong Kong và Đài Loan/Trung Quốc bình luận.

Quan điểm của Parton nhận được sự ủng hộ của Nigel Inkster, chuyên gia tại Viện Quốc tế Nghiên cứu Chiến lược (ISSI) có trụ sở ở London và là Phó Giám đốc Cơ quan tình báo Đối ngoại Anh (MI6). “Đã có sự hiểu lầm và nhiều suy tính mang tính mong đợi về bản chất của Trung Quốc”, ông Inkster nói.

Hoài Thanh/Báo Tin tức (FT)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/phan-tichnhan-dinh/quan-he-trung-quocanh-tu-ki-nguyen-vang-xuong-dong-bang-sau-20200716181744336.htm