Quan hệ trớ trêu

Không có gì lạ khi ông Manoj Tiwari, một chính trị gia xuất thân từ diễn viên, trình báo cảnh sát thủ đô New Delhi - Ấn Độ sau khi mất chiếc điện thoại iPhone 7 Plus vào tháng rồi.

Điều khiến người ta chú ý là ông Tiwari, Chủ tịch Đảng Nhân dân Ấn Độ (BJP) cầm quyền tại Delhi, bị mất điện thoại tại cuộc tuần hành phản đối hàng sản xuất tại Trung Quốc. Trớ trêu thay, điện thoại iPhone của hãng Apple (Mỹ) cũng được lắp ráp tại nền kinh tế đông dân nhất thế giới.

Một phong trào kêu gọi tẩy chay hàng Trung Quốc ở Ấn Độ đang thu hút sự quan tâm khoảng 1 năm trở lại đây sau khi Bắc Kinh thường xuyên ngăn chặn các biện pháp trừng phạt của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc nhằm vào một số phần tử khủng bố được Pakistan hậu thuẫn. Các thông điệp tẩy chay xuất hiện nhiều trên mạng xã hội WhatsApp vào giữa tháng 10, không lâu trước khi lễ hội Diwali diễn ra.

Ông Manoj Tiwari Ảnh: THE INDIAN EXPRESS

Diwali và nhiều lễ hội tôn giáo khác ở Ấn Độ là thời điểm nhu cầu đối với sản phẩm giá rẻ tăng cao và Trung Quốc là nguồn cung lớn nhất. Trong một số trường hợp, hàng Trung Quốc khiến không ít nhà sản xuất nhỏ ở Ấn Độ đóng cửa. Ngoài ra, những người phản đối còn chỉ ra nhiều sản phẩm Trung Quốc có chất lượng kém và không tốt cho sức khỏe.

Tuy nhiên, sẽ không công bằng nếu không nhìn nhận rằng Ấn Độ đã hưởng lợi từ sản phẩm viễn thông giá rẻ Trung Quốc trong hơn 10 năm qua. Với giới trẻ Ấn Độ, điện thoại di động không còn là hàng xa xỉ mà trở thành sản phẩm cần thiết - và Trung Quốc giúp đáp ứng nhu cầu này.

Hơn nữa, nếu các nhà sản xuất Ấn Độ không thể đáp ứng nhu cầu trong nước vì bất kỳ lý do gì, các công ty Trung Quốc không thể bị đổ lỗi vì lấp vào khoảng trống. Điều quan trọng là chính phủ và người tiêu dùng bảo đảm hàng Trung Quốc đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn về chất lượng và an toàn.

Jabin T Jacob, chuyên gia tại Viện Nghiên cứu Trung Quốc ở Delhi

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/quan-he-tro-treu-20171121211853442.htm