Quan hệ trắc trở

Anh chính thức chia tay và cắt đứt mọi ràng buộc thành viên với EU từ ngày 1-1-2021. Tuy nhiên, hai bên đang trải qua sự khởi đầu khó khăn trong mối quan hệ 'bình thường mới' sau Brexit và những tranh cãi, bất đồng liên quan đến hợp tác thương mại song phương vẫn chưa chấm dứt.

Anh chính thức chia tay và cắt đứt mọi ràng buộc thành viên với EU từ ngày 1-1-2021. Tuy nhiên, hai bên đang trải qua sự khởi đầu khó khăn trong mối quan hệ "bình thường mới" sau Brexit và những tranh cãi, bất đồng liên quan đến hợp tác thương mại song phương vẫn chưa chấm dứt.

Chính phủ Anh và EU đã ký thỏa thuận thương mại Brexit hồi cuối năm 2020 sau một thời gian dài đàm phán khó khăn. Sau thỏa thuận này, dù hai bên đã "đường ai nấy đi", nhưng những bất đồng, vướng mắc vẫn tồn tại khiến quan hệ song phương còn trắc trở, trong khi kim ngạch thương mại song phương sa sút và các nhà xuất khẩu của Anh than phiền gặp quá nhiều khó khăn so với trước.

Hiện tại, các vấn đề "lịch sử để lại" vẫn khiến quan hệ Anh - EU trở nên căng thẳng. Cuối tuần qua, Ủy ban châu Âu (EC) tuyên bố sẽ tiếp tục gia tăng áp lực nhằm buộc Anh thu 100 triệu ơ-rô (khoảng 119 triệu USD) tiền miễn thuế cho các doanh nghiệp đa quốc gia hoạt động tại vùng lãnh thổ Gi-bran-ta trong khoảng thời gian "xứ sở sương mù" vẫn còn là thành viên của "mái nhà chung châu Âu". EC cho biết đã đưa vấn đề này ra Tòa án Công lý châu Âu vì phía Anh không thực hiện việc truy thu số tiền này. EU cho rằng hành động của Luân Ðôn trong vấn đề này là "hỗ trợ nhà nước bất hợp pháp". Bởi việc Anh hỗ trợ các công ty đa quốc gia tại vùng lãnh thổ hải ngoại Gi-bran-ta dưới dạng miễn thuế đã mang lại những lợi thế không công bằng cho một số công ty. Theo EU, điều này đã phá vỡ các quy định của EU về hỗ trợ của nhà nước cho doanh nghiệp.

Trước đó, EU cũng cảnh báo sẽ có hành động pháp lý sau khi Chính phủ Anh đơn phương kéo dài thời gian miễn kiểm tra hải quan đối với thực phẩm được chuyển tới vùng lãnh thổ Bắc Ai-len. EU chỉ trích rằng, hành động của Anh đã đe dọa phá vỡ các điều khoản của "thỏa thuận rút lui" Brexit và "không giúp xây dựng lòng tin". Ðể phản đối Luân Ðôn, Nghị viện châu Âu từ chối ấn định thời điểm cụ thể để bỏ phiếu cho thỏa thuận thương mại Anh - EU hậu Brexit. Về phía Anh, Bộ trưởng Ngoại giao Anh Ð.Ra-áp cho biết, Luân Ðôn cam kết giải quyết một cách thiết thực các vấn đề thương mại của Bắc Ai-len với phía EU thông qua Ủy ban hỗn hợp. Tuy nhiên, sau đó ông Ð.Ra-áp khẳng định, hành động của Anh là hợp pháp nhằm bảo đảm rằng cam kết bảo vệ sự toàn vẹn của thương mại trong thị trường nội địa được tuân thủ đúng đắn. Ông kêu gọi tất cả các bên thực hiện cam kết này.

Trong khi Chính phủ Anh và các nhà lãnh đạo EU bất đồng về các vấn đề thương mại song phương, các doanh nghiệp của hai bên cũng đang gặp khó trong việc tiếp cận thị trường của nhau và kim ngạch thương mại song phương đã giảm đáng kể. Sau tháng đầu tiên Anh rời thị trường chung châu Âu sau 47 năm là thành viên của khối, Cơ quan thống kê của EU Eurostat cho biết, xuất khẩu từ châu Âu sang Anh đã giảm 27,4% trong tháng 1 năm nay so với cùng kỳ năm 2020, xuống còn 18 tỷ ơ-rô. Về phía Luân Ðôn, Chính phủ Anh chỉ ra rằng tình trạng sụt giảm kim ngạch thương mại chủ yếu là do đại dịch Covid-19 và hậu quả của việc Anh rời thị trường chung châu Âu từ ngày 1-1 vừa qua.

Những bất đồng và khó khăn trong quan hệ thương mại song phương Anh - EU nêu trên cho thấy, các thỏa thuận liên quan đến Brexit mà hai bên ký vừa qua vẫn chưa đủ để bảo đảm hai bên thực hiện chia tay êm đẹp. Tác động của Brexit với cả Anh và EU sẽ còn kéo dài và tác động tiêu cực đến người dân, doanh nghiệp của cả hai bên. Trong bối cảnh kinh tế Anh và EU đều bị tàn phá nặng nề bởi đại dịch Covid-19 như hiện nay, việc hai bên sớm đàm phán, thỏa thuận để giải quyết dứt điểm những bất đồng thương mại nêu trên có ý nghĩa quan trọng giúp các nền kinh tế khu vực sớm lấy lại đà phục hồi tăng trưởng. Ðồng thời, sớm đưa quan hệ Anh - EU vào quỹ đạo ổn định, phát triển.

Lĩnh Nam

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/binh-luan-quoc-te/quan-he-trac-tro-639271/