Quan hệ thương mại băng giá Mỹ - Ấn

Dù Tổng thống Mỹ Donald Trump dự kiến thăm Ấn Độ vào tuần cuối của tháng này, quan hệ thương mại giữa hai nước vẫn đang trong tình trạng đóng băng.

Các doanh nghiệp Ấn Độ đang chịu sức ép do cạnh tranh từ các nước sản xuất với chi phí thấpảnh: pressroom.today

Các doanh nghiệp Ấn Độ đang chịu sức ép do cạnh tranh từ các nước sản xuất với chi phí thấpảnh: pressroom.today

Hy vọng của Ấn Độ trong việc được đưa trở lại danh sách các nước trong Chương trình ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP) của Mỹ đã chấm dứt. Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ đã xếp Ấn Độ vào danh sách nền kinh tế phát triển, do vậy không được hưởng các ưu đãi mà Washington dành cho các quốc gia đang phát triển. Chương trình ưu đãi này được áp dụng đối với gần 2.000 dòng sản phẩm, bao gồm linh kiện ô tô và dệt may.

Khi còn được hưởng ưu đãi, các nhà xuất khẩu Ấn Độ được miễn thuế khi xuất khẩu hàng qua Mỹ. Asia Times dẫn tài liệu của quốc hội Mỹ nói Ấn Độ là nước hưởng lợi nhiều nhất của chương trình GSP trong năm 2017 với số hàng hóa trị giá 5,7 tỷ USD xuất qua Mỹ được miễn thuế.

Các nước được chọn áp dụng GSP nếu có GDP tính trên đầu người dưới 12.375 USD/năm và thị phần thương mại thế giới chưa đến 0,5%. Phía Mỹ chỉ ra rằng Ấn Độ đã vượt qua tỷ lệ thị phần này từ nhiều năm trước. Thị phần của Ấn Độ, theo phía Mỹ, là 2,1% xuất khẩu và 2,6% nhập khẩu.

Đại diện Thương mại Mỹ cũng cho rằng Ấn Độ, cùng các nước như Argentina, Brazil, Indonesia và Nam Phi, là một phần của khối G-20, nên có thể được xếp vào hàng các nước phát triển, cho dù GDP đầu người của Ấn Độ vẫn chưa vượt qua 12.375 USD, theo số liệu của Ngân hàng Thế giới.

Năm 2018, Mỹ xem xét liệu Ấn Độ có còn phù hợp với các điều khoản của chương trình GSP hay không. Tháng 6/2019, chính phủ Mỹ chấm dứt chương trình ưu đãi thương mại đối với Ấn Độ. Phía Mỹ cho rằng Ấn Độ không trưng ra được bằng chứng cho thấy họ phụ hợp với chương trình GSP và còn tạo ra một số rào cản tác động xấu đối với thương mại Mỹ.

Lúc đó, ông Trump đã nhận xét rằng thuế suất cao mà chính phủ Ấn Độ áp vào dòng mô tô Harley Davidson biểu tượng của Mỹ là “không thể chấp nhận được”. Tới tháng 11/2019, ông ký lệnh chấm dứt cơ chế miễn thuế đối với 50 mặt hàng Ấn Độ.

Trong khi bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ Piyush Goyal tỏ ra coi nhẹ tầm quan trọng trong động thái của phía Mỹ khi nói rằng Ấn Độ không cần phải nhượng bộ trong thương mại và cần tự mình trở nên cạnh tranh hơn, bộ Thương mại Ấn Độ tiếp tục các cuộc đàm phán với Mỹ.

Mặt khác, các thương nhân nói xuất khẩu của Ấn Độ đã và đang chịu sức ép do cạnh tranh từ các nước sản xuất với chi phí thấp ngày càng tăng, và mất cơ chế GSP là tự tay dâng thị phần cho người khác.

Mặc dù trong giai đoạn 2018-2019, Ấn Độ có số hàng hóa trị giá 6,35 tỷ USD được đưa trở lại GSP, đó chỉ là phần nhỏ trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Ấn Độ vào Mỹ ở mức 51,4 tỷ USD.

Vì vậy, chuyến thăm của ông Trump tới Ấn Độ chắc chắn được giới doanh nghiệp nước này mong chờ và một trong các vấn đề được đưa ra bàn thảo chắc chắn là cơ chế GSP.

Anh Minh

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/the-gioi/quan-he-thuong-mai-bang-gia-my-an-1519289.tpo