Quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ - EU: bão đã tan?

Cuộc gặp giữa lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ và châu Âu với mong muốn khai thông những khúc mắc tồn tại bấy lâu giữa hai bên nhưng kết quả không được như kỳ vọng, chặng đường đến với 'lục địa già' của Thổ Nhĩ Kỳ chắc sẽ còn rất xa...

22 năm xin gia nhập EU

Xin gia nhập Liên minh châu Âu (EU) từ năm 1999, đến nay kết quả đạt được vẫn là con số 0 tròn trĩnh, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn chưa trở thành thành viên chính thức của EU. Kể từ năm 2018, các cuộc đàm phán về việc gia nhập EU của Thổ Nhĩ Kỳ đã bị đóng băng do hàng loạt những bất đồng. Từ vấn đề đảo Cyprus, rút quân khỏi Lybia đến nhiều vấn đề nội tại của Thổ Nhĩ Kỳ đều không nhận được sự đồng tình của EU. Gần đây nhất là bất đồng về hoạt động thăm dò dầu khí của Ankara ở phía Đông Địa Trung Hải, đặc biệt là vấn đề người tị nạn...

Thổ Nhĩ Kỳ là nơi sinh sống của khoảng 4 triệu người tị nạn Syria và nhiều nơi khác trên thế giới, những người có mong muốn bước chân lên đất châu Âu qua biên giới trên biển với Hy Lạp và Bulgaria. Năm 2016, EU đã đồng ý trả cho Thổ Nhĩ Kỳ 6 tỷ euro để ngăn dòng người tị nạn từ Thổ Nhĩ Kỳ vượt biên sang Hy Lạp. Đến nay, đã qua 5 năm, số tiền đã cạn nhưng hàng triệu người tị nạn vẫn lưu lại Thổ Nhĩ Kỳ chờ cơ hội để sang châu Âu. Thường thì mỗi khi đàm phán giữa Thổ Nhĩ Kỳ và EU thất bại, Ankara lại dùng “con bài” người tị nạn để đe dọa châu Âu. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ hết lần này đến lần khác tuyên bố sẵn sàng “chơi rắn”, thậm chí khuyến khích người tị nạn tiếp cận EU thông qua Hy Lạp.

Năm ngoái, Ankara khiến CH Cyprus, Hy Lạp phẫn nộ vì hoạt động khoan dầu ở phía Đông Địa Trung Hải - trong các vùng biển của thành viên EU - gây ra lo ngại về một cuộc đối đầu quân sự giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp. Tuy nhiên căng thẳng giữa hai bên đã được hóa giải khi EU không trừng phạt mà còn đưa ra nhiều đề nghị ưu đãi với Thổ Nhĩ Kỳ, như thảo luận về việc mở rộng liên minh thuế quan với EU và tạo điều kiện cấp thị thực cho công dân Thổ Nhĩ Kỳ.

Đầu năm nay, Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục đe dọa rút ra khỏi Công ước Istanbul về chống bạo lực đối với phụ nữ. Người đứng đầu chính sách đối ngoại của EU, Josep Borrell cho rằng Ankara không chỉ “gửi một thông điệp nguy hiểm” mà với liên tiếp các hành động thay đổi chính sách của Thổ Nhĩ Kỳ còn làm chậm con đường tới châu Âu của họ.

Thổ Nhĩ Kỳ chưa thể trở thành một mảnh ghép của EU.

Thổ Nhĩ Kỳ chưa thể trở thành một mảnh ghép của EU.

Động thái tích cực?

Việc hai nhà lãnh đạo hàng đầu của Liên minh châu Âu tới Thổ Nhĩ Kỳ đầu tháng 4 này là dấu hiệu mới nhất cho thấy, EU mong muốn cải thiện quan hệ song phương với Thổ Nhĩ Kỳ như thế nào. Kỳ vọng nhiều, nhưng kết quả không được bao nhiêu.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen nhấn mạnh sau cuộc họp rằng: “Thổ Nhĩ Kỳ cần tôn trọng các quy định và tiêu chuẩn quyền con người theo cách mà nước này cần thực hiện để trở thành thành viên của Hội đồng châu Âu”. Hồi cuối tháng 3/2021, EU và Thổ Nhĩ Kỳ đã thống nhất giảm leo thang căng thẳng, Thổ Nhĩ Kỳ phải giải quyết tranh chấp với Hy Lạp và Cyprus, rút khỏi Libya và có giải pháp thỏa đáng cho vấn đề trong nước, nếu không EU sẽ áp dụng các biện pháp trừng phạt.

Cam kết là vậy nhưng để hiện thực hóa nó là vấn đề không dễ dàng, không thể giải quyết “một sớm một chiều”. Bởi tranh chấp trên biển gắn với lợi ích quốc gia của Thổ Nhĩ Kỳ, vấn đề Lybia nằm trong chiến lược mở rộng ảnh hưởng của Ankara ở Trung Đông và Bắc Phi... Bên cạnh đó, châu Âu chưa có tiếng nói chung trong quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ.

Điều mà đa số các thành viên EU lo ngại nhất là Thổ Nhĩ Kỳ có thể sử dụng “vũ khí” quan trọng nhất gây sức ép lên EU, là mở cửa “xả lũ” dòng người di cư tràn vào châu Âu. Quan hệ EU - Thổ Nhĩ Kỳ đã trải qua nhiều sóng gió, có lúc tưởng chừng như phải đối mặt với một cơn bão mạnh, nhưng đến thời điểm này, bão đã tan, EU và Thổ Nhĩ Kỳ đang nỗ lực khôi phục quan hệ. Thổ Nhĩ Kỳ cũng đang hướng tới mục tiêu để trở thành thành viên của EU cho dù đường đi rất khó khăn, trắc trở...

Nguyễn Trần

((theo Euronews, Reuters))

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/quan-he-tho-nhi-ky-eu-bao-da-tan-n189812.html