Quan hệ Nhật-Triều bên bờ vực thẳm

Triều Tiên cáo buộc Nhật Bản phá hoại các nỗ lực hòa bình trên bán đảo Triều Tiên 'bằng mọi giá'. Căng thẳng leo thang giữa Bình Nhưỡng và Tokyo đe dọa những tiến bộ mà Washington và khu vực đang thực hiện nhằm thuyết phục Triều Tiên từ bỏ tham vọng hạt nhân để đổi lấy các biện pháp hỗ trợ kinh tế và ngoại giao.

Triều Tiên cáo buộc Nhật Bản phá hoại các nỗ lực hòa bình trên bán đảo Triều Tiên "bằng mọi giá". Căng thẳng leo thang giữa Bình Nhưỡng và Tokyo đe dọa những tiến bộ mà Washington và khu vực đang thực hiện nhằm thuyết phục Triều Tiên từ bỏ tham vọng hạt nhân để đổi lấy các biện pháp hỗ trợ kinh tế và ngoại giao.

Thủ tướng Abe (phải) gặp nhóm đại diện gia đình của những người Nhật bị Triều Tiên bắt cóc. Ảnh: Kyodo

Thủ tướng Abe (phải) gặp nhóm đại diện gia đình của những người Nhật bị Triều Tiên bắt cóc. Ảnh: Kyodo

Công kích nhau

Không một ngày nào mà các phương tiện truyền thông nhà nước của Triều Tiên không lên án Nhật Bản, trong khi các nhà lãnh đạo Nhật Bản luôn nỗ lực ngăn chặn các hành động từ Washington, vốn có thể gây tổn thất cho Tokyo.

Trong động thái mới nhất chỉ trích Tokyo, phương tiện truyền thông nhà nước Triều Tiên ngày 27-8 tuyên bố, Nhật đã tham gia vào các cuộc tập trận hải quân với lực lượng Anh để giám sát việc vận chuyển hàng hóa đến Triều Tiên "dưới cái cớ của việc tăng cường khả năng theo dõi các vùng biển xung quanh Nhật Bản". "Đây là hành động làm tổn hại đến không khí hòa bình được tạo ra trên bán đảo Triều Tiên bằng mọi giá và tăng cường sức ép trong khu vực", KCNA nhận định.

Hôm 23-8, phái bộ Triều Tiên tại LHQ ban hành một tuyên bố về "108 năm kể từ khi các băng đảng Nhật Bản "nấu chín" Hiệp ước Triều-Nhật". Mô tả hiệp ước này được sử dụng như một "tài liệu bất hợp pháp để xâm lược", tuyên bố cho rằng, Tokyo đã không nhận lỗi các hành động chiến tranh trước đây. "Nhật Bản, quá nóng vội với sự điên cuồng của chủ nghĩa quân phiệt, phải nhận thức sâu sắc rằng sẽ không bao giờ có thể đi đến tương lai với một quá khứ đầy tội ác", tuyên bố cho biết. "Vào thời điểm khi xu hướng hòa bình mới được tạo ra trên bán đảo Triều Tiên có tác động lớn đến tình hình chính trị thế giới, và chứng kiến sự thay đổi mạnh mẽ trong các mối quan hệ trong khu vực, chỉ có Nhật Bản đối xử như một kẻ bị ruồng bỏ", tuyên bố nhận xét.

Tuyên bố này chắc chắn khiến Thủ tướng Shinzo Abe tức giận. Thật vậy, như Triều Tiên chỉ ra, hầu hết cộng đồng quốc tế đã thay đổi thái độ, từ việc xem Bình Nhưỡng như một mối đe dọa không thể kiểm soát đến việc trở thành một nước có thể hòa nhập với thế giới. Nhật Bản thì ngoại lệ, luôn thúc giục thế giới và Tổng thống Mỹ Donald Trump không nên tin tưởng nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.

Ông Abe đã gặp ông Trump tại Nhà Trắng, tại Mar-a-Lago ở Florida, tại Hội nghị thượng đỉnh G7, cũng như ở Nhật Bản, tất cả chỉ để thuyết phục Tổng thống Mỹ đặt các lợi ích của Tokyo lên trên hết trong các cuộc đàm phán với Triều Tiên.

Quá nhiều mối lo

Cùng với mối đe dọa hạt nhân mà Bình Nhưỡng đặt ra cho khu vực và lục địa Mỹ, Nhật Bản vẫn luôn cảnh giác về việc Triều Tiên sử dụng tên lửa đạn đạo tầm ngắn.

Trong Sách Trắng thường niên được Bộ Quốc phòng Nhật Bản công bố ngày 28-8, Tokyo đánh giá Bình Nhưỡng vẫn gây ra mối đe dọa nghiêm trọng cho an ninh nước này, bất chấp việc nước này đã ngừng các vụ thử tên lửa đạn đạo cũng như cam kết của nhà lãnh đạo Kim Jong-un phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Sách Trắng nêu rõ: "Các hoạt động quân sự của Triều Tiên gây ra mối đe dọa nghiêm trọng và cấp thiết nhất cho đất nước của chúng ta".

Thủ tướng Abe cũng tuyên bố sẽ không thay đổi quan điểm quân sự đối với Triều Tiên, cho đến khi Tokyo nhìn thấy các bước đi cụ thể, không thể đảo ngược và có thể xác minh hướng tới mục tiêu giải trừ hạt nhân. Theo tài liệu này, Triều Tiên đã 3 lần thử hạt nhân và phóng thử 40 tên lửa đạn đạo kể từ đầu năm 2016, một trong số đó đã bay qua vùng trời Nhật Bản.

"Ông Abe thực sự đang cố gắng và hy vọng không bị gạt ra ngoài bất kể chuyện gì xảy ra giữa ông Kim Jong-un và ông Donald Trump", Koichi Nakano, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Sophia ở Nhật Bản cho biết. Mối nguy hiểm đó giải thích về động thái ngoại giao của ông Abe, hàng chục cuộc điện thoại với Tổng thống Trump và ít nhất 8 cuộc gặp mặt trực tiếp kể từ khi ông Trump lên nắm quyền.

Quá khứ phân chia sâu sắc

Ông Abe cũng luôn nhắc ông Trump về số phận các công dân Nhật Bản bị Triều Tiên bắt cóc sau khi kết thúc chiến tranh năm 1953. Ở trong nước, ông Abe sử dụng sức mạnh của các phương tiện truyền thông để đảm bảo việc tuyên truyền cho người dân rằng, Triều Tiên luôn là kẻ thù của Nhật Bản.

Trong khi đó, Triều Tiên luôn bất bình với Nhật Bản với việc "phụ nữ mua vui" bị bắt phục vụ tình dục cho binh sĩ Nhật trong Thế chiến II, vấn đề mà người Triều Tiên đã thực hiện nhiều cuộc biểu tình công khai nhưng Tokyo không thừa nhận. Nhật Bản bày tỏ "lời xin lỗi chân thành và hối hận" và đã mở một quỹ để đền bù cho các nạn nhân ở Hàn Quốc, Philippines và Đài Loan. Nhưng không có thỏa thuận cụ thể nào được đàm phán với Triều Tiên. "Hai bên xa nhau đến mức khó có thể thấy chính phủ Nhật Bản sẵn sàng tham gia vấn đề này. Vấn đề "phụ nữ mua vui" là trở ngại lớn nhất đối với mối quan hệ Nhật-Triều", Koichi Nakano nhận định.

Những xích mích trong quá khứ là một trong nhiều vấn đề có thể cản trở những tiến bộ về mặt ngoại giao với Triều Tiên. Thật vậy, Tổng thống Mỹ Donald Trump bất ngờ hủy chuyến thăm lần thứ 4 được lên kế hoạch từ trước của Ngoại trưởng Mike Pompeo tới Bình Nhưỡng trong tuần này, như một phần trong nỗ lực nhằm buộc Triều Tiên từ bỏ vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo, sau cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử Mỹ-Triều ở Singapore hồi tháng 6 vừa qua.

AN BÌNH

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/91_194478_quan-he-nhat-trieu-ben-bo-vuc-tham.aspx