Quan hệ Nhật-Hàn chạm đáy khi Hàn Quốc rút khỏi Hiệp ước GSOMIA?

Việc Hàn Quốc rút khỏi GSOMIA liệu có khiến quan hệ Nhật-Hàn chạm đáy khi những căng thẳng đã lan sang các vấn đề an ninh quốc gia nhạy cảm?

Ngày 22/8, Hàn Quốc đã công bố quyết định rút khỏi Hiệp ước Chia sẻ thông tin tình báo quân sự với Nhật Bản (GSOMIA), với viện dẫn có “sự thay đổi lớn” về các điều kiện an ninh do những biện pháp hạn chế xuất khẩu của Nhật Bản.

Theo đó, phủ Tổng thống Hàn Quốc cho rằng, hoạt động trao đổi thông tin tình báo quân sự với Nhật Bản không đáp ứng “các lợi ích quốc gia” của nước này. Hàn Quốc có kế hoạch thông báo với phía Nhật Bản về quyết định rút khỏi Hiệp ước Chia sẻ thông tin tình báo quân sự với Nhật Bản trước thời hạn chót vào ngày 24/8 thông qua một kênh ngoại giao.

Căng thẳng Nhật-Hàn đã lan sang các vấn đề an ninh quốc gia nhạy cảm. Ảnh: Nikkei Asian Review

Căng thẳng Nhật-Hàn đã lan sang các vấn đề an ninh quốc gia nhạy cảm. Ảnh: Nikkei Asian Review

Phát biểu trước báo giới, ông Kim You-geun, Phó Giám đốc Văn phòng An ninh quốc gia thuộc Phủ Tổng thống Hàn Quốc cho biết: “Chính phủ Hàn Quốc đã quyết định chấm dứt Hiệp ước Chia sẻ thông tin tình báo quân sự với Nhật Bản. Chúng tôi sẽ thông báo với chính phủ Nhật Bản thông qua kênh ngoại giao trong thời gian gia hạn theo quy định của thỏa thuận. Nhật Bản đã tạo ra một sự thay đổi nghiêm trọng trong môi trường hợp tác an ninh song phương. Trong tình huống này, chúng tôi đã xác định rằng nó sẽ không phục vụ lợi ích quốc gia của chúng tôi để duy trì thỏa thuận mà chúng tôi đã ký với mục đích trao đổi thông tin quân sự và an ninh nhạy cảm”.

Trong khi đó, ngay sau khi Hàn Quốc quyết định rút khỏi Hiệp ước Chia sẻ thông tin tình báo quân sự, cùng ngày, Bộ Ngoại giao Nhật Bản đã triệu Đại sứ Hàn Quốc tại Tokyo Nam Gwan Pyo nhằm phản đối Hàn Quốc.

Phát biểu với báo giới, Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Kono cho rằng, quyết định của Hàn Quốc là “hoàn toàn sai lầm” và “cực kỳ đáng tiếc”; đồng thời khẳng định, động thái trên của Hàn Quốc cho thấy “hoàn toàn hiểu sai tình hình an ninh tại Đông Bắc Á trong bối cảnh Triều Tiên gần đây liên tiếp phóng thử tên lửa”.

Một quan chức cấp cao của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (SDF) cũng nhấn mạnh, quyết định của Hàn Quốc sẽ không gây ra hậu quả nghiêm trọng, bao gồm cả việc ứng phó với các vụ phóng thử tên lửa của Triều Tiên, do Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (SDF) có hệ thống chia sẻ thông tin vững chắc với quân đội Mỹ. Tuy nhiên, việc Hàn Quốc rút khỏi Hiệp ước chắc chắn sẽ tác động tiêu cực tới việc trao đổi và liên lạc giữa Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (SDF) và quân đội Hàn Quốc.

Đối với Mỹ, việc Hàn Quốc chấm dứt tham gia Hiệp ước Chia sẻ thông tin tình báo quân sự (GSOMIA) cũng khiến Mỹ quan ngại, bởi Mỹ rất muốn tăng cường hợp tác với hai đồng minh Đông Bắc Á để thúc đẩy sự ổn định trong khu vực trong bối cảnh mối đe dọa tên lửa từ Triều Tiên vẫn chưa chấm dứt. Hiệp ước Chia sẻ thông tin tình báo quân sự (GSOMIA) được coi biểu tượng hiếm hoi của niềm tin giữa Hàn Quốc và Nhật Bản, đồng thời cũng là nền tảng chính cho hợp tác an ninh ba bên Mỹ - Nhật - Hàn.

Trong một phát biểu, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ, Trung tá Dave Eastburn đã kêu gọi Nhật - Hàn phối hợp với nhau giải quyết bất đồng, đồng thời nhấn mạnh, khu vực Đông Bắc Á được an toàn, khi Mỹ - Nhật - Hàn phối hợp trong đoàn kết và hữu nghị. Chia sẻ thông tin tình báo là chìa khóa để phát triển chính sách và chiến lược phòng thủ chung./.

Ngọc Huân/VOV1
Tổng hợp

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/quan-he-nhathan-cham-day-khi-han-quoc-rut-khoi-hiep-uoc-gsomia-947664.vov