Quan hệ Nhật Bản – Hàn Quốc: Xuân về, hoa có nở?

Mùa xuân thường biểu trưng cho sự khởi đầu, ấm áp và tươi mới, song điều này dường như chưa đúng với quan hệ Nhật Bản – Hàn Quốc, vốn 'nguội lạnh' chưa từng thấy kể từ khi bình thường hóa quan hệ năm 1965.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in có nhiều cơ hội để cải thiện quan hệ. (Nguồn: Reuters)

Sóng ngầm trong quan hệ Nhật Bản – Hàn Quốc đã tạm lắng với nhiều dấu hiệu tích cực giữa hai nước láng giềng Đông Bắc Á. Dù vậy, giới quan sát vẫn tỏ ra không mấy lạc quan khi Tokyo và Seoul sẽ phải đối mặt với nhiều sự kiện “ngáng đường” quan hệ song phương trong tháng Hai và tháng Ba tới.

Chung tay sưởi ấm

Sau thời gian dài rạn nứt do những tranh chấp về lịch sử, lãnh thổ và gần đây là kinh tế, sóng ngầm trong quan hệ Nhật Bản – Hàn Quốc được cho là đã qua đi. Riêng hai tháng cuối năm 2019, giới học giả cho rằng, quan hệ Tokyo – Seoul đã “trong tầm kiểm soát” với bốn chỉ dấu cụ thể.

Đầu tiên, tháng 11/2019, Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc tuyên bố tiếp tục duy trì Hiệp đinh Đảm bảo Thông tin Quân sự chung (GSOMIA), chỉ vài giờ trước khi thỏa thuận này chính thức hết hạn. Theo Nikkei Asian Review, GSOMIA được “giải cứu vào phút chót” là một bước đi quan trọng, không chỉ giúp cứu vãn quan hệ giữa hai đồng minh châu Á thân cận của Mỹ, mà còn củng cố tình hình an ninh trên Bán đảo Triều Tiên.

Thứ hai, Tokyo và Seoul được đánh giá là đã xích lại gần nhau hơn nữa khi tháng 12/2019, bên lề Thượng đỉnh ba bên Trung–Nhật–Hàn tại Thành Đô (Trung Quốc), Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã hội đàm chính thức lần đầu tiên sau 15 tháng. Hai bên đã thảo luận biện pháp thúc đẩy “hợp tác thực chất”, trong bối cảnh Tokyo và Seoul mong muốn cải thiện quan hệ song phương trên bờ vực đổ vỡ.

Thứ ba, Nhật Bản và Hàn Quốc đã nối lại đối thoại chính sách liên chính phủ liên quan đến kiểm soát xuất khẩu, từng bị gián đoạn hơn ba năm rưỡi. Động thái trên diễn ra sau khi Seoul quyết định chấm dứt Hiệp đinh GSOMIA nhằm đáp trả biện pháp kiểm soát chặt chẽ của Nhật Bản với hàng hóa xuất khẩu sang Hàn Quốc.

Thứ tư, Tòa án tối cao Hàn Quốc tháng 12/2019 cũng bác đơn kháng cáo của một nhóm “phụ nữ mua vui” thời chiến – những người giữ quan điểm cho rằng, thỏa thuận song phương năm 2015 là vi hiến. Trong thỏa thuận, Chính phủ Nhật Bản và Hàn Quốc đã xác nhận nghị quyết “cuối cùng” và “không thể đảo ngược” với vấn đề lao động cưỡng bức thời chiến, một trong nhiều tranh chấp lịch sử đã tạo ra căng thẳng giữa cường quốc châu Á.

Dù chưa nhiều, song bốn chỉ dấu này đã thể hiện nỗ lực hàn gắn đáng ghi nhận của cả Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in.

Ngày 14/1, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã kiềm chế chỉ trích Nhật Bản tại cuộc họp báo nhân dịp năm mới 2020. Về phần mình, tại buổi khai mạc kỳ họp nội các thường kỳ của Chính phủ Nhật Bản ngày 20/1, Thủ tướng Shinzo Abe đã lần đầu tiên đề cập tới quan hệ Tokyo – Seoul. “Hàn Quốc là quốc gia láng giềng quan trọng nhất, về bản chất chia sẻ những giá trị cơ bản và lợi ích chiến lược với Nhật Bản”, ông Abe nói.

Trang Nikkei Asian Review nhận định, việc người đứng đầu Chính phủ Nhật Bản sử dụng từ “về bản chất” trong bài phát biểu một mặt đã phản ánh sự ngờ vực sâu xa của nhà lãnh đạo 65 tuổi với Hàn Quốc, mặt khác thể hiện nỗ lực nhằm ngăn quan hệ song phương xấu đi.

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in (thứ hai từ trái sang) và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe (thứ hai từ phải sang) hội đàm chính thức ngày 24/12/2019 tại Thành Đô (Trung Quốc).

Đợi ngày băng tan

Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng, thiện chí chớm nở của đôi bên sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức, khi ba sự kiện nhạy cảm trong quan hệ Tokyo – Seoul sẽ liên tiếp diễn ra trong tháng Hai và tháng Ba.

Thứ nhất, sự kiện “Ngày Takeshima” sẽ được tổ chức tại tỉnh Shimane của Nhật Bản vào ngày 22/2 nhằm củng cố tuyên bố chủ quyền của xứ sở mặt trời mọc với nhóm đảo tranh chấp Takeshima mà Hàn Quốc gọi là Dokdo.

Thứ hai, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in sẽ phát biểu tại Lễ kỷ niệm 101 năm Phong trào Độc lập ngày 1/3. Đây là hoạt động kỷ niệm cuộc nổi dậy năm 1919 chống lại sự đô hộ của thực dân Nhật Bản trên Bán đảo Triều Tiên.

Thứ ba, kết quả kiểm nghiệm sách giáo khoa Trung học cơ sở của Nhật Bản sẽ được công bố vào tháng Năm tới. Với nội dung liên quan đến tranh chấp về nhóm đảo Takeshima/Dokdo, bộ sách đã bị Hàn Quốc phản đối mạnh mẽ.

Trước thềm Olympic 2020 và Paralympic 2020, Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ có cơ hội đẩy lùi sự khác biệt. (Nguồn: Kai Fujii)

Tranh chấp về chủ quyền, mâu thuẫn trong lịch sử, cùng đòn trả đũa kinh tế liên tiếp đã trở thành “hòn đá tảng” cản trở sự phát triển của quan hệ Nhật – Hàn.

Trong bối cảnh Hàn Quốc sẽ tiến hành bầu cử Quốc hội ngày 15/4, Nhật Bản rộ tin đồn giải thể Hạ viện và Thủ tướng Shinzo Abe rút lui sau Olympic 2020 và Paralympic 2020, tương lai cho quan hệ Tokyo – Seoul vẫn bấp bênh hơn bao giờ hết.

Dù vậy, cộng đồng quốc tế vẫn kỳ vọng, hai nền kinh tế lớn này có thể phá thế bế tắc, bắt tay giải quyết mâu thuẫn riêng, vấn đề chung của khu vực và thế giới. Đông tàn, Xuân sang, hoa anh đào sắp chớm nở, nhưng quan hệ Nhật Bản – Hàn Quốc có lẽ cần nhiều hơn một khoảng lặng để trở lại rực rỡ như thuở nào.

Trà Ly

Trà Ly

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/quan-he-nhat-ban-han-quoc-xuan-ve-hoa-co-no-109261.html