Quan hệ nhân - quả giữa ô nhiễm không khí và nguy cơ chết sớm

Ô nhiễm không khí được biết là một yếu tố có thể làm giảm tuổi thọ con người. Và nghiên cứu mới đăng trên Tạp chí Tiến bộ Khoa học vừa cung cấp thêm bằng chứng về mối quan hệ nhân - quả giữa hít thở không khí ô nhiễm và gia tăng nguy cơ tử vong sớm.

Ô nhiễm không khí là một “thủ phạm” khiến con người giảm tuổi thọ. Ảnh: AP

Ô nhiễm không khí là một “thủ phạm” khiến con người giảm tuổi thọ. Ảnh: AP

Nhiều nghiên cứu khoa học từng chỉ ra rằng tình trạng ô nhiễm không khí do các hạt bụi mịn có đường kính dưới 2,5 micromét (PM2.5) gây ra các vấn đề sức khỏe ở con người, đặc biệt là các bệnh về tim mạch và hô hấp. Nghiên cứu mới của Trường Y tế Công cộng TH Chan, thuộc Ðại học Harvard (Mỹ), còn cho thấy phơi nhiễm lâu dài với PM2.5 và khí ozone làm tăng nguy cơ tử vong sớm trong nhóm dân số cao tuổi ở Mỹ.

Cụ thể, các chuyên gia đã phân tích số liệu được ghi nhận trong 16 năm của 68,5 triệu người (97% là từ 65 tuổi trở lên) từng tham gia vào chương trình bảo hiểm Medicare của chính phủ. Dữ liệu này bao gồm thông tin cá nhân về chỉ số khối cơ thể (BMI), thói quen hút thuốc, sắc tộc, mức thu nhập và trình độ học vấn.

Dựa trên mã bưu điện của từng người tham gia, họ kiểm tra mức độ ô nhiễm không khí tại nơi đối tượng nghiên cứu sinh sống với mức độ ô nhiễm không khí được ghi nhận từ nhiều địa điểm trên khắp nước Mỹ. Cách này cho phép các nhà nghiên cứu đánh giá mức độ ô nhiễm không khí vì PM2.5 mà từng đối tượng phải tiếp xúc hằng ngày. Ngoài ra, nhóm nghiên cứu cũng đánh giá mức độ ô nhiễm không khí với các yếu tố khác, bao gồm dữ liệu thu thập từ vệ tinh, thông tin sử dụng đất, thay đổi thời tiết và các yếu tố khác.

Sau khi sử dụng 5 phương pháp phân tích khác nhau – bao gồm 2 loại truyền thống và 3 loại hiện đại, các tác giả phát hiện bằng chứng rõ nét về mối liên quan nhân - quả giữa việc phơi nhiễm PM2.5 với tử suất trong những người tham gia, thậm chí ngay cả khi mức độ phơi nhiễm thấp hơn mức không khí đạt tiêu chuẩn an toàn hiện tại của Chính phủ Mỹ là 12 microgram/m3 mỗi năm. Dựa trên kết quả này, họ ước tính được rằng việc giảm tiêu chuẩn phơi nhiễm PM2.5 xuống mức 10 microgram/m3 mỗi năm – tức mức độ khuyến cáo hiện thời của Tổ chức Y tế Thế giới – sẽ giúp giảm 6-7% tử suất, tương ứng cứu sống 143.257 người trong vòng 1 thập niên.

Theo các tác giả, phát hiện mới cung cấp bằng chứng toàn diện nhất về mối liên quan nhân - quả giữa phơi nhiễm lâu dài với PM2.5 và tử vong sớm. “Nghiên cứu mới của chúng tôi bao gồm bộ dữ liệu lớn nhất từ trước cho đến nay của người cao tuổi Mỹ và sử dụng nhiều phương pháp phân tích, để chỉ ra rằng các tiêu chuẩn hiện tại của Mỹ về nồng độ PM2.5 không đủ bảo vệ sức khỏe và nên được hạ xuống để những nhóm dân số yếu thế như người cao tuổi được đảm bảo an toàn” – thành viên nhóm nghiên cứu Xiao Wu nhận định. Theo đồng tác giả - Giáo sư Francesca Dominici, nhóm nghiên cứu kỳ vọng công trình của họ có thể giúp cung cấp thông tin cho Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ (EPA) trong việc cập nhật tiêu chuẩn về chất lượng không khí.

Ðược biết, để đưa ra tiêu chuẩn không khí đạt chất lượng an toàn, giới chức tại EPA thường dựa trên tài liệu khoa học hiện tại chứng minh về tác hại của ô nhiễm không khí đối với sức khỏe của người dân.

Theo EPA, PM2.5 có thể phát sinh trực tiếp từ nhiều nguồn chẳng hạn như từ hỏa hoạn hoặc các công trường xây dựng, nhưng cũng có thể hình thành trong bầu khí quyển do phản ứng hóa học giữa các chất gây ô nhiễm không khí.

AN NHIÊN (Theo MedicalNewsToday, Science Daily)

Nguồn Cần Thơ: https://baocantho.com.vn/quan-he-nhan-qua-giua-o-nhiem-khong-khi-va-nguy-co-chet-som-a123388.html