Quan hệ ngoại giao Venezuela và Mỹ 'căng như dây đàn'

Quan hệ giữa Venezuela và Mỹ đã trở nên căng thẳng sau khi Mỹ tuyên bố sẽ trả đũa việc Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro trục xuất đại biện lâm thời Mỹ tại Caracas.

Quan hệ ngoại giao Mỹ-Venezuela lại thêm sóng gió. Ảnh: Santiago Times

Phát biểu trong lễ tuyên bố chính thức tái đắc cử, Tổng thống Nicolas Maduro tuyên bố trục xuất Đại biện lâm thời Mỹ tại nước này Todd Robinson vì có âm mưu chống lại chính quyền Caracas. "Tôi đã tuyên bố Đại biện lâm thời Mỹ là người không được thừa nhận và ông này phải rời khỏi Venezuela trong 48 giờ tới", ông Maduro nói. Bên cạnh đó, Tổng thống Maduro cũng khẳng định các lệnh trừng phạt của Mỹ đã xúc phạm "thể diện quốc gia" của Venezuela, khiến người dân nước này phải chịu nhiều tổn thất.

Phản ứng trước động thái trên từ phía Caracas, một quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết Washington vẫn chưa nhận được thông báo chính thức từ phía Caracas thông qua các kênh ngoại giao. Tuy nhiên, quan chức này khẳng định nếu việc trục xuất được xác minh thì Mỹ sẽ có biện pháp đáp trả tương xứng.

Quan hệ giữa Mỹ và Venezuela bị gián đoạn kể từ khi Tổng thống Venezuela Hugo Chavez lên nắm quyền năm 1999 và vẫn tiếp tục căng thẳng dưới thời Tổng thống Maduro. Tháng 3-2015, căng thẳng hai nước tiếp tục leo thang sau khi Tổng thống Mỹ khi đó là ông Barack Obama ký sắc lệnh coi Caracas là mối đe dọa bất thường đối với an ninh quốc gia và chính sách đối ngoại của Nhà Trắng, đồng thời áp đặt trừng phạt nhằm vào 7 quan chức cao cấp của nước này. Venezuela đã kịch liệt phản đối những động thái trên của chính quyền Tổng thống Obama, coi đây là những động thái làm leo thang căng thẳng và là tiền đề để can thiệp quân sự.

Khi ông Maduro tái đắc cử Tổng thống sau cuộc bầu cử ngày 20-5, Mỹ cùng Liên minh châu Âu (EU) và một số nước tuyên bố không công nhận kết quả bầu cử. Thậm chí, Tổng thống Mỹ Donald Trump còn ký một sắc lệnh áp đặt các biện pháp trừng phạt mới với Venezuela nhằm ngăn chặn nguồn tài chính của chính phủ nước này. Theo đó, cấm các cá nhân và thực thể trong phạm vi quản lý của Mỹ tiến hành các giao dịch mua bất kỳ khoản nợ nào của Chính phủ Venezuela.

Sắc lệnh cũng cấm mua các khoản nợ của Chính phủ Venezuela được cầm cố như một tài sản thế chấp; cấm bán, chuyển nhượng bất cứ lợi ích cổ phần nào trong bất cứ thực thể nào Chính phủ Venezuela có lợi ích sở hữu từ 50% trở lên. Tổng thống Donald Trump cũng chỉ thị Bộ trưởng Tài chính Mỹ phối hợp với Bộ trưởng Ngoại giao phổ biến các quy định trên và huy động tất cả các quyền hạn để bảo đảm sắc lệnh được thực thi.

Theo nhà lãnh đạo Venezuela Maduro, các lệnh trừng phạt của Mỹ không liên quan gì đến dân chủ hay buôn lậu ma túy, mà Mỹ chỉ muốn lật đổ chính phủ của ông. Trong một tuyên bố, Bộ Ngoại giao Venezuela nhấn mạnh: “Caracas một lần nữa lên án chiến dịch gây hấn có hệ thống của Mỹ nhằm trừng phạt người dân Venezuela vì đã thực hiện quyền đi bỏ phiếu. Những hành động độc đoán và đơn phương này tương đương với tội ác chống lại loài người”.

Với mâu thuẫn mới nảy sinh, giới quan sát lo ngại chính phủ của Tổng thống Maduro sẽ thêm khó khăn trong việc khôi phục lại vị thế là một trong những quốc gia có ảnh hưởng kinh tế và chính trị lớn nhất tại Nam Mỹ. Venezuela chìm sâu vào khủng hoảng kinh tế do dầu thô mất giá những năm gần đây. Số liệu của Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) cho thấy, GDP của Venezuela đã giảm 45% trong vòng 5 năm trở lại đây và dự báo giảm tiếp 15% trong năm nay, trong khi lạm phát lên tới 13.800% dẫn đến tình trạng tiền mất giá.

Thu Uyên

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/quan-he-ngoai-giao-venezuela-va-my-cang-nhu-day-dan/