Quan hệ Nga-Thổ và những lựa chọn quyết định vận mệnh Syria

Trong mối quan hệ phức tạp với Thổ Nhĩ Kỳ, Nga lựa chọn thế nào để bảo toàn độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Syria?

Hai điểm minh chứng cho một cuộc chiến phi nghĩa

Trong kỳ trước với tiêu đề: Thổ Nhĩ Kỳ qua mặt Nga dùng kế hiểm đối với Syria”chúng ta đã nhận thức được rằng, mưu đồ xâm chiếm đất đai Syria đã được Thổ Nhĩ Kỳ ra sức hiện thực hóa trong hơn 2 năm qua, với việc nước này hỗ trợ cho 10 nhóm phiến quân thuộc Quân đội Syria Tự do (FSA) chiếm đóng một vùng lãnh thổ rộng lớn của Syria thuộc tỉnh Aleppo, kéo dài từ Afrin đến Azaz, al-Bab, Jarabulus và hiện nay tiếp tục là Idlib.

Bất chấp việc Moscow lớn tiếng kêu gọi Ankara phải tôn trọng sự toàn vẹn lãnh thổ của Syria, chính quyền của ông Assad đã lên án các hành động của Thổ Nhĩ Kỳ ở al-Bab, Afrin và ngay cả ở Idlib và tuyên bố rằng, các vùng lãnh thổ này là một phần không thể tách rời của Syria.

Hành động tung hàng nghìn quân và hàng trăm xe tăng vào lãnh thổ Syria lập 11 trạm giám sát ngừng bắn ở Idlib của Ankara bị chính quyền Damascus coi là “hành động xâm lược”, một số quan chức chính quyền Assad còn gọi Thổ Nhĩ Kỳ là “kẻ bảo kê cho khủng bố ở Idlib”.

Giới chuyên gia phân tích cho rằng, mặc dù không hoàn toàn đồng ý với những chủ trương của Nga nhưng Damascus không thể làm trái ý Moscow; Thổ Nhĩ Kỳ chính là mối họa rất lớn đối với chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Syria, thậm chí mối họa này còn lớn hơn cả Mỹ.

Điều này không chỉ thể hiện qua những hành động quân sự trái phép trong lãnh thổ Syria trong thời gian qua của Thổ Nhĩ Kỳ, mà còn thể hiện ở những tuyên bố can thiệp trắng trợn vào công việc nội bộ của Syria mà giới chức lãnh đạo Ankara thường xuyên nêu ra.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan hôm 05/10 lại tiếp tục tuyên bố rằng, ông sẽ tổ chức hội nghị thượng đỉnh với Nga, Đức và Pháp vào tháng 10 hoặc tháng 11, đồng thời “tiếp tục tìm kiếm một giải pháp với người dân Syria, chứ không phải Chính phủ Syria”.

Vậy thì “nhân dân Syria” như trong tuyên bố của Thổ Nhĩ Kỳ có nội hàm như thế nào?

Đó chính là các nhóm phiến quân đối lập và khủng bố al-Qaeda Syria (tức HTS), tức là tất cả các lực lượng chống chính quyền của ông Assad, chứ không phải là những người dân Syria đích thực.

Ông Putin đang phải giải bài toán hết sức phức tạp với Thổ Nhĩ Kỳ ở Syria

Theo giới phân tích, hành động của chính quyền Erdogan bị chính quyền Damascus lên án là hoàn toàn chính xác, những hành động phi nghĩa của Thổ Nhĩ Kỳ ở Syria thể hiện cụ thể ở hai điểm lớn như sau:

Thứ nhất là: Thổ Nhĩ Kỳ đã hậu thuẫn lực lượng phiến quân chống chính phủ Syria đánh chiếm đất đai nước mình và giúp chúng xây dựng các chính quyền bù nhìn địa phương thân Thổ Nhĩ Kỳ đối lập với chính phủ hợp hiến của ông Assad, tức là “can thiệp trắng trợn vào công việc nội bộ của Syria, xâm phạm độc lập và chủ quyền” của một quốc gia thuộc Liên Hiệp Quốc.

Thứ hai là: Thổ Nhĩ Kỳ trực tiếp đưa quân sang đánh chiếm, ngăn chặn lực lượng chính phủ Syria giành lại đất đai, biến các khu kiểm soát của FSA ở phía Bắc Syria thành các vùng đệm dọc biên giới phía Nam nước này; tức là đang tiến hành một cuộc “chiến tranh xâm lược ủy nhiệm” đối với Syria, xâm phạm trắng trợn sự toàn vẹn lãnh thổ của đất nước Syria.

Syria gặp khó với Thổ Nhĩ Kỳ một phần xuất phát từ Nga

Âm mưu và thủ đoạn của Thổ Nhĩ Kỳ đã rõ ràng nhưng hiện tại họ vẫn còn có cơ sở dựa dẫm vào thỏa thuận Astana với Nga, và đây là điều nguy hiểm nhất bởi Ankara vẫn có cớ hợp pháp để duy trì sự hiện diện của mình, bảo kê cho vài chục nghìn phiến quân ở Idlib.

Đây cũng chính là điều mà Syria cũng không hài lòng, bởi họ đã chuẩn bị rất kỹ lưỡng cho chiến dịch giải phóng Idlib và toàn bộ vùng Tây Bắc, giáp biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ.

Nhưng ý định này đã bị Thổ Nhĩ Kỳ và chính Nga ngăn chặn lại, nhằm tìm kiếm một giải pháp tốt đẹp hơn.

Thế nhưng khi ngăn chặn chiến dịch giải phóng Idlib của ông Assad, liệu ông Putin có bảo đảm được về một giải pháp tốt đẹp hơn cho người Syria, khi ông Erdogan lại có những âm mưu khác?

Theo một tuyên bố của nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ, “người dân Idlib đã mời quân đội nước này hiện diện ở đó để lập lại trật tự”.

“Cũng giống như ở Afrin, chúng tôi được nhân dân mời. Ở đâu có những người bị áp bức, chúng tôi sẽ đến đó" - Erdogan phát biểu tại một diễn đàn ở Istanbul.

Chính quyền Ankara tuyên bố rằng, họ không chiếm đất Syria, không xâm lược Syria; những phần đất đó đã được trao trả lại cho “người dân Syria”, những người đã kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ mang quân sang giải cứu họ như lời ông Erdogan đã trình bày ở trên.

Hôm 05/10, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan tiếp tục nêu điều kiện rút quân đội nước này khỏi Syria lãnh thổ.

Theo ông, các lực lượng vũ trang Thổ Nhĩ Kỳ sẽ rời khỏi Syria sau khi các cuộc “bầu cử tự do công bằng được tổ chức tại quốc gia này và mối đe dọa khủng bố bị loại bỏ”.

Trong điều kiện rút quân thứ nhất của ông Erdogan, thế nào là “mối đe dọa khủng bố bị loại bỏ”? Khủng bố theo ý Thổ Nhĩ Kỳ chính là người Kurd Syria, vậy phải chăng Ankara muốn đuổi người Kurd ra khỏi lãnh thổ Syria hoặc muốn diệt sạch người Kurd Syria?

Đây là một tuyên bố rất ngang ngược, bởi người Kurd là một dân tộc sinh sống trên lãnh thổ Syria và không ai cho ông Erdogan có quyền quyết định số phận của họ.

Và hơn nữa, dưới sự bảo trợ của Mỹ, cái mệnh đề này sẽ không bao giờ thực hiện được, vậy Thổ Nhĩ Kỳ sẽ hiện diện ở Syria mãi mãi chăng?

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/quan-he-nga-tho-va-nhung-lua-chon-quyet-dinh-van-menh-syria-3366980/