Quan hệ Nga - Thổ Nhĩ Kỳ 'thử lửa' ở Syria

Một lần nữa, thường dân lại biến thành 'bia đỡ đạn' trong chiến dịch tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ tại Đông Bắc Syria. Chỉ trong hai ngày, chiến dịch quân sự có tên gọi 'Mùa Xuân Hòa bình' của Tổng thống Tayyip Erdogan đã làm hàng chục người chết, hơn 60.000 người phải sơ tán. Cộng đồng quốc tế hầu như bất lực.

Xe tăng Thổ Nhĩ Kỳ khai hỏa chiến dịch tấn công Đông Bắc Syria

Xe tăng Thổ Nhĩ Kỳ khai hỏa chiến dịch tấn công Đông Bắc Syria

Trước tiên, xét từ trong nước, đây được đánh giá là một cuộc tấn công đầy rủi ro của chính ông Erdogan. Một lần nữa tại Thổ Nhĩ Kỳ, vấn đề quân sự được dùng để phục vụ cho những lợi ích chính trị. Khi mở cuộc tấn công, ông Erdogan đang tìm cách phá vỡ liên minh đối lập được hình thành trong kỳ bầu cử địa phương vừa qua, và đánh bóng lại hình ảnh của mình vào lúc có sự chia rẽ trong nội bộ đảng AKP. Hầu hết các đảng chính trị đều ủng hộ mục tiêu kép của Tổng thống: vừa ngăn cản người Kurd ở Rojava củng cố quyền tự trị và hợp nhất với người Kurd ở Thổ Nhĩ Kỳ để phôi thai một Nhà nước người Kurd; vừa thiết lập một “vùng an toàn” dọc theo biên giới Thổ Nhĩ Kỳ để cho phép tái định cư khoảng 3,5 triệu người tị nạn Syria.

Xét từ một khía cạnh khác, chiến dịch quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ còn là dịp để “thử lửa” mức độ bền vững trong quan hệ giữa Ankara và Moscow. Lịch sử lâu đời cho thấy quan hệ giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ hiếm khi nồng ấm. Các đời đế chế Nga và Thổ Nhĩ Kỳ nhiều lần giao chiến với nhau để tranh quyền thống trị vùng Balkan và kiểm soát lối vào những vùng biển nước ấm. Mùa Hè năm 2015, đối đầu Nga-Thổ tăng cao sau vụ một máy bay tiêm kích Nga bị hai chiếc F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ. Nhưng rồi quan hệ Ankara và Moscow bỗng nhiên được hâm nóng. Từ năm 2016, liên minh Erdogan và Putin đã được đúc kết trên nhiều phương diện ngoại giao, kinh tế và an ninh mà đỉnh điểm là hợp đồng mua tên lửa S-400 của Nga gây bất hòa với NATO mà Thổ Nhĩ Kỳ cũng là một thành viên. Với chiến dịch tấn công Syria, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan muốn lật lại bàn cờ địa chính trị. Ông cho rằng thế giới đã thay đổi và các hiệp ước ký kết để xử lý đã lỗi thời, và muốn biến Thổ Nhĩ Kỳ thành một cường quốc toàn cầu chứ không chỉ là một tác nhân trong khu vực. Còn về phía Nga, việc tách Thổ Nhĩ Kỳ ra khỏi “quỹ đạo” của Mỹ là có lợi… Chính sách ngoại giao S-400 cho phép Tổng thống Vladimir Putin làm cho NATO thêm chia rẽ và suy yếu. Khi bắt tay với Putin, ông Erdogan đặt nghi vấn về mối liên hệ tin tưởng giữa các đồng minh. Mặc dù vậy, quan hệ Nga-Thổ không hẳn là “tròn trịa”. Giữa hai nước vẫn có những điểm bất đồng như trong hồ sơ Crimea, Syria và nhất là số phận của Tổng thống Bashar al-Assad. Nga và Thổ Nhĩ Kỳ còn đối đầu nhau tại vùng Balkan và Kavkaz. Vì thế, một nhà ngoại giao Pháp lưu ý không nên đánh giá quá cao sự xích lại gần nhau giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ. Theo nhà ngoại giao này, chính quyền Ankara sẽ không từ bỏ những nền tảng cơ bản của mình. Họ không thể cho phép mình quay lưng lại với Mỹ và châu Âu vì lợi ích của Thổ Nhĩ Kỳ gắn liền với phương Tây.

Nước Nga, quốc gia duy nhất hiện nay có thể nói chuyện với nhiều nước khác trong khu vực, giờ tự cho mình vai trò trung gian giữa Thổ Nhĩ Kỳ và chế độ Damascus cũng như giữa người Kurd và chính quyền Tổng thống al-Assad. Đề xuất thương lượng này của Nga đã được người Kurd hoan nghênh và chấp nhận, sau khi bị Mỹ “đâm sau lưng”. Nhưng liệu việc này có làm quan hệ Nga-Thổ “nổi sóng” hay không? Còn sớm để trả lời câu hỏi này, song có một điều chắc chắn là hòa bình đối với người dân Syria sẽ còn rất xa vời.

Vĩnh Hà

Nguồn Hải Quan: https://haiquanonline.com.vn/quan-he-nga-tho-nhi-ky-thu-lua-o-syria-113307.html