Quan hệ Nga-NATO: Khi niềm tin xuống dốc

Quan hệ Nga-NATO đang gặp phải nhiều khó khăn, những động thái gay gắt gần đây của cả hai phía đã khiến căng thẳng đi xa khó cứu vãn.

Quan hệ Nga-NATO nguội lạnh sẽ ảnh hưởng đến an ninh của châu Âu. (Nguồn: nato.int)

Quan hệ Nga-NATO nguội lạnh sẽ ảnh hưởng đến an ninh của châu Âu. (Nguồn: nato.int)

Cam kết '1 inch'

Nga đã cắt đứt quan hệ ngoại giao với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) vào ngày 18/10, trục xuất các nhà ngoại giao NATO đang làm việc tại các văn phòng liên lạc và thông tin tại thủ đô Moscow, triệu đại diện Nga tại trụ sở NATO về nước trước cuối tháng này.

Moscow tuyên bố sẽ đình chỉ hoạt động của phái đoàn ngoại giao Nga tại NATO sau khi liên minh quân sự này trục xuất 8 nhà ngoại giao Nga hôm 6/10 với cáo buộc gián điệp.

Ngoại trưởng nước này Sergei Lavrov tuyên bố, các nhân viên phái đoàn NATO tại Moscow cũng sẽ bị tước quyền hoạt động chính thức từ ngày 1/11, và văn phòng thông tin của tổ chức tại Moscow cũng sẽ phải đóng cửa.

Reuters dẫn lời ông Lavrov trong một cuộc họp báo: “Nếu các thành viên NATO có vấn đề cấp bách, họ có thể liên lạc Đại sứ Nga tại Bỉ”.

Phái đoàn Nga không làm việc tại trụ sở của NATO mà tại một địa điểm khác ở phía Nam Brussels.

Điện Kremlin đã tỏ thái độ cứng rắn trong các mối quan hệ quốc tế kể từ đầu năm nay, khi Ngoại trưởng Lavrov vạch ra những nguyên tắc mới trong đối ngoại.

Theo đó, Nga sẽ không chấp nhận chính sách “hai mặt”: Một mặt tấn công bằng các chính sách ngoại giao, mặc khác lại đòi hỏi hợp tác trong những lĩnh vực như thương mại.

Nga thậm chí còn cảnh báo, Moscow sẵn sàng cắt đứt quan hệ ngoại giao với Liên minh châu Âu (EU) nếu khối tiếp tục can dự các vấn đề nội bộ của nước này.

Căng thẳng Nga-NATO diễn ra sau khi có những hy vọng về khả năng hòa giải giữa hai phía, tiếp nối cuộc gặp giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Mỹ Joe Biden tại Geneva ngày 16/6.

Thực tế, việc Nga và NATO cắt đứt quan hệ ngoại giao không phải là điều lạ, nhất là khi nhìn vào thực tế mối quan hệ đã xuống dốc trong nhiều năm qua.

Căng thẳng Nga-NATO mới leo thang đáng kể sau khi Moscow sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014 và cuộc chiến tại vùng Donbass ở phía Đông Ukraine bùng phát.

Thế nhưng, thực tế Nga từ lâu đã chỉ trích NATO phá vỡ cam kết với cựu lãnh đạo Mikhail Gorbachev trong những năm cuối của Liên bang Xô Viết rằng khối sẽ không nhích dù chỉ “1 inch” sang phía Đông. Tổng thống Putin nhắc lại cam kết này trong bài phát biểu nổi tiếng tại Hội nghị An ninh Munich năm 2007.

Gần đây, qua việc giải mật các bức điện của Đại sứ quán và các tài liệu khác của phương Tây, các cam kết trên của NATO đã được xác nhận là sự thật.

Theo đó, nhiều cựu lãnh đạo phương Tây, gồm cả cựu Ngoại trưởng Mỹ James Baker và cựu Thủ tướng Đức Helmut Kohl, đều nhấn mạnh cam kết bằng lời với cựu lãnh đạo Gorbachev, dù không có bất kỳ hứa hẹn thành văn sau đó.

Hy vọng bị hủy hoại

Từ góc độ của Nga, cuộc đối đầu với phương Tây bắt đầu vào năm 2003, khi Mỹ đơn phương rút khỏi Hiệp ước Chống tên lửa đạn đạo (ABM), một hiệp ước an ninh then chốt thời Chiến tranh Lạnh nhằm hạn chế việc triển khai tên lửa tầm ngắn.

Hãng tin TASS dẫn lời Tổng thống Putin phát biểu hồi tuần trước trong cuộc phỏng vấn với một nhà báo Mỹ nhân dịp Tuần lễ Năng lượng Nga: “Thật không may, cuộc chạy đua vũ trang đang diễn ra. Và nó đã bắt đầu sau khi Mỹ rút khỏi Hiệp ước ABM”.

Moscow cho rằng quyết định của NATO trục xuất các nhà ngoại giao Nga hồi đầu tháng đã hủy hoại hy vọng về việc bình thường hóa trong quan hệ giữa Moscow với khối liên minh do Mỹ dẫn đầu.

Nga cho rằng hành động của NATO càng khẳng định liên minh này không quan tâm đến đối thoại công bằng và hành động chung nhằm hạ nhiệt căng thẳng quân sự-chính trị.

Trong một tuyên bố gần đây, Bộ Ngoại giao Nga nhấn mạnh: “Lập trường của liên minh đối với đất nước chúng tôi ngày càng trở nên hung hăng… Mối đe dọa Nga được vẽ ra để họ củng cố sự thống nhất nội bộ liên minh”.

Trong khi đó, người phát ngôn của NATO Oana Lungescu cho biết, liên minh lấy làm tiếc về quyết định của Nga: “Chính sách của NATO với Nga vẫn nhất quán… Chúng tôi củng cố năng lực răn đe và phòng thủ để đối phó trước những hành vi hung hăng của Nga, song cùng lúc vẫn cởi mở đối thoại, kể cả thông qua Hội đồng Nga-NATO”.

Ngoại trưởng Đức Heiko Maas miêu tả tuyên bố của Nga là “hơn cả đáng tiếc” và rằng điều này sẽ kéo dài “mối quan hệ lạnh giá giữa Nga và NATO”.

Những động thái trên của cả Moscow và NATO đã chấm dứt nhiều năm nỗ lực cải thiện quan hệ giữa hai bên sau sự sụp đổ của Liên bang Xô Viết năm 1991.

Nga duy trì phái đoàn quan sát viên tại NATO nhằm thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực an ninh chung. Trong bối cảnh căng thẳng leo thang, các cuộc gặp của Hội đồng Nga-NATO không còn được tổ chức từ năm 2019.

Mối quan hệ mong manh giữa Nga và NATO chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến an ninh của châu Âu. Hơn nữa, việc phối hợp giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine sẽ không thể thực hiện được nếu không có vai trò trung gian của EU, đặc biệt là nỗ lực của Pháp, Đức và Nga.

Sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, Nga và EU thiết lập mối quan hệ hợp tác kinh tế chặt chẽ, mức độ hợp tác giữa hai bên trong lĩnh vực thương mại, công nghệ, đầu tư và các lĩnh vực khác không ngừng được nâng cao.

Tuy nhiên, mối quan hệ giữa NATO và Nga xấu đi chắc chắn sẽ gây tổn hại cho mối quan hệ EU-Nga, đồng thời gây tổn hại đến môi trường địa an ninh ở Đông Âu, trở thành một trở ngại nghiêm trọng ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế và an ninh của EU.

(theo Intellinews.com)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/quan-he-nga-nato-khi-niem-tin-xuong-doc-162241.html