Quan hệ Nga-NATO: Gương vỡ khó lành

Quan hệ giữa Nga và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) chưa bao giờ 'lặng sóng' khi hai bên liên tục cáo buộc, đổ lỗi cho nhau. Ngày 20-6, Bộ Quốc phòng Nga đã cáo buộc NATO tăng cường lực lượng chiến đấu gần khu vực biên giới với Nga, đồng thời cảnh báo Moscow sẽ có hành động đáp trả tương ứng trước động thái trên của NATO. Động thái này cho thấy, quan hệ hai bên sẽ khó hàn gắn sau một loạt động thái căng thẳng.

Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu khẳng định, NATO đang gia tăng lực lượng ở khu vực biên giới của Nga. Ảnh: Sputnik

Gia tăng sức ép ở biên giới của Nga

Phát biểu trong một cuộc họp của giới chức cấp cao của Bộ Quốc phòng ở thành phố Sevastopol ngày 20-6, Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu cho biết, kể từ đầu năm nay, các quốc gia thành viên NATO đã tiến hành 13 cuộc tập trận quy mô lớn tại khu vực chiến lược Tây-Nam với sự tham gia của hơn 40.000 binh lính và 2.000 đơn vị vũ khí hạng nặng tại khu vực gần biên giới Tây Nam của khối này.

Cũng theo ông Sergei Shoigu, các cáo buộc chống nước này đã dẫn tới sự gia tăng số lượng binh lính NATO đồn trú tại vùng Baltic, Ba Lan, Romaria và Bulgaria từ 2.000 lên 15.000 quân kể từ năm 2015, và thậm chí tăng lên 40.000 - 60.000 binh lính trong giai đoạn NATO tiến hành các cuộc tập trận.

Theo thống kê, trong nửa đầu năm 2018, NATO tổ chức hơn 80 cuộc diễn tập, trong đó hơn 20 cuộc diễn tập diễn ra ở Ba Lan, Litva, Latvia và Estonia. Điều đó cho thấy, các cuộc diễn tập hầu như mang tinh thần "chống xâm lăng từ Nga”, mặc dù cho đến tận ngày nay, các nước vùng Baltic chưa từng phải đối phó với một tín hiệu bất kỳ nào từ phía Nga.

“Sự gia tăng đáng kể này xuất phát từ tâm lý kích động của Ba Lan và các nước Baltic khi tưởng tượng ra những kế hoạch không có thật về sự khiêu khích của Nga. Để tạo điều kiện cho việc luân chuyển binh lính, NATO đang tích cực nâng cấp cơ sở hạ tầng vận tải trong khi đơn giản hóa các thủ tục xuất - nhập cảnh, và đã quyết định thành lập hai bộ tư lệnh mới chịu trách nhiệm bảo vệ hệ thống thông tin liên lạc hàng hải tại Bắc Đại Tây Dương”, ông Sergei Shoigu cho hay.

Tình trạng gia tăng hoạt động quân sự của NATO buộc Nga phải có những biện pháp tương xứng để vô hiệu hóa những mối đe dọa đang nổi lên. Một cuộc thị sát gần đây tại Quân khu miền Nam cho thấy, các lực lượng quân sự của Nga đã chuẩn bị sẵn sàng cho mọi tình huống, bao gồm cả phương án đối đầu với các lực lượng nước ngoài. Theo Bộ trưởng Sergei Shoigu, Nga sẽ tăng cường năng lực chiến đấu của các lực lượng quân sự thông qua các cuộc huấn luyện cường độ cao và cung cấp cho họ thêm nhiều loại vũ khí mới hiệu quả hơn.

Ba quốc gia vùng Baltic nằm sát biên giới Nga. Ảnh: Al Jazeera

Liên quan tới bán đảo Crimea, Bộ trưởng Sergei Shoigu nhấn mạnh, lực lượng quân sự Nga triển khai tại vùng lãnh thổ này sẽ "không cho phép bất kỳ đối thủ tiềm tàng nào có cơ hội dù là nhỏ nhất chiếm lại vùng đất có nguồn gốc là của Nga này". Hiện Bộ Quốc phòng Nga đã thiết lập và đang hoàn thiện một lực lượng tinh nhuệ với thành phần là những binh sĩ ưu tú đến từ các đơn vị khác nhau trong quân đội.

Khó gỡ bỏ rào cản

Quan hệ Nga-NATO rơi xuống mức thấp nhất kể từ thời kỳ Chiến tranh Lạnh sau sự kiện Nga sáp nhập trở lại bán đảo Crimea và cuộc xung đột tại miền Đông Ukraina. Căng thẳng lên tới đỉnh điểm khi Moscow tiếp tục bị cáo buộc có liên quan đến vụ đầu độc cựu điệp viên hai mang người Nga Sergey Skripal và con gái Yulia tại Anh. NATO đã trục xuất 7 nhà ngoại giao thuộc phái bộ của Nga tại tổ chức quân sự này. Phản ứng trước những cáo buộc trên, Chủ tịch Hội đồng liên bang (Thượng viện) Nga Valentina Matviyenko cho rằng, các tướng lĩnh trong NATO đang cố tìm cách dựng lên hình ảnh một nước Nga thù địch, gây hoang mang và lo sợ trong khu vực, từ đó lấy cớ đẩy mạnh các hoạt động quân sự xung quanh Nga.

Mặc dù hai bên đã có những động thái gỡ bỏ rào cản bất đồng, song việc NATO gia tăng hoạt động ở khu vực sát các đường biên giới của Nga, đặc biệt là ở các quốc gia Baltic và Ba Lan, đã khiến nỗ lực trên trở nên kém hiệu quả. Nga cho rằng, việc NATO đơn phương xây dựng cơ sở hạ tầng quân sự, triển khai các lực lượng gần biên giới của hai nước này là hành động phá hoại sự tin cậy và hiểu biết lẫn nhau ở châu Âu cũng như phá hoại không gian an ninh của châu Âu.

Binh sĩ Đức triển khai tại Estonia trong một hoạt động diễn tập. Ảnh: AFP

Theo nhận định của giới chuyên gia ở Học viện Quân sự Mỹ West Point, trong trường hợp xảy ra xung đột, Nga vẫn có một lợi thế quan trọng vượt trội so với NATO ở Đông Âu.

“Chiều rộng của các tuyến đường sắt ở Litva, Latvia và Estonia khác biệt với các tuyến đường sắt ở châu Âu vì những tiêu chuẩn của chúng đã được thông qua từ thời Liên Xô trước đây. Sự khác biệt về các tuyến đường sắt nói trên đồng nghĩa với việc thiết bị quân sự và đạn dược từ các căn cứ chính của NATO tới Đức hoặc Ba Lan buộc sẽ phải được vận chuyển trên những đoàn tàu thích nghi được với các tuyến đường sắt của Nga, hoặc phải dùng các loại xe chuyên chở để đến được đích. Cả hai phương án vận chuyển này đều tiêu tốn đáng kể cả về thời gian và tiền bạc. Ngoài ra, binh sĩ NATO không được trang bị và huấn luyện đủ về việc sử dụng các thiết bị kỹ thuật chuyên dụng và cả kinh nghiệm trong việc tiến hành các hoạt động như vậy”, báo cáo của chuyên gia ở Học viện Quân sự Mỹ West Point cho hay.

Thu Uyên

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/quan-he-nga-nato-guong-vo-kho-lanh/