Quan hệ Nga - Na Uy xấu đi sau vụ trục xuất nhà ngoại giao nghi hoạt động tình báo

Na Uy tuyên bố trục xuất 15 'sĩ quan tình báo' tại Đại sứ quán Nga và điều này có thể dẫn đến mối quan hệ hai nước rơi vào 'đóng băng'.

Quang cảnh bên ngoài Đại sứ quán Nga tại Oslo, Na Uy, ngày 13/4/2023. Ảnh: EPA

Quang cảnh bên ngoài Đại sứ quán Nga tại Oslo, Na Uy, ngày 13/4/2023. Ảnh: EPA

Theo hãng tin AFP, Na Uy ngày 13/4 tuyên bố trục xuất 15 “sĩ quan tình báo” làm việc tại Đại sứ quán Nga ở Oslo, làm gia tăng căng thẳng thêm quan hệ giữa các nước láng giềng.

Moskva tuyên bố sẽ đáp trả điều mà họ mô tả là quyết định “cực kỳ không thân thiện”.

“15 sĩ quan tình báo đã tham gia vào các hoạt động không phù hợp với địa vị ngoại giao của họ”, Ngoại trưởng Na Uy Anniken Huitfeldt cho biết trong một tuyên bố.

Theo tuyên bố, “các sĩ quan” đã được thông báo là “không được hoan nghênh” và phải rời đi “trong thời gian sớm nhất”.

Phát biểu tại một cuộc họp báo, Ngoại trưởng Huitfeldt cho biết các hoạt động của họ đã được theo dõi “một thời gian”, nhưng bà từ chối giải thích những hoạt động nào đã thúc đẩy quyết định này.

Theo tờ Verdens Gang (VG), "các sĩ quan" trên được cho là đã làm việc cho cơ quan tình báo đối ngoại SVR và cơ quan tình báo quân sự GRU của Nga. Cơ quan An ninh Na Uy (PST) phụ trách phản gián, từ chối bình luận khi được AFP liên hệ.

“Động thái này là rất tiêu cực. Đây là một bước cực kỳ không thân thiện khác, sẽ dẫn đến biện pháp đáp trả”, phát ngôn viên Đại sứ quán Nga Timur Chekanov nói với AFP trong một email.

Bộ Ngoại giao Na Uy cho biết quyết định trên được đưa ra nhằm phản ứng với "tình hình an ninh đã thay đổi ở châu Âu".

Vào tháng 4/2022, một vài tuần sau khi xung đột Nga-Ukraine nổ ra, Oslo đã trục xuất 3 nhà ngoại giao Nga bị tình nghi hoạt động gián điệp, khiến Moskva trả đũa bằng việc trục xuất 3 nhà ngoại giao Na Uy.

Nếu Nga trục xuất 15 nhà ngoại giao Na Uy theo kiểu "ăn miếng trả miếng" lần này, Điện Kremlin có thể gần như giảm đáng kể số lượng đại diện ngoại giao tại Đại sứ quán Na Uy ở Moskva, nơi chỉ có khoảng 20 nhân viên ngoại giao.

Nga và Na Uy vốn có mối quan hệ thân thiết từ lâu, đặc biệt là ở vùng cực Bắc, nhưng mối quan hệ này đã xấu đi đáng kể do cuộc xung đột ở Ukraine.

Dù không phải là thành viên của EU, nhưng Na Uy đã áp dụng gần như toàn bộ các biện pháp trừng phạt mà Brussels áp đặt với Nga.

Bất chấp lệnh trục xuất mới, Ngoại trường Huitfeldt nhấn mạnh: "Na Uy đang tìm cách duy trì quan hệ ngoại giao bình thường với Moskva và các nhà ngoại giao Nga được chào đón ở Na Uy".

Tuy nhiên, Sigurd Falkenberg Mikkelsen, một nhà bình luận tin tức nước ngoài của đài truyền hình NRK, đã mô tả vụ trục xuất mới nhất sẽ chuyển mối quan hệ “từ lạnh nhạt sang đóng băng”.

Công Thuận/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/quan-he-nga-na-uy-xau-di-sau-vu-truc-xuat-nha-ngoai-giao-nghi-hoat-dong-tinh-bao-20230414150429407.htm