Quan hệ Nga – Mỹ căng thẳng: Đòn thật hay ngụy trang?

Sau vụ Mỹ bắn rơi chiếc SU-22 của Syria, cuối cùng thì ngoại trưởng Nga S. Lavrov cũng tuyên bố “Nga sẽ coi tất cả các vật thể bay của Đồng minh (bay trên bầu trời Syria) là mục tiêu.”

Ấy thế mà chỉ sau đó hai ngày, chính Hoa Kỳ lại bắn rơi thêm một chiếc máy bay nữa của Syria, lần này là máy bay không người lái do Iran sản xuất.

Đương nhiên những hành động liên tiếp như vậy trong hoàn cảnh bên kia cũng đã có đáp trả dù bằng tuyên bố, nhưng khá cứng rắn, sẽ thu hút dư luận thế giới và không loại trừ sẽ có những lo ngại về khả năng có xung đột mới giữa hai siêu cường. Báo chí trong nước không thể đứng ngoài, cũng đưa ra nhiều nhận định, thậm chí bắt đầu đánh giá về tương quan lực lượng giữa hai bên nếu xảy ra xung đột quân sự trực tiếp.

Không loại trừ có rất nhiều ý kiến theo trường phái “anh hùng lãng mạn,” cũng chỉ mong nhìn thấy một lần thần tượng của mình, hoặc Nga, hoặc Mỹ chứng minh sức mạnh vượt trội, cho đối phương một cú “tâm phục khẩu phục.”

Trong bài “Vụ F-18 Mỹ bắn SU-22 Syria: Nga có đáp trả quân sự hay không và con đường hòa bình cho Syria” tôi có cho rằng, xung đột giữa hai siêu cường là không thể xảy ra, và đến nay vẫn giữ nguyên nhận định như vậy. Vậy những động thái liên tục xảy ra trên chiến trường Syria đó – chúng nói lên điều gì và chúng ta cần có cái nhìn như thế nào với hệ thống các sự kiện đó?

Trong quan hệ quốc tế, không thể nhìn nhận một sự kiện với tư cách nó là một vụ việc đơn lẻ, mà nó cần phải xem xét từ góc độ tổng thể từ tầm vóc quốc gia, cũng như tương quan các cực của an ninh thế giới. Đồng thời chúng ta luôn luôn cần phải giữ được một cái nhìn khách quan, không thiên lệch thì mới có thể hình dung rõ ràng được bản đồ an ninh thế giới hôm nay, hình thù của nó đang được vẽ ra sao…

Từ trước đến nay, chúng ta không nghi ngờ vai trò một “cực” quan trọng, một đối trọng đủ tầm của nước Nga trong tương quan với Hoa Kỳ nói riêng và Phương Tây nói chung. Điều đó hoàn toàn đúng, vì ngay từ thời Xô-viết thì đất nước này vẫn luôn luôn là một siêu cường có vũ khí hạt nhân, và chỉ có nước này mới đủ sức tiêu diệt hoặc đánh trọng thương một siêu cường khác là nước Mỹ. Là “người thừa kế” của Liên Xô cũ, nước Nga bây giờ cũng như vậy.

Nhưng cái gì cũng có hai mặt của nó, khi anh đã phải gồng mình chạy đua thì anh không thể tránh khỏi mỏi mệt – cuộc chạy đua vũ trang đã góp phần làm sụp đổ Liên Xô vì hụt hơi, nếu như nước Nga của Putin không tránh được “cái bẫy” đó thì lại sa vào vết xe cũ của Liên Xô. Nhưng từ năm 2014 đến nay, những gì mà Nga thể hiện ra môi trường xung quanh của mình, đang chứng minh rằng nó (nước Nga) đang đi trên con đường, một mặt lấy lại vị thế siêu cường với tiếng nói trọng lượng trên trường quốc tế về an ninh toàn cầu, mặt khác lại kéo theo những khó khăn vẫn bám lấy việc trở thành siêu cường đó và đó là điều chắc chắn sẽ đến.

Sáp nhập hay “thu hồi” bán đảo Crimea, có thể và đang bị cáo buộc về vai trò đối với nội chiến – li khai ở Đông Ucraina, và ngày càng can thiệp quân sự sâu sắc vào nội chiến Syria… nước Nga như một võ sỹ quyền Anh trên võ đài đang cố gắng ra những đòn đàng hoàng “đúng luật” nhưng lại luôn luôn bị đáp trả lại bằng những đòn không cân xứng. Lệnh trừng phạt được Phương Tây áp dụng từ đó đến nay đã được 3 năm, chưa biết bao giờ sẽ được gỡ bỏ gây cho nước Nga không ít khó khăn về kinh tế và tiếp cận công nghệ - chắc chắn sẽ cản trở luôn cả những quá trình như tiếp cận nguồn vốn ngoại của nền kinh tế hay hiện đại hóa quân đội và công nghiệp quốc phòng…

Thế giới sắp bước sang thập niên thứ ba của thế kỷ 21 với sự thay đổi rất lớn về quan điểm sử dụng năng lượng, theo hướng “xanh” hóa; cũng như sự tham gia vào thị trường dầu khí thế giới của nhiều đối thủ nặng ký: dầu đá phiến Hoa Kỳ hay Iran được dỡ bỏ cấm vận… đều khiến giá dầu khí thế giới chưa có dấu hiệu tăng trở lại. Ngày 26/6, Bộ trưởng Năng lượng các nước Liên minh Châu Âu sau cuộc họp đã không ủy quyền cho Ủy ban Châu Âu tiếp tục đàm phán với Nga về dự án đường ống khí đốt “Dòng chảy Phương Bắc” (Nord Stream) và việc bàn thảo sẽ được tiếp tục tiến hành vào tháng Chín năm nay, từ nay đến lúc đó các công việc chuẩn bị cho nó vẫn sẽ được tiến hành. Dự án này là việc xây dựng một đường ống dẫn khí đốt từ Nga sang Đức qua biển Baltic dài 1.220 km và công suất 55 tỷ mét khối mỗi năm. Việc xây dựng các đường ống dẫn theo kế hoạch sẽ được bắt đầu vào năm 2018 và hoàn thành vào cuối năm 2019.Tuy vậy, để dự án được tiến hành thì phải có sự đồng ý của 28 quốc gia EU, mà từ nay đến lúc khởi công không còn nhiều thời gian nữa. Khó khăn vẫn chưa qua đối với nước Nga.

Nước Nga sẽ không sụp đổ, vì những hành động hướng ra bên ngoài và lấy lại vị thế chưa thể so được với thời Liên Xô, cũng như những cố gắng, nỗ lực cho kế hoạch này cũng chưa thể gây ra những khó khăn đáng kể, nhưng sự thể hiện chỉ có thể là một sự gợi nhớ cho những gì đã diễn ra trong quá khứ. Tuy nhiên để củng cố vị thế và không để bị sa vào tình thế khó khăn, những “cái bẫy” đòi hỏi lãnh đạo đất nước phải có cái đầu của một kỳ thủ siêu việt. Điều này chúng ta đã được chứng kiến khi Nga – theo những cáo buộc từ Hoa Kỳ, đã đứng sau và có thể có những tác động hiệu quả lên kết quả của cuộc bầu cử Tổng thống Hoa Kỳ cuối năm 2016, và ông D. Trump đã thắng cử thật.

Thời gian này là giai đoạn khó khăn của ông D. Trump, khi những cáo buộc này chưa hề suy giảm mà tình hình ngày càng trở nên căng thẳng. Mới đây nhất, tờ Washington Post có bài báo về vai trò của Putin đằng sau chiến dịch tranh cử của ông Trump và Putin đã phải lên tiếng phủ nhận việc này. Bây giờ thì mọi thứ “qua lại” thể hiện sự nồng ấm giữa hai vị Tổng thống, sẽ có thể chỉ dẫn tới những thứ khó lường hơn nữa cho ông Trump, điều mà cả hai chẳng bao giờ muốn.

Chưa biết những cáo buộc này đúng sự thật đến đâu, nhưng nó cũng có những ảnh hưởng tiêu cực đến chính nước Nga – như kết quả của cuộc bầu cử Tổng thống Pháp vừa qua cho thấy đã có những “dè chừng” về phía Putin. Nếu như cũng có một kế hoạch đối với nước Pháp tương tự như đã được tiến hành ở Mỹ, thì lần này kế hoạch đã thất bại: trong lần gặp nhau đầu tiên chính thức tại Louvre của hai Tổng thống, tân Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã thẳng thừng nói về chiến dịch truyền thông bôi nhọ của Nga dành vào ông, và mới nhất là ông này tuyên bố “nước Pháp không công nhận Crimea là của Nga.” Hơn thế nữa, không chỉ nước Pháp mà rất nhiều nước Châu Âu cũng tỏ thái độ dè chừng như thế: cũng theo báo Washington Post, trong những năm qua, các quốc gia châu Âu đã triển khai nhiều biện pháp và phương thức đa dạng nhằm phanh phui các âm mưu của Nga trong việc làm lung lạc cử tri châu Âu cũng như gây tổn hại tới sự đoàn kết trong khối…

Vậy nên, việc Hoa Kỳ cứ bắn rơi đều đều máy bay của Syria, chẳng phải là chuyện “cây muốn lặng mà gió chẳng đừng.” Một hai cái máy bay, cũng không phải là chuyện gì to tát với tầm của cả hai quốc gia Mỹ và Nga cả. Cũng như vậy, tình thế chiến trường Syria, chẳng phải ngày một ngày hai mà có thể ngã ngũ được.

Do đó những động thái bắn hạ máy bay cũng như tuyên bố sẽ trả đũa, không chừng chẳng phải là những đòn đánh thật để có thể dẫn tới xung đột quân sự trực tiếp mà có khi chỉ là “ngụy trang” thôi. Nếu điều đó đúng, thì có khi nó còn có lợi cho ông Trump trước những cáo buộc trên đây…

Tất cả, đều là “chính trị.”

Phúc Lai

Nguồn SK&ĐS: http://suckhoedoisong.vn/quan-he-nga-my-cang-thang-don-that-hay-nguy-trang-n133336.html