Quan hệ Nga - EU có dấu hiệu tan băng

Quan hệ Nga - EU đang có những dấu hiệu tan băng sau khi EU hoãn gia hạn lệnh trừng phạt các cá nhân và công ty Nga, trong bối cảnh Moscow cũng tỏ rõ thiện chí sẵn sàng làm 'sống lại' mối quan hệ với khối này.

Tháng 3-2014, EU áp đặt nhiều biện pháp trừng phạt một số cá nhân và công ty Nga liên quan cuộc xung đột tại Ukraine. "Danh sách đen” này liên tục được mở rộng đối với lãnh đạo chính quyền ở Donetsk và Lugansk, cũng như các chính trị gia Nga và công ty Nga. Đến nay, có 150 cá nhân và 38 công ty của Nga nằm trong danh sách này. Các biện pháp trừng phạt thường xuyên được gia hạn 6 tháng/lần.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov (bên phải) và người đồng cấp Bồ Đào Nha Augusto Santos Silva. Ảnh: TASS

Đại diện thường trực của Nga tại Liên minh châu Âu (EU) Vladimir Chizhov cho biết, tuần trước, Ủy ban đại diện thường trực các nước thành viên Liên minh châu Âu (COREPER) nhất trí kéo dài các biện pháp trừng phạt hết hiệu lực vào ngày 15-3 tới và đề nghị tự động gia hạn, tuy nhiên đã vấp phải sự phản đối của một số quốc gia thành viên. Theo ông Chizhov, để gia hạn các biện pháp trừng phạt EU cần phải triệu tập phiên họp cấp bộ trưởng, tuy nhiên nguyên nhân chính khiến tiến trình này bị kéo dài là do một số nước thành viên chưa hoàn tất các thủ tục nội bộ cần thiết.

Việc các thành viên EU có những nhận định khác nhau về vấn đề trừng phạt Nga không còn quá xa lạ. Bởi thực tế cho thấy các biện pháp trừng phạt của EU nhằm vào Nga không chỉ gây ra những tổn thất cho nền kinh tế Nga, mà không ít các quốc gia thành viên EU cũng “điêu đứng” trước những tác động tiêu cực từ các biện pháp đáp trả.

Đức, quốc gia đầu tàu EU, mới đây cũng đã nêu quan điểm ủng hộ việc nới lỏng trừng phạt Nga. Tại Hội nghị An ninh Munich vừa diễn ra tại Đức, Bộ trưởng Ngoại giao nước chủ nhà Sigmar Gabriel cho biết, ông ủng hộ nới lỏng một số lệnh trừng phạt chống Nga, nếu đạt được một thỏa thuận ngừng bắn ở miền Đông Ukraine với sự hỗ trợ của Lực lượng Gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc. Theo ông Gabriel, việc đòi hỏi thực thi đầy đủ Thỏa thuận Minsk về khủng hoảng Ukraine trong khi vẫn áp đặt trừng phạt Nga là “không thực tế”. “Tất nhiên là giữa chúng ta vẫn còn nhiều bất đồng quan điểm. Tuy nhiên, Nga là một láng giềng lớn của châu Âu, và đôi khi chúng ta đã quên mất điều đó. Nếu muốn sự ổn định trên lục địa châu Âu thì cần có mối quan hệ tốt với Nga”, ông Gabriel nhận định.

Trong khi đó về phía mình, Nga cũng đã chủ động bày tỏ thiện chí làm “sống lại” mối quan hệ với EU. Trong ngày 26-2, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã có cuộc hội đàm với người đồng cấp Bồ Đào Nha Augusto Santos Silva, thảo luận thực trạng quan hệ song phương, cũng như mối quan hệ giữa Moscow với EU và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Hai bên nhất trí cho rằng việc khôi phục quan hệ hợp tác giữa Nga và EU đáp ứng lợi ích của toàn lục địa châu Âu.

Ông Lavrov nhấn mạnh, Moscow đã thể hiện thiện chí sẵn sàng khôi phục tất cả các kênh đối thoại, hợp tác, những dự án cùng có lợi, vốn bị đóng băng sau mùa Xuân năm 2014, thời điểm Nga bị phương Tây áp đặt các biện pháp trừng phạt với cáo buộc liên quan đến cuộc khủng hoảng tại Ukraine, mà không đặt ra bất cứ điều kiện nào. Theo ông Lavrov, nhiều quốc gia thành viên EU đã hiểu được sự nguy hại thực trạng hiện nay trong quan hệ với Nga và bày tỏ mong muốn khắc phục tình trạng này.

Dẫu vậy, Moscow vẫn tỏ quan điểm nước này sẽ không bao giờ tiến hành bất cứ cuộc đàm phán nào với EU hay các nước tham gia trừng phạt Nga về những điều kiện dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt. Ngoại trưởng Nga cũng lưu ý với người đồng cấp Bồ Đào Nha về hành động của NATO tăng cường hoạt động quân sự sát biên giới Nga. Moscow coi đây là những hành động thù địch và đang làm xói mòn nghiêm trọng ổn định chiến lược, niềm tin tại châu Âu và Đại Tây Dương nói chung.

Theo đánh giá của các nhà phân tích, mối quan hệ giữa Nga và EU vốn chưa thể cải thiện do những bất đồng sâu sắc chung quanh cuộc khủng hoảng tại miền Đông Ukraine. Mặc dù các bên đã nhiều lần thể hiện mong muốn xoa dịu căng thẳng trong quan hệ song phương, nhưng để biến những mong muốn này thành hiện thực, hai bên cần phải tận dụng bất cứ cơ hội chính trị nào để đưa mối quan hệ thoát khỏi tình trạng bế tắc hiện nay. EU và Nga có những lợi ích chung không thể tách rời, bởi vậy càng sớm cải thiện mối quan hệ, hai bên càng ít hứng chịu những tổn thất nặng nề từ việc đáp trả trừng phạt lẫn nhau.

HÂN NGỌC

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/doi-song-quoc-te/quan-he-nga-eu-co-dau-hieu-tan-bang-532480