Quan hệ Mỹ - Trung: Vừa đàm, vừa điều tàu chiến

Trong lúc đoàn đại diện Mỹ đến Trung Quốc bàn giải pháp cho cuộc chiến thương mại, Washington thông báo một tàu khu trục của họ vừa tiến sát quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam mà Trung Quốc đang chiếm đóng để khẳng định tự do hàng hải.

Quang cảnh cuộc đàm phán Mỹ - Trung về thương mại tại Bắc Kinh ẢNH: SCMP

Quang cảnh cuộc đàm phán Mỹ - Trung về thương mại tại Bắc Kinh ẢNH: SCMP

Hôm qua, Phó Đại diện thương mại Mỹ Jeffrey Gerrish dẫn đầu đoàn Mỹ đến Bắc Kinh để gặp đoàn đại diện cấp thứ trưởng của Trung Quốc trong cuộc gặp kéo dài 2 ngày nhằm tìm giải pháp cho cuộc chiến thương mại sau khi giai đoạn đình chiến 90 ngày kết thúc vào tháng 3 tới.

Trước đó, ông Trump nói rằng quá trình đàm phán giữa hai bên đang diễn ra thuận lợi, và rằng những yếu kém trong nền kinh tế Trung Quốc khiến Bắc Kinh có lý do để tiến tới thỏa thuận.
SCMP dẫn lời một cố vấn giấu tên về chính sách thương mại của chính phủ Trung Quốc, nói rằng sau cuộc gặp này, một thỏa thuận lớn có thể sẽ được thống nhất ở cấp cao hơn là Phó Thủ tướng Lưu Hạc và Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer.

Nhưng các nhà quan sát cho rằng sức ép về thời gian và quá nhiều vấn đề cần giải quyết, trong đó có cả những vấn đề mà Bắc Kinh coi là nòng cốt đối với sự phát triển của họ, khiến hai bên khó đạt được thỏa thuận đáng kể.

Ông Dutt cho rằng kết quả dễ xảy ra nhất là Trung Quốc sẽ chấp nhận một số nhượng bộ nhỏ, có thể trong vấn đề chuyển giao công nghệ hay bảo vệ sở hữu trí tuệ, hoặc tiếp cận thị trường cho hàng hóa và năng lượng. “Điều đó sẽ giúp chính quyền Trump tuyên bố chiến thắng và tiếp tục”, ông Dutt nói.

GS Vương Nghĩa Vĩ, một chuyên gia về quan hệ quốc tế tại ĐH Nhân dân Trung Quốc, cho rằng Bắc Kinh lần này sẽ đưa ra cam kết cụ thể về mở rộng tiếp cận thị trường, cải thiện bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và giảm thâm hụt thương mại với Mỹ, nhưng sẽ mất thời gian để cải tổ các doanh nghiệp sở hữu nhà nước - một vấn đề gây căng thẳng khác cho quan hệ hai nước.
Ông Vương đánh giá Mỹ lần này ít gây ồn ào hơn. “Đã đến lúc cả hai nước vạch ra kế hoạch rõ ràng về những điều sẽ làm”, ông Vương nói.

Thách thức đòi hỏi chủ quyền thái quá

Trong khi cuộc đàm phán diễn ra, phát ngôn viên Hạm đội Thái Bình Dương Rachel McMarr công bố thông tin tàu khu trục USS McCampbell của Mỹ thực hiện chuyến tuần tra tự do hàng hải với chuyến đi vào vùng 12 hải lý quanh quần đảo Hoàng Sa để “thách thức những đòi hỏi chủ quyền trên biển thái quá”, Reuters hôm qua dẫn lời thông cáo từ ông McMarr gửi qua email. Hoạt động này không nhằm vào bất kỳ ai hoặc nhằm đưa ra tuyên bố chính trị nào, ông McMarr nói. Phía Mỹ cũng không nói cụ thể thời điểm tàu của họ vào gần Hoàng Sa.

Phản ứng trước thông tin trên, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng cho rằng hoạt động của Mỹ “vi phạm luật của Trung Quốc” và thúc giục Mỹ ngừng những hành động như vậy, cho dù quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.

Việt Nam nhiều lần khẳng định có đủ bằng chứng lịch sử và pháp lý để khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Việt Nam cũng hoan nghênh những hoạt động của các bên đóng góp cho hòa bình, ổn định, tự do hàng hải và tự do bay ở khu vực.

Kết quả cuộc khảo sát trên hơn 1.000 chuyên gia, nhà phân tích và lãnh đạo doanh nghiệp ở Đông Nam Á do Trung tâm nghiên cứu ASEAN thuộc Viện ISEAS-Yusof Ishak tại Singapore thực hiện và vừa công bố kết quả cho thấy khu vực này đang mất niềm tin vào vai trò của Mỹ ở khu vực và lo ngại sâu sắc về sự trỗi dậy của Trung Quốc. Hơn 68% số người trả lời nghi ngờ Mỹ trong vai trò “đối tác chiến lược và người bảo đảm an ninh khu vực”. Chỉ 8,9% số người được hỏi coi Trung Quốc là “cường quốc tốt và tử tế”. Gần 45% cho rằng 2019 sẽ là năm đầy biến động.

Bình Giang

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/the-gioi/quan-he-my-trung-vua-dam-vua-dieu-tau-chien-1364717.tpo