Quan hệ Mỹ-Trung bất ngờ 'đảo lộn' vì cái chết sinh viên Mỹ?

Ảnh hưởng bất ngờ tới cuộc gặp ngoại giao, an ninh thường niên Mỹ-Trung từ cái chết của sinh viên Mỹ Otto Warmbier.

Kênh CNN nhận định, cái chết của cựu sinh viên Otto Warmbier – chỉ chưa đầy một tuần sau khi được Triều Tiên trao trả - có thể khiến Mỹ thể hiện một thái độ cứng rắn hơn trước Trung Quốc trong cuộc gặp mặt sắp tới giữa hai bên vào thứ Tư (21/6).

Thái độ cứng rắn hơn trước Trung Quốc

Cho đến thời điểm hiện tại, chính sách của Washington đối với tham vọng vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng, đã khiến Bắc Kinh tăng cường sức ép lên quốc gia đồng minh lâu năm.

Các nhà quan sát cho rằng, đây là cách tiếp cận tương tự với chiến lược của chính quyền Obama, và dường như, nó vẫn chưa cho thấy một kết quả khả quan hơn trong việc hạn chế tốc độ phát triển vũ khí hạt nhân và khả năng tên lửa của Triều Tiên.

“Nếu có một hồi chuông cảnh tình đòi hỏi hành động mạnh mẽ hơn, đó chính là cái chết của Otto,” Bruce Klingner, học giả cấp cao của Trung tâm nghiên cứu châu Á thuộc Quỹ Di sản nhận định.

Hôm qua (19/6), chàng trai 22 tuổi Otto Warmbier đã qua đời sau khi trở lại Mỹ vào ngày 13/6, kết thúc 17 tháng bị giam giữ tại Triều Tiên. Tin tức này đã nhanh chóng làm dấy lên những phản ứng dữ dội từ Quốc hội Mỹ.

“Nước Mỹ không thể và sẽ không tha thứ cho việc công dân nước mình bị các thế lực thù địch giết chết,” Thượng nghị sỹ John McCain tuyên bố. “Triều Tiên đang đe dọa các quốc gia láng giếng, phá hủy sự ổn định của khu vực châu Á – Thái Bình Dương và không ngừng tìm cách phát triển công nghệ để chống lại Mỹ bằng vũ khí hạt nhân,” ông McCain nói tiếp. “Và giờ đây họ đang leo thang đến mức gây nguy hại cho công dân Mỹ, bao gồm cả ba công dân hiện vẫn đang bị nước này giam giữ.”

Cựu sinh viên Mỹ Otto Warmbier trong cuộc họp báo tại Bình Nhưỡng

Cái chết của Warmbier diễn ra chỉ hai ngày trước cuộc đối thoại ngoại giao và an ninh thường niên Mỹ - Trung. Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson và Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis dự định sẽ gặp gỡ với các đồng nghiệp đến từ Trung Quốc tại Washington.

Tổng thống Trump đối mặt với áp lực

Sự kiện Warmbier có thể “ép” Tổng thống Donald Trump có một thái độ cứng rắn hơn nữa với Triều Tiên; và điều này nhiều khả năng khiến quan hệ Trung – Mỹ trở nên căng thẳng hơn. “Như ông Obama, Tổng thống Trump đã thể hiện giọng điệu cứng rắn, nhưng vẫn chưa trực diện tấn công cả Trung Quốc và Triều Tiên,” ông Klinger nói.

Học giả cho rằng, Washington chưa thực hiện được cái gọi là “các lệnh cấm vận thứ cấp” lên các công ty Trung Quốc hiện đang kinh doanh với Triều Tiên, đặc biệt là các công ty “dính dáng” đến việc phát triển công nghệ hạt nhân và tên lửa của nước này.

Chính quyền Mỹ chỉ áp dụng các lệnh trừng phạt lên “một số giới hạn những công ty Triều Tiên vi phạm, và tiếp tục bỏ qua cho những công ty Trung Quốc vi phạm, với một niềm tin ngây thơ rằng, Chủ tịch Tập sẽ làm nhiều hơn những gì Trung Quốc đã thực hiện trong quá khứ,” Klingner nói. “Chúng ta đã nghe điệp khúc này quá nhiều lần trước đây, và luôn bị thất vọng.”

Leon Panetta, cựu Bộ trưởng Quốc phòng dưới thời Tổng thống Obama từ năm 2011 – 2013 lưu ý, “các lệnh cấm vận đã có sẵn”, và “chúng có thể được áp dụng một cách mạnh mẽ hơn” bởi chính nước Mỹ và người Trung Quốc.

Ông Panetta nhận định, trước cái chết của Warmbier, những lựa chọn cho chính quyền Tổng thống Trump bao gồm yêu cầu một lời giải thích từ Trung Quốc, phản đối ngoại giao, và tăng cường cấm vận. “Chính phủ Trung Quốc cần phải tìm xem điều gì đã xảy ra,” ông Panetta nói với kênh CNN.

Mặc dù từng bày tỏ nguyện vọng gặp mặt với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, nhưng thời gian gần đây, Tổng thống Trump đã liên tục nhắc lại rằng, nếu Trung Quốc không thể “xử lý” Bình Nhưỡng, Mỹ sẵn sàng đơn phương làm việc này.

Phản ứng của Mỹ trước cái chết của Otto Warmbier

Hôm qua, Tổng thống Trump đã bày tỏ sự cảm thông sâu sắc với gia đình của Warmbier, gọi Triều Tiên là “một chế độ tàn ác” và nói với các CEO của một loạt các tập đoàn công nghệ cao rằng, đã có nhiều điều tồi tệ xảy ra với cựu sinh viên này khi anh bị bắt giữ tại quốc gia châu Á.

“Số mệnh của Otto đã khẳng định hơn nữa quyết tâm của chính quyền [Mỹ] trong việc ngăn chặn những bi kịch tương tự xảy đến với những con người vô tội, do những chính quyền không tuân thủ luật pháp hoặc các nguyên tắc nhân đạo cơ bản làm ra,” Tổng thống Trump nói. “Nước Mỹ một lần nữa phản đối sự tàn bạo của Triều Tiên khi chúng ta than khóc cho nạn nhân mới nhất của nó…”

Tổng thống Trump bày tỏ sự cảm thông sâu sắc với gia đình Otto Warmbier

Ngoại trưởng Mỹ Tillerson cho biết, nước Mỹ muốn Triều Tiên phải chịu trách nhiệm cho “sự bắt giữ bất hợp pháp Otto Warmbier”, và yêu cầu Bình Nhưỡng trao trả ba người còn lại hiện vẫn đang bị nước này cầm tù.

Theo Susan Thornton, quyền Trợ lý Ngoại trưởng về Các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương, Triều Tiên sẽ là chủ đề quan trọng cho ông Tillerson và ông Mattis trong các cuộc nói chuyện với Trung quốc vào thứ Tư sắp tới. Các quan chức Mỹ “đặt mục tiêu đẩy mạnh hợp tác cụ thể với Trung Quốc vì một giải pháp hòa bình cho mối đe dọa hạt nhân và tên lửa từ Triều Tiên,” bà Thornton chia sẻ với phóng viên. “Chúng tôi tiếp tục yêu cầu Trung Quốc sử dụng ảnh hưởng của vị thế là đối tác thương mại lớn nhất của Triều Tiên, bao gồm cả việc thực hiện toàn bộ các lệnh trừng phạt của Hội đồng bảo an.”

Klingner dự đoán, trong cuộc gặp gỡ với Trung Quốc, “thông điệp nên được đưa ra rất rõ ràng rằng, thỏa hiệp không sử dụng các lệnh cấm vận thứ cấp của Mỹ sẽ chấm dứt.”

Việc chính quyền Mỹ do dự không áp dụng các lệnh trừng phạt thứ cấp, theo chuyên gia này, sẽ chỉ đơn giản là khiến các công ty vi phạm Trung Quốc “có quyền miễn nhiễm với luật pháp Mỹ.”

(Theo CNN)

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/the-gioi/quan-he-mytrung-bat-ngo-dao-lon-vi-cai-chet-sinh-vien-my-243524.html