Quan hệ Mỹ-Triều căng thẳng trở lại

Đối đầu Mỹ-Trung đang cản trở vấn đề Triều Tiên.

Ngày 30/8, Ngoại trưởng Hàn Quốc Kang Kyung Wha thông báo với Quốc hội nước này, cho biết chuyến thăm Bình Nhưỡng vào tháng 9 của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In vẫn diễn ra như đự định, sẽ chứng minh vai trò của Tổng thống Moon Jae In trong bối cảnh tiến trình đàm phán phi hạt nhân hóa Mỹ-Triều đang bế tắc. Vai trò trung gian của Hàn Quốc đứng trước thử thách mới.

Mỹ và Trung Quốc vẫn quyết định quan hệ Liên Triều?

Ngày 29/8, tại phiên họp toàn thể của Ủy ban tình báo Quốc hội Hàn Quốc, Giám đốc Cơ quan tình báo Hàn Quốc Suh Hoon thông báo nội dung bức thư Ngoại trưởng Mike Pompeo gửi Ngoại trưởng Kang Kyung Wha, cho biết sẽ không đạt kết quả gì khi ông đến Bình Nhưỡng, bởi sự khác biệt về lập trường của Mỹ và Triều Tiên còn khá lớn. Triều Tiên yêu cầu Mỹ phải thông qua tuyên bố chấm dứt chiến tranh Triều Tiên trước, trong khi Mỹ lại yêu cầu Triều Tiên phải phi hạt nhân hóa trước.

Chuyến thăm bị hủy ngay sau khi Mỹ nhận được mật thư từ phía Triều Tiên. Bức thư nhấn mạnh, Mỹ vẫn chưa thể hiện ý chí thực sự để ký Hiệp ước Hòa bình chính thức chấm dứt chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên, thay vì đó, Mỹ lặp lại yêu cầu đòi Triều Tiên phải từ bỏ vũ khí hạt nhân trước. Các cuộc đàm phán hiện tại giữa Mỹ và Triều Tiên đang có nguy cơ “đình trệ và đổ vỡ”.

Hôm 24/8, Tổng thống Donald Trump đã hủy chuyến thăm Bình Nhưỡng của Ngoại trưởng Mike Pompeo vì lá thư của ông Kim Yong Chol, Phó Chủ tịch Đảng và cựu lãnh đạo cơ quan tình báo Triều Tiên, có giọng điệu hiếu chiến.

Liên quan đến quan hệ Liên Triều, ngày 30/8, Hàn Quốc và Triều Tiên đã không tiến hành được cuộc khảo sát thực địa về một tuyến đường sắt liên Triều, do Bộ Chỉ huy của Liên hợp quốc (UNC) không cho phép chuyển các thiết bị liên quan quan Khu vực phi quân sự (DMZ), với lý do Hàn Quốc không thông báo cho UNC 48 tiếng trước khi tiến hành.

Đồng thời, việc mở văn phòng liên lạc Liên Triều dự kiến diễn ra trong tháng này cũng gặp trở ngại.

Trung Quốc thọc gậy bánh xe?

Về quan hệ Mỹ - Triều, ngày 30/8, Tổng thống Trump cáo buộc Trung Quốc là nguyên nhân chính khiến quá trình đàm phán giữa Mỹ và Triều Tiên bị tê liệt như hiện nay. Ông Trump đề cập tới cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung và nói rằng Mỹ đang làm tốt, trong khi Trung Quốc đang phải trải qua thời gian khó khăn. Do đó, Trung Quốc đã tìm cách cản trở Triều Tiên thực hiện các cam kết. Tổng thống Donald Trump tiếp tục nhấn mạnh về mối quan hệ tốt đẹp với Chủ tịch Kim Jong-un, cũng như sự tin tưởng giữa hai nhà lãnh đạo trong bối cảnh quan hệ Mỹ-Triều đang phát sinh căng thẳng sau khi ông Trump tuyên bố hủy chuyến thăm Triều Tiên của Ngoại trưởng Mỹ.

Sau cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo Trung-Triều, chưa rõ Chủ tịch Tập Cận Bình có thăm Triều Tiên trong tháng 9 này hay không.

Cũng về quan hệ Mỹ - Triều, ngày 30/8, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết sẽ gia hạn thêm một năm lệnh cấm công dân Mỹ tới Triều Tiên do vẫn lo ngại về việc bắt giữ, giam cầm trong thời gian dài công dân Mỹ. Lệnh cấm được ban hành từ ngày 1/9/2017 và hết hạn vào ngày 31/8.

Tại cuộc họp báo ở Lầu Năm Góc ngày 28/8, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis cho biết quân đội Mỹ chưa có kế hoạch trì hoãn thêm bất kỳ cuộc tập trận quân sự nào với Hàn Quốc, đồng thời, lưu ý rằng việc hoãn cuộc tập trận vào mùa hè vừa qua - một cử chỉ thiện chí đối với Triều Tiên - không phải là vô thời hạn.

Nhật Bản gặp Triều Tiên sau lưng Mỹ

Theo báo Washington Post ngày 28/8, trong tháng 7/2018, quan chức tình báo nội các Nhật Bản Kitamura và người phụ trách về quan hệ liên Triều Kim Sheng Hui, Trưởng phòng, Ban Mặt trận Thống nhất Triều Tiên, đã gặp gỡ bí mật tại Việt Nam. Được biết, cuộc gặp không được thông báo trước với phía Mỹ. Nội dung cuộc gặp có thể là nhằm trao đổi về vấn đề Triều Tiên bắt cóc công dân Nhật Bản.

Báo Telegraph của Anh nhận xét, cuộc gặp này cho thấy sự lo ngại ngày càng tăng của Tokyo rằng Nhật không thể phụ thuộc vào Mỹ để giải quyết vấn đề công dân Nhật Bản bị Triều Tiên bắt cóc.

Tổng thống Mỹ Donald Trump từng khẳng định ông đã nhắc tới việc người dân Nhật bị bắt cóc trong hội nghị thượng đỉnh với lãnh đạo Triều Tiên hồi tháng 6. Nhưng, tuyên bố chung giữa hai nhà lãnh đạo không đề cập tới những vụ bắt cóc công dân Nhật Bản.

Các quan chức cấp cao của Mỹ bày tỏ sự giận dữ, cho rằng Nhật Bản không thẳng thắn, trong khi Washington gần như liên tục cập nhật cho Tokyo về tình hình quan hệ với Bình Nhưỡng.

Một động thái khác trong quan hệ Triều-Nhật: ngày 28/8, du khách Nhật Bản bị Triều Tiên bắt giữ đầu tháng 8/2018 đã được “trục xuất”. Liệu đây có phải là động thái thể hiện Triều Tiên thay đổi thái độ với Nhật Bản hay không, cần tiếp tục quan sát. Ngày 28/8, Ngoại trưởng Nhật Bản chỉ nói rằng “không có gì để bình luận về ý đồ của đối phương”.

Trong sách trắng về quốc phòng được công bố ngày 28/8, Bộ Quốc phòng Nhật Bản nhận định Triều Tiên vẫn là một mối đe dọa nghiêm trọng và sắp xảy ra”.

Mỹ không vội vã. Trung Quốc cũng không ủng hộ việc giải quyết vấn đề Triều Tiên giữa Mỹ và Triều Tiên, mà phớt lờ vai trò của Bắc Kinh. Người sốt ruột có lẽ là phía Hàn Quốc. Cuộc gặp Thượng đỉnh Liên Triều có thể có tác dụng nào đó, nhưng không thể tạo đột phá khi Mỹ và Trung Quốc đối đầu như hiện nay./.

Lưu Việt

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/the-gioi/quan-he-mytrieu-cang-thang-tro-lai-361806.html