Quan hệ Mỹ - Nga: Vết rạn khó hàn gắn

Trong lần đầu tiên với tư cách là Ngoại trưởng Mỹ thăm và làm việc tại Nga, ông Mike Pompeo đã thể hiện các quan điểm khác Bộ trưởng Ngoại giao Nga Vladimir Lavrov về cuộc bầu cử ở Venezuela, Ukraine, Iran và Mỹ tại một cuộc họp báo diễn ra hôm thứ Ba vừa qua.

Tổng thống Vladimir Putin của Nga (bên phải thứ hai) chào mừng Ngoại trưởng Mike Pompeo trước cuộc hội đàm của họ tại thành phố nghỉ mát ở Biển Đen (Nga)

Những quan điểm xa cách

Mặc dù Tổng thống Vladimir Putin từng bày tỏ hy vọng rằng cuộc điều tra nghi vấn sự can thiệp từ Nga tới cuộc bầu cử Mỹ kết thúc sẽ đồng thời làm sáng tỏ những phương cách để khôi phục đầy đủ mối quan hệ giữa hai cường quốc, nhưng các nhà ngoại giao hàng đầu của Nga và Mỹ đã tuyên bố khá rõ ràng về quan điểm ngày càng xa cách trong các vấn đề liên quan đến Iran, nghi vấn can thiệp bầu cử Mỹ và một loạt các cuộc khủng hoảng trên thế giới.

Trong khu nghỉ mát ở Biển Đen của Nga, cả Ngoại trưởng Mike Pompeo và Bộ trưởng Ngoại giao Nga Vladimir Lavrov, đã mô tả họ đã có một cuộc thảo luận ngoại giao bình thường, thẳng thắn, mặc dù có những bất đồng giữa hai bên, khiến tình trạng quan hệ giữa hai quốc gia không mấy tốt đẹp. Tuy nhiên, ông Lavrov cũng cho rằng: “Rõ ràng là quan hệ của hai nước đang trong thời điểm trở nên tốt đẹp hơn”.

Trong cuộc họp báo chung sau đó, ông Pompeo đã có một số từ ngữ đặc biệt sắc bén về “sự can thiệp của Nga” vào cuộc bầu cử của Mỹ và nói với người đồng cấp rằng sự can thiệp này là không thể chấp nhận được, và nếu quả thật người Nga muốn can dự vào bầu cử của Mỹ năm 2020 thì mối quan hệ của hai nước sẽ trở nên tồi tệ hơn nữa.

Trong khi đó, việc chính quyền Trump đang gây áp lực với Iran bằng các biện pháp trừng phạt kinh tế và triển khai quân sự, cũng như các cuộc tấn công bí ẩn vừa qua nhằm vào tàu chở dầu và đường ống thuộc chủ quyền của đối thủ lớn của Iran là Ả-rập Xê-út cũng dấy lên lo ngại về một cuộc xung đột bạo lực sắp tới.

Mặc dù, ông Lavrov và ông Pompeo đã gây ấn tượng rằng Iran cũng như thỏa thuận hạt nhân năm 2015 mà Mỹ đã rút khỏi không phải là vấn đề được ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự của họ, nhưng câu chuyện của họ hầu hết vẫn xoay quanh các vấn đề này. Ông Pompeo phát biểu: “Chúng tôi mong muốn Iran hành xử như một quốc gia bình thường” - ông Pompeo nói - “không tài trợ cho khủng bố và ám sát, không phát triển vũ khí tấn công. Về cơ bản, chúng tôi không tìm kiếm một cuộc chiến với Iran”.

Cơ hội nào hàn gắn quan hệ Mỹ - Nga?

Một lần nữa, ông Lavrov phẫn nộ phủ nhận ý kiến cho rằng Nga đã can thiệp vào cuộc bầu cử năm 2016 của Mỹ. Sau đó, Ngoại trưởng của hai nước đã gặp ông Putin. Tổng thống Nga cho biết, ông mong chờ báo cáo của cố vấn đặc biệt Robert S. Mueller III được công bố, trong đó có đề cập đến việc cho phép những hợp tác lớn hơn giữa Mỹ và Nga.

“Cần phải tin tưởng ông ấy”, ông Putin nói về ông Mueller trong một cuộc họp báo ngắn trước khi ông gặp ông Pompeo. “Nói chung, ông đã thực hiện một cuộc điều tra khách quan và xác nhận rằng không hề có bất kỳ bằng chứng nào về âm mưu của Nga đối với chính quyền Mỹ hiện nay”.

Và mặc dù một phần đáng kể trong báo cáo nêu chi tiết những nỗ lực của Nga nhằm tác động đến cuộc bầu cử năm 2016, ông Putin vẫn nhận định khá lạc quan về cuộc hội đàm qua điện thoại với ông Trump vài ngày trước đó: “Tôi có ấn tượng rằng Tổng thống Mỹ đang cố gắng khôi phục các mối quan hệ và liên lạc giữa Mỹ và Nga” - ông nói thêm - “Tôi hy vọng bây giờ chúng ta đã có những điều kiện cần thiết cho điều này”.

Trong cuộc họp báo với ông Lavrov, ông Pompeo cho biết ông đang nỗ lực để biến ý tưởng cải thiện quan hệ Nga - Mỹ của Tổng thống Trump thành hiện thực. Hai nhà ngoại giao đã thảo luận nhiều về những tranh chấp đang diễn ra trong những tháng gần đây mà mỗi bên đều đứng về phía đối nghịch, bao gồm cả vấn đề Iran và cuộc khủng hoảng ở Venezuela.

Cả hai cũng nêu ra khả năng mở các cuộc đàm phán về việc mở rộng hiệp ước hạt nhân duy nhất còn lại giữa Moscow và Washington, được gọi là New Start, trong đó quy định giới hạn số lượng tên lửa liên lục địa, đầu đạn và máy bay ném bom hạng nặng mỗi loại. Tuy nhiên, việc chính quyền Trump hủy bỏ một hiệp ước tên lửa tầm trung khiến ông Putin cũng rút ra để đáp trả khiến nhiều người nghi ngờ về triển vọng mở rộng hiệp ước New Start, theo dự kiến sẽ hết hạn vào năm 2021.

Ông Lavrov nói rằng, Nga không ủng hộ các cuộc đàm phán về giải trừ hạt nhân với Triều Tiên, vốn được nhìn nhận như sáng kiến đối ngoại mang dấu ấn của ông Trump. Mặc dù Tổng thống Nga đã gặp nhà lãnh đạo Kim Jong-un vào tháng trước, nhưng ông Lavrov không đưa ra gợi ý nào cho thấy sự bế tắc trong các cuộc đàm phán hạt nhân sẽ sớm bị phá vỡ.

Kiều Trinh (TH)

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/the-gioi/quan-he-my-nga-vet-ran-kho-han-gan-4003710-b.html