Quan hệ Mỹ - NATO dưới thời Donald Trump

Chỉ ít ngày sau khi tỷ phú Donald Trump đắc cử Tổng thống thứ 45 của Mỹ, Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã phải lên tiếng bày tỏ quan ngại, trong khi Liên minh châu Âu phải nhóm họp khẩn để bàn cách 'ứng xử'. Những lo ngại của giới lãnh đạo NATO và EU là dễ hiểu sau những tuyên bố cứng rắn của ông Trump thời gian qua. Thế nhưng, liệu quan hệ giữa Mỹ và các đồng minh thân cận sẽ 'xuống dốc' như nhiều ý kiến lo ngại?Đồng minh lo lắngMỹ khó 'quay lưng'Khang DuyTIN LIÊN QUAN8 năm làm Tổng thống Mỹ của Barack Obama qua 100 bức ảnh (Phần 1)NATO lo ngại Donald Trump sẽ đưa quân Mỹ ra khỏi châu ÂuKinh tế Việt Nam bị ảnh hưởng như thế nào khi Trump làm tổng thống Mỹ?Quan hệ Mỹ - EU có thể xấu đi sau cuộc bầu cử tổng thốngHy vọng vào sự thay đổi trong quan hệ Mỹ - Nga

(Baonghean) - Chỉ ít ngày sau khi tỷ phú Donald Trump đắc cử Tổng thống thứ 45 của Mỹ, Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã phải lên tiếng bày tỏ quan ngại, trong khi Liên minh châu Âu phải nhóm họp khẩn để bàn cách “ứng xử”. Những lo ngại của giới lãnh đạo NATO và EU là dễ hiểu sau những tuyên bố cứng rắn của ông Trump thời gian qua. Thế nhưng, liệu quan hệ giữa Mỹ và các đồng minh thân cận sẽ “xuống dốc” như nhiều ý kiến lo ngại?

Đồng minh lo lắng

Có lẽ trong nhiều kỳ bầu cử Tổng thống trở lại đây, chưa có lần nào, các đồng minh thân cận của Mỹ như các các nước thuộc Liên minh châu Âu hay NATO lại phải bận tâm lo lắng, họp khẩn và đưa ra các tuyên bố quan ngại như lần này. Trong tuyên bố mới nhất, Tổng Thư ký Hiệp ước Bắc Đại Tây dương NATO Jens Stoltenberg đã phải đưa ra lời cảnh báo Tổng thống đắc cử của Mỹ Donald Trump rằng, “tự chọn cho mình một lối đi riêng không phải là một ý tưởng hay, cả với châu Âu và Mỹ”.

Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg cảnh báo chính sách “đơn phương” của Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump. (Nguồn: Getty Image)

Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg cảnh báo chính sách “đơn phương” của Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump. (Nguồn: Getty Image)

Tuyên bố này cũng dễ hiểu khi trong chiến dịch tranh cử của mình suốt thời gian qua, tỷ phú Donald Trump không ít lần mô tả NATO là một tổ chức đã lỗi thời; đồng thời đặt vấn đề rằng liệu nước Mỹ có nên tiếp tục hỗ trợ quá nhiều cho các đồng minh NATO nữa hay không. Cũng có nghĩa, Mỹ sẽ không bảo vệ các thành viên NATO vô điều kiện trong trường hợp một quốc gia thành viên bị tấn công, mà sẽ xem xét đóng góp của quốc gia đó như thế nào.

Không chỉ vậy, ông Trump còn không ít lần thể hiện sự ngưỡng mộ đối với Tổng thống Nga Vladimir Putin, khiến các quốc gia thành viên NATO “đứng ngồi không yên”. Đặc biệt các nước Đông Âu lo ngại rằng, rất có khả năng vị tân Tổng thống Mỹ sẽ có những thỏa thuận mới với Nga và quay lưng lại với họ; đồng nghĩa, an ninh của những nước này sẽ khó có thể đảm bảo.

Quân đội Mỹ tham gia một cuộc tập trận của NATO ở Latvia (Nguồn: Guardian)

Trong một tuyên bố, Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier đã nhận định rằng, chiến thắng của ông Trump nhiều khả năng sẽ khiến mọi việc trở nên khó khăn hơn với các đồng minh của Mỹ. Chính Tổng thống Mỹ đương nhiệm Barack Obama trước xu hướng biệt lập chủ nghĩa của tỷ phú Donald Trump, hiện đang phải thực hiện chuyến công du gần như cuối cùng đến các nước châu Âu để trấn an. Ngay trước chuyến công du đến Hy Lạp và Đức, ông Obama đã khẳng định rằng, châu Âu vẫn là đối tác kinh tế lớn nhất của Mỹ và lợi ích kinh tế của Mỹ phải gắn liền với một châu Âu ổn định và thịnh vượng.

Mỹ khó “quay lưng”

Các đồng minh lo lắng là vậy nhưng giới quan sát cho rằng, có nhiều lý do để ông Donald Trump chưa thể thực hiện ngay những cam kết cứng rắn mà ông đã đưa ra trong quá trình tranh cử, trong đó có mối quan hệ với các nước đồng minh châu Âu và cả trong khối NATO. Thứ nhất, vô vàn khó khăn đối nội đang đặt ra trước mắt ông Trump, đó là những mâu thuẫn và chia rẽ trong nội bộ đất nước giữa hai phe Dân chủ và Cộng hòa, vốn đã trở nên vô cùng nghiêm trọng sau cuộc bầu cử Tổng thống vừa qua. Trong khi đó, hiện vẫn đang xảy ra các cuộc biểu tình phản đối Tổng thống mới tại Mỹ. Đây là lý do ông Trump chưa thể bận tâm và đưa ra những quyết định “gây sốc” đối với các đồng minh thân cận.

Những lời ngưỡng mộ mà ông Donald Trump dành cho Tổng thống Nga Vladimir Putin khiến giới lãnh đạo NATO quan ngại. (Nguồn: Getty Image)

Tiếp đó, việc “bớt mặn mà” và cứng rắn hơn với các quốc gia đồng minh sẽ chỉ khiến nước Mỹ đối diện với nhiều khó khăn hơn mà thôi. Có thể thấy, một mối quan hệ hợp tác kinh tế giữa Mỹ và các nước châu Âu cũng là phần không nhỏ để giúp nước Mỹ duy trì đà tăng trưởng và tạo thêm việc làm, đặc biệt khi Hiệp định thương mại xuyên Đại Tây Dương (TTIP) đạt được trong tương lai.

Mặt khác, nước Mỹ cũng không thể một mình hợp tác với Nga hay với Trung Quốc để chống lại các lực lượng khủng bố đang ngày càng hoành hành khắp toàn cầu. Cùng với đó là hàng loạt vấn đề như cuộc khủng hoảng Ukraine, biến đổi khí hậu hay vấn đề di cư, chắc chắn Mỹ không thể “đơn độc” trên những mặt trận này. Trong khi đó, dù ông Donald Trump có xu hướng “mở cửa” với Nga hay không thì lợi ích quốc gia và việc khẳng định vị thế hàng đầu trên thế giới của Mỹ mới là điều quan trọng hơn cả.

Bên cạnh đó, không chỉ NATO và EU phản ứng, một đồng minh thân thiết khác của Mỹ tại châu Á là Nhật Bản mới đây cũng tuyên bố cứng rắn sẽ “không bỏ tiền thêm cho quân đội Mỹ đóng tại Nhật Bản”. Theo đó, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản, bà Tomomi Inada đã khẳng định “từ chối” và rằng, Nhật Bản đã gánh vác đầy đủ đối với vấn đề này bất chấp ông Trump từng nói Mỹ sẽ rời đi nếu Nhật Bản không đóng thêm chi phí.

Như vậy, quá nhiều lý do để thấy rằng, Tổng thống tương lai của nước Mỹ sẽ còn phải cân nhắc rất nhiều trước khi có một thái độ rõ ràng với các đồng minh NATO cũng như Liên minh châu Âu. Tất nhiên, quan hệ Mỹ - NATO, Mỹ - EU nếu có thay đổi cũng sẽ chỉ ở thì tương lai xa mà thôi.

Khang Duy

TIN LIÊN QUAN

Nguồn Nghệ An: http://baonghean.vn/quoc-te/201611/quan-he-my-nato-duoi-thoi-donald-trump-2755054/