Quan hệ Mỹ - Hàn rạn nứt vì bất đồng ngân sách quân sự

Trong bối cảnh Triều Tiên liên tục phản đối sự hợp tác quân sự giữa Mỹ và Hàn Quốc, mới đây, cuộc đàm phán về chia sẻ 'gánh nặng' ngân sách cho phòng thủ chung Mỹ - Hàn thất bại cho thấy sự leo thang căng thẳng về chi phí quân sự chung giữa 2 nước.

Hiện có khoảng 28.500 lính Mỹ đồn trú hợp tác với quân đội Hàn Quốc gìn giữ an ninh trên bán đảo Triều Tiên. Ảnh: AP

Hiện có khoảng 28.500 lính Mỹ đồn trú hợp tác với quân đội Hàn Quốc gìn giữ an ninh trên bán đảo Triều Tiên. Ảnh: AP

Sau thất bại của cuộc đàm phán, Trưởng đoàn đàm phán của Mỹ James DeHart ca ngợi mối quan hệ liên minh tuyệt vời Mỹ - Hàn lâu nay, nhưng đồng thời đưa ra chỉ trích Hàn Quốc không thiện chí khi đưa ra đề xuất mức ngân sách quá ít, không công bằng với Mỹ. Lý giải về việc đường đột rút khỏi bàn đàm phán, ông DeHart cho rằng, vì quan điểm của 2 bên đều nhất quán nên không thể có bất kỳ thỏa thuận tích cực nào. Phía Hàn Quốc cần phải xem xét lại trước yêu cầu của Mỹ và chi phí đóng góp quốc phòng của Hàn Quốc bắt buộc phải được tăng đáng kể cùng với những điều khoản mới do Mỹ đưa ra.

Theo truyền thông Hàn Quốc, so với năm 2019, mức đóng góp trong năm 2020 mà Mỹ đưa ra nhiều hơn gấp 5 lần (khoảng gần 5 tỷ USD) để đảm bảo chi phí cho lực lượng 28.500 binh lính Mỹ đồn trú tại bán đảo Triều Tiên. Cùng với đó là hàng loạt các điều khoản mới về việc đáp ứng chi phí hoạt động của quân đội Mỹ, thậm chí gồm cả chi phí dựng lán trại, vệ sinh, tập trận chung...

Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cho biết, Hàn Quốc chỉ chấp nhận đóng góp ở mức “có thể chấp nhận được” và đảm bảo công bằng, hợp lý trên tinh thần củng cố sức mạnh của liên minh và phục vụ mục tiêu phòng thủ chung. Việc đàm phán chưa thể có kết quả, bởi Mỹ đã bỏ ngang.

Giới chuyên gia quốc tế nhìn nhận, mâu thuẫn về ngân sách chung giữa 2 nước từ lâu đã nhen nhóm những nguy cơ chắc chắn dẫn tới sự “đổ vỡ” của mối quan hệ đồng minh này. Sự sụp đổ nghiêm trọng trong cuộc đàm phán vừa qua là minh chứng cho thấy sự rạn nứt đã trở nên nghiêm trọng và hiếm có trong mối quan hệ vốn “bền chặt” trong nhiều thập kỷ. Trong khi cả 2 bên đều cương quyết bảo vệ quan điểm về hạn mức ngân sách như hiện nay, nếu không có yếu tố mới mang tính đột phá tích cực, thì sự tan vỡ này dường như là điều chắc chắn.

Những cuộc đàm phán về ngân sách phòng thủ chung Mỹ - Hàn đã kéo dài suốt nhiều tháng qua và đang đi vào bế tắc. Tại Mỹ, những phe đối lập đang chỉ trích mạnh mẽ chính quyền của Tổng thống Donald Trump, cáo buộc Tổng thống đang tạo nên mối đe dọa trong quan hệ đồng minh.

Trên thực tế, cuộc chiến tranh giữa Triều Tiên và Hàn Quốc từ năm 1950 - 1953 mới chỉ dừng lại nhờ một thỏa thuận ngừng bắn kéo dài gần 70 năm qua và chưa chính thức chấm dứt như một thỏa thuận hòa bình thực sự. Hiện nay, Triều Tiên đang liên tục tăng tốc phát triển vũ khí khiến Hàn Quốc như “ngồi trên chảo lửa”. Trong khi đó, chính quyền Tổng thống Trump yêu cầu đồng minh Hàn Quốc phải đóng góp ngân sách nhiều hơn, nhằm san sẻ gánh nặng chi phí cho quân đội Mỹ.

Với quan điểm ưu tiên “nước Mỹ là trước tiên”, Tổng thống Donald Trump luôn cho rằng nước Mỹ đang phải gánh vác quá nhiều ngân sách cho quân sự, đảm bảo an ninh thế giới, trong khi các đồng minh của Mỹ đóng góp rất ít và thiếu công bằng. Không chỉ với Hàn Quốc, Mỹ cũng sẽ tiến hành đàm phán phân bổ lại chi phí an ninh chung năm 2020 với Nhật Bản, Đức và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO)...

Thanh Trúc

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/quan-he-my-han-ran-nut-vi-bat-dong-ngan-sach-quan-su/