Quan hệ Mỹ-Ấn: Tưởng vậy, không phải vậy!

Những thiếu sót của chính quyền Joe Biden làm dấy lên những lo ngại về tương lai quan hệ đối tác chiến lược Mỹ-Ấn Độ.

Từ khi lên nắm quyền, Tổng thống Joe Biden tỏ ra ý định tiếp tục ưu tiên và thúc đẩy quan hệ Mỹ-Ấn Độ. (Nguồn: PTI)

Từ khi lên nắm quyền, Tổng thống Joe Biden tỏ ra ý định tiếp tục ưu tiên và thúc đẩy quan hệ Mỹ-Ấn Độ. (Nguồn: PTI)

Trong những tuần gần đây, chính quyền của tân Tổng thống Mỹ Joe Biden đã triển khai nhiều hoạt động ngoại giao với các đồng minh và đối tác trên khắp khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Một trong những mục tiêu quan trọng nhất của đợt triển khai này là thúc đẩy quan hệ với Ấn Độ, một đối tác then chốt trong nỗ lực của Mỹ nhằm hạn chế sức mạnh ngày càng lớn của Trung Quốc.

Những điểm sáng

Về mặt tích cực, chính quyền Biden đã tỏ ra ý định tiếp tục ưu tiên và thúc đẩy quan hệ Mỹ-Ấn. Hướng dẫn Chiến lược An ninh Quốc gia tạm thời nêu rõ rằng Washington sẽ tìm cách “làm sâu sắc hơn quan hệ” với New Delhi.

Mỹ đã cử Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin đến New Delhi để gặp các nhà lãnh đạo Ấn Độ. Tại đây, ông Austin cam kết hai nước sẽ “phối hợp nhằm xây dựng năng lực lớn hơn trong tương lai”.

Các biện pháp này có thể thúc đẩy lòng tin giữa hai quốc gia, giúp trấn an Ấn Độ rằng bất chấp những thay đổi gần đây trong bộ máy chính quyền Mỹ, quan hệ đối tác Mỹ-Ấn vẫn ổn định.

Chính quyền Biden cũng thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ với Bộ tứ (gồm Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Australia), tham gia hội nghị thượng đỉnh lần đầu tiên giữa lãnh đạo các nước thành viên.

Tại cuộc họp, 4 nước đã nhắc lại cam kết chung nhằm duy trì một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương “tự do và rộng mở”, dựa trên “các giá trị dân chủ” và “pháp quyền”.

Mặc dù có sự tham gia của các nước ngoài Mỹ và Ấn Độ, nhưng chương trình ngoại giao Bộ tứ đã nâng cao lợi ích chung của hai nước bằng cách củng cố vai trò chiến lược của Ấn Độ trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương; mở rộng hợp tác Mỹ-Ấn từ khuôn khổ song phương thành đa phương; đặt nền tảng cho mối quan hệ đối tác 4 bên, với các điểm nút trải dài trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, nhằm liên kết các nỗ lực hạn chế sức mạnh của Trung Quốc.

Cuối cùng, chính quyền Biden đã đánh giá nghiêm túc mối đe dọa từ một Trung Quốc đang trỗi dậy, xác định đây là thách thức chiến lược cấp bách nhất của Mỹ, đồng thời công khai chỉ trích hành vi của Trung Quốc tại Hong Kong, Tân Cương và Biển Đông.

Bất chấp cuộc xung đột kéo dài và công khai với Pakistan, Trung Quốc đến giờ vẫn là mối quan tâm chiến lược cấp bách nhất của Ấn Độ. Nếu Ấn Độ muốn hợp tác chặt chẽ với Mỹ, nước này phải tin rằng Mỹ đánh giá cao tính nghiêm trọng của thách thức mang tên Trung Quốc và quyết tâm đối mặt với nó.

Việc Biden sẵn sàng đưa ra quan điểm cứng rắn với Trung Quốc có thể giúp thuyết phục Ấn Độ.

Và "Gót chân Achilles"

Bên cạnh những thành công nói trên, cách tiếp cận của chính quyền Biden đối với quan hệ đối tác Mỹ-Ấn đã thất bại trong một số lĩnh vực quan trọng, có thể dẫn đến nhiều vấn đề trong thời gian tới.

Chẳng hạn, mặc dù Hướng dẫn chiến lược tạm thời của chính quyền Biden hứa hẹn sẽ “làm sâu sắc hơn mối quan hệ” với Ấn Độ, nhưng tài liệu cũng đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của các đồng minh hiệp ước của Mỹ, mô tả các đồng minh này là “tài sản chiến lược lớn nhất”, có tầm quan trọng với Mỹ trong việc “buộc các nước như Trung Quốc chịu trách nhiệm về hành động của mình”.

Ngược lại, các đối tác phi đồng minh như Ấn Độ được cho là chỉ hữu ích trong việc chia sẻ gánh nặng và mở rộng “vòng tròn hợp tác” không xác định. Họ được gộp lại thành nhóm các quốc gia được ưu tiên hạng hai, trong đó có Ấn Độ và Việt Nam.

Tất nhiên, các đồng minh hiệp ước là điều cần thiết cho nỗ lực chiến lược của Mỹ ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Tuy nhiên, với quy mô của khu vực và những hạn chế cấp bách về nguồn lực, sự hỗ trợ của các đồng minh sẽ không đủ để đảm bảo thành công.

Các đối tác phi đồng minh có chung cam kết với Mỹ về một khu vực tự do và rộng mở cũng là yếu tố không thể thiếu để đối phó với Trung Quốc, đặc biệt là khi họ đưa lên bàn đàm phán các lợi thế chiến lược về địa lý, cũng như sức mạnh đáng kể về vật lý, kinh tế và quân sự, điển hình như trường hợp của Ấn Độ.

Do đó, việc hạ thấp giá trị của các đồng minh không chính thức là một hành động sai lầm.

Việc Bộ trưởng Quốc phòng Austin xử lý cùng lúc hai vấn đề nhạy cảm khiến Ấn Độ không hài lòng. (Nguồn: Reuters)

Chuyến thăm mới đây của ông Austin đến Ấn Độ báo trước những vấn đề tiềm ẩn khác trong quan hệ Mỹ-Ấn.

Ở một cấp độ cụ thể, chuyến thăm không có gì nổi bật khi nhấn mạnh tầm quan trọng trong việc duy trì hợp tác và đề xuất lĩnh vực hợp tác mới như trí tuệ nhân tạo, không gian và an ninh mạng.

Tuy nhiên, việc người đứng đầu Lầu Năm Góc xử lý cùng lúc hai vấn đề nhạy cảm đã khiến New Delhi không hài lòng.

Đầu tiên, ông Austin công khai thừa nhận những lo ngại về hồ sơ nhân quyền của Ấn Độ với các thành viên trong Nội các Ấn Độ.

Chính phủ Ấn Độ sau đó tuyên bố rằng bất kỳ cuộc thảo luận nào về nhân quyền chỉ nên tập trung vào các giá trị chung của hai nước, thay vì những thiếu sót chủ quan của Ấn Độ.

Theo quan điểm của Ấn Độ, các vấn đề trong nước gây tranh cãi như nhân quyền không nên nằm trong phạm vi hợp tác quốc phòng Mỹ-Ấn. Ấn Độ tin rằng việc Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ công khai giải quyết những vấn đề như vậy cho thấy cả sự vụng về trong ngoại giao và sự can thiệp ngoài ý muốn.

Bộ trưởng Austin cũng đề cập việc Ấn Độ sắp mua lại hệ thống phòng không S-400 của Nga, có thể khiến Mỹ kích hoạt các lệnh trừng phạt. Mặc dù phủ nhận gia tăng khả năng trừng phạt, nhưng ông công khai khẳng định “chúng tôi đã làm việc với Bộ trưởng Quốc phòng (của Ấn Độ) về vấn đề S-400”.

Các nhà phê bình Ấn Độ kết luận rằng, trên thực tế, mối đe dọa trừng phạt đã được đưa ra, cho thấy Mỹ đang tìm cách thực thi quyền phủ quyết đối với các giao dịch quốc phòng của Ấn Độ.

Điều này gây ấn tượng tiêu cực rằng chính quyền mới có xu hướng bất cẩn khi công khai nhắc đến các vấn đề nên được xử lý kín đáo giữa hai bên.

Việc ông Austin xử lý đồng thời các vấn đề về nhân quyền và S-400 đã làm lộ ra “gót chân Achilles” trong quan hệ Mỹ-Ấn.

Ấn Độ lo ngại rằng Mỹ là một đối tác không đáng tin cậy, có thể trừng phạt hoặc thậm chí từ bỏ quan hệ đối tác với Ấn Độ nếu họ không tuân thủ các yêu cầu của Mỹ.

Mối lo ngại này, từ lâu vốn cản trở quan hệ giữa hai nước, đã giảm đi đáng kể trong những năm gần đây. Chuyến thăm của ông Austin đã khiến mối lo này trở lại vị trí hàng đầu.

Nếu vấn đề về "sự không đáng tin cậy" của Mỹ ngày càng khiến New Delhi quan ngại, nó có thể cản trở rõ rệt sự tiến triển trong quan hệ đối tác Mỹ-Ấn.

Trở lại hay tiếp nối?

Có lẽ, thất bại kỳ lạ nhất của chính quyền Biden trong cách tiếp cận với Ấn Độ là việc họ không ngừng ca ngợi một sai lầm trong đường lối ngoại giao của Mỹ, rằng Mỹ đã “trở lại” trên trường quốc tế bằng việc ngụ ý về “sự trở lại” trong quan hệ Mỹ-Ấn sau 4 năm vắng bóng dưới thời Tổng thống Trump.

Nếu vấn đề về "sự không đáng tin cậy" của Mỹ ngày càng khiến Ấn Độ quan ngại thì có thể cản trở rõ rệt sự tiến triển trong quan hệ đối tác Mỹ-Ấn.

Trên thực tế, chính quyền Trump chưa bao giờ rời bỏ quan hệ Mỹ-Ấn.

Thay vào đó, chính quyền Trump xây dựng nó dựa trên di sản hợp tác lưỡng đảng từ thời Tổng thống Bush và Tổng thống Obama, biến quan hệ đối tác Mỹ-Ấn trở thành trung tâm trong các nỗ lực chiến lược của Mỹ ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Tiết lộ về “Khuôn khổ Mỹ đối với khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương” cho thấy chính quyền Trump đã tìm cách “đẩy nhanh sự trỗi dậy và năng lực của Ấn Độ để phục vụ như một đối tác an ninh chính thức”, đồng thời “củng cố mối quan hệ đối tác chiến lược lâu dài với Ấn Độ”.

Do đó, hai nước đã đạt được nhiều cột mốc quan trọng, điều mà lẽ ra đã không tồn tại nếu chính quyền Trump vắng mặt hoặc thờ ơ với mối quan hệ này.

Trong đó, việc ký kết các thỏa thuận “nền tảng” đã tạo điều kiện cho hợp tác quân sự và khả năng tương tác, giúp khôi phục Bộ tứ, thể chế hóa Đối thoại 2+2 hằng năm với Bộ Quốc phòng và Bộ Ngoại giao của Ấn Độ, nới lỏng các quy định kiểm soát xuất khẩu công nghệ cao thông qua việc cấp Giấy phép Thương mại Chiến lược-1 cho Ấn Độ, mở rộng các cuộc tập trận chung, giúp kim ngạch thương mại quốc phòng Mỹ-Ấn đạt 20 tỷ USD.

Chính quyền Biden sẽ tìm cách thúc đẩy mối quan hệ chiến lược Mỹ-Ấn hơn nữa. Điều may mắn là Biden có thể xây dựng mối quan hệ song phương dựa trên di sản của các chính quyền trước đây, trong đó có cả di sản của cựu Tổng thống Donald Trump.

Tuy nhiên, điều này sẽ khó thành hiện thực nếu chính quyền Biden gạt bỏ lịch sử và những thành tựu trong 4 năm qua.

Việc tận dụng những nỗ lực của các chính quyền trước đây có thể giúp đảm bảo rằng chính sách về Ấn Độ của Biden sẽ ghi nhận nhiều thành công hơn và ít sai lầm hơn trong bản báo cáo tiếp theo.

Bài viết của Giáo sư S. Paul Kapur, khoa Các vấn đề an ninh quốc gia, Trường Sau đại học Hải quân Mỹ và Giáo sư liên kết, Trung tâm Hợp tác và An ninh quốc tế, Đại học Stanford đăng trên Tạp chí National Interest ngày 11/4.

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/quan-he-my-an-tuong-vay-khong-phai-vay-142133.html