Quan hệ Mỹ-Ấn: Từ chiến tranh Lạnh đến chiến tranh thương mại

Ông Donald Trump trở thành Tổng thống thứ 7 của Mỹ thăm Ấn Độ kể từ khi Dwight D. Eisenhower tới quốc gia Nam Á này năm 1959.

Sáu thập kỷ sau chuyến thăm của Tổng thống Dwight D. Eisenhower, ông Trump nhận được sự chào đón nhiệt liệt tương tự ngày 24/2 khi hạ cánh xuống Ahmedabad ở Gujarat, bang quê nhà của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Tổng thống Trump ngày 24/2/2020. Ảnh: Getty

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Tổng thống Trump ngày 24/2/2020. Ảnh: Getty

Các mối quan hệ giữa Mỹ và Ấn Độ trong quá khứ không phải lúc nào cũng nồng ấm. Dưới đây là 6 thực tế trong quan hệ Mỹ-Ấn hiện đại:

Sự khởi đầu của mối quan hệ độc lập

Thủ tướng đầu tiên của Ấn Độ, Jawaharlal Nehru, đã có chuyến thăm đầu tiên tới Mỹ vào tháng 10/1949, để gặp Tổng thống Harry S. Truman, 2 năm sau khi nước này giành độc lập khỏi Anh.

Tuy nhiên, các nỗ lực nhằm tạo ra mối quan hệ mạnh mẽ hơn vấp phải rào cản bởi những bất đồng trong quan điểm về không liên kết –điều đã được chính thức hóa năm 1961 với việc thành lập phong trào Không liên kết.

Thủ tướng Nehru đóng vai trò hàng đầu trong phong trào đại diện cho các nước đang phát triển trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Những nước này không chính thức liên kết với Mỹ hay Liên Xô và cũng bác bỏ khái niệm chủ nghĩa thực dân và chủ nghĩa đế quốc.

Quan hệ giữa Ấn Độ và Mỹ trở nên xấu đi vào những năm 1960 khi Ấn Độ gần gũi hơn với Liên Xô, mối quan hệ đem lại cho New Delhi sự hỗ trợ về kinh tế và quân sự.

Trong giai đoạn này, Liên Xô cũng đứng ra hòa giải nhằm chấm dứt Chiến tranh Ấn Độ-Pakistan năm 1965.

Điều gì đã xảy ra năm 1971?

Chiến tranh Ấn Độ-Pakistan năm 1971 đã gây ra một cuộc xung đột dân sự ở Pakistan vốn dẫn tới việc thành lập Bangladesh – trước đây là Đông Pakistan. Mỹ khi đó đã chọn đứng về phía Islamabad.

Kéo dài chỉ 13 ngày, cuộc xung đột 1971 là một trong những cuộc chiến ngắn nhất trong lịch sử. Quân đội Ấn Độ tràn sang Pakistan từ phía Đông và phía Tây ngày 3/12 và phá vỡ hệ thống phòng thủ của Pakistan ngày 16/12.

Sự kiện năm 1971 thôi thúc Ấn Độ đẩy mạnh việc phát triển chương trình hạt nhân của mình, vốn được thực hiện từ năm 1944. Chương trình này bắt đầu bằng việc sản xuất điện, nhưng năm 1968, Ấn Độ đã vấp phải sự chỉ trích của quốc tế khi từ chối ký Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT).

Ấn Độ khi đó cáo buộc Mỹ, Liên Xô và Anh về các chương trình nguyên tử. Năm 1972, Thủ tướng Ấn Độ Indira Gandhi đã thông qua các kế hoạch cho cuộc thử nghiệm hạt nhân đầu tiên của nước này.

Tham vọng hạt nhân Ấn Độ có hủy hoại quan hệ với Mỹ?

Năm 1974, Ấn Độ gây bất ngờ với vụ thử hạt nhân dưới lòng đất thành công đầu tiên được tiến hành ở sa mạc Rajasthan gần Pokhran.

Ấn Độ vẫn khẳng định cuộc thử nghiệm là vì các mục đích hòa bình nhưng nhiều nước, trong đó có Mỹ cảm thấy không thuyết phục. Thực tế, điều này đã dẫn tới hàng thập kỷ “lạnh nhạt” giữa 2 nước.

Tổng thống Mỹ Jimmy Carter thăm Ấn Độ năm 1978 và tháng 3 cùng năm, chính quyền của ông thông qua Đạo luật Không phổ biến vũ khí hạt nhân, yêu cầu các nước chưa tham gia NPT như Ấn Độ phải để Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) thanh sát các cơ sở hạt nhân. Ấn Độ từ chối và Mỹ đã dừng tất cả các hỗ trợ hạt nhân cho nước này.

Chỉ sau khi Thủ tướng Ấn Độ Indira Gandhi gặp người đồng cấp Mỹ, Tổng thống Ronald Reagan năm 1982, thì việc giải quyết những bất đồng giữa 2 nước mới bắt đầu. Hai năm sai đó, Phó Tổng thống George H.W. Bush thăm New Delhi.

Những năm sau đó, quan hệ kinh tế và chiến lược giữa 2 nước được cải thiện.

Tuy nhiên, mối quan hệ lại có sự thay đổi năm 1998. Một lần nữa, tham vọng hạt nhân của Ấn Độ phải đánh đổi bằng mối quan hệ với Mỹ. Sau khi Ấn Độ tuyên bố hoàn thành một loạt cuộc thử nghiệm hạt nhân gần biên giới với Pakistan, Đại sứ Mỹ tại Ấn Độ được triệu hồi về nước, và theo luật pháp Mỹ, Tổng thống Bill Clinton áp đặt trừng phạt kinh tế với Ấn Độ.

Một kỷ nguyên mới lại mở ra?

Cũng chính Tổng thống Bill Clinton là người đã “kích hoạt” lại mối quan hệ với Ấn Độ năm 2000 bằng chuyến thăm Ấn Độ lần đầu tiên của một Tổng thống Mỹ sau hơn 20 năm.

Chuyến thăm được nhấn mạnh là một thành công trong việc làm tan băng mối quan hệ, và đặt ra nền tảng để Tổng thống kế nhiệm George W. Bush dỡ bỏ trừng phạt mà Mỹ đã áp đặt với Ấn Độ sau các cuộc thử nghiệm hạt nhân năm 1998.

“Chuyến thăm của Tổng thống Clinton là khởi đầu cho sự phát triển của một mối quan hệ đã được tiếp tục mở rộng hơn thông qua các chính phủ kế nhiệm của Mỹ và các thời Thủ tướng Ấn Độ, đặc biệt là Manmohan Singh và Modi”, ông Dhruva Jaishankar, Giám Đốc Sáng kiến Mỹ-Ấn tại New Delhi cho biết.

Nền kinh tế Ấn Độ bắt đầu tăng trưởng năm 1991 sau một loạt cải cách, thu hút đầu tư nước ngoài, đồng thời thúc đẩy các mối quan hệ thương mại với Mỹ.

Vấn đề hạt nhân được đặt sang một bên năm 2005 khi Tổng thống Mỹ Bush và Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh ký Sáng kiến hợp tác Hạt nhân Dân sự. Theo thỏa thuận này, Ấn Độ đồng ý tách biệt các cơ sở hạt nhân dân sự và quân sự. Đổi lại, Mỹ đồng ý làm việc hướng tới hợp tác hạt nhân dân sự đầy đủ với Ấn Độ.

Vị thế của Mỹ và Ấn Độ hiện nay

“Ấn Độ và Mỹ đi từ trạng thái vô cùng lạnh nhạt với nhau tới việc hợp tác vô cùng chặt chẽ trên nhiều vấn đề chiến lược”, Jaishankar nói.

Đến cuối năm 2019, Ấn Độ đã chi 18 tỷ USD mua các mặt hàng quân sự từ Mỹ, theo Bộ các vấn đề nước ngoài của Ấn Độ. Hiện Ấn Độ và Mỹ đã tiến hành thêm nhiều cuộc tập trận song phương cũng như đa phương.

Mỹ là đối tác thương mại lớn nhất của Ấn Độ về hàng hóa và dịch vụ, thương mại song phương ở mức 142 tỷ USD năm 2018. Ấn Độ dự kiến con số của năm nay sẽ vượt mức 150 tỷ USD.

Tuy nhiên, căng thẳng thương mại giữa 2 nước cũng đã nổi lên sau khi Mỹ nộp đơn kiện Ấn Độ lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) năm 2018 về việc trợ cấp xuất khẩu.

Tổng thống Trump cũng coi Ấn Độ là một nguyên nhân dẫn tới thâm hụt thương mại của Mỹ. Giống như Trung Quốc – nước đã bị rơi vào cuộc chiến thương mại với Mỹ. Ấn Độ xuất khẩu sang Mỹ nhiều hơn nhập khẩu từ Mỹ. Năm 2018. Ấn Độ nhập khẩu 33 tỷ USD hàng hóa Mỹ trong khi xuất khẩu tới 54 tỷ USD hàng hóa sang Mỹ.

Quan hệ Mỹ-Ấn cũng gặp phải vấn đề về việc hạn chế thị thực H-1B. Tổng thống Trump nhiều lần cáo buộc các công ty công nghệ ở Mỹ sử dụng chương trình này để thay thế nhân công Mỹ bằng nhân công nước ngoài có chi phí thấp hơn. Sắc lệnh hành chính “Mua của người Mỹ, Thuê người Mỹ” tháng 4/2017 cũng yêu cầu báo cáo toàn diện về thị thực H-1B, trong đó 75% là cấp cho người Ấn Độ trong năm 2017.

Bản thân ông Trump cũng hạ thấp kỳ vọng về thỏa thuận thương mại lớn trong chuyến thăm đầu tiên tới Ấn Độ khi nói với báo giới rằng: “Tôi sẽ để lại thỏa thuận lớn về sau. Tôi không biết nó có được thực hiện trước bầu cử hay không, nhưng chúng ta sẽ có một thỏa thuận lớn với Ấn Độ”.

Ảnh hưởng của cộng đồng người Ấn và gốc Ấn tại Mỹ

Khi nói về mặt giao lưu nhân dân, cộng đồng người Ấn tại Mỹ cũng như người Mỹ gốc Ấn đóng một vai trò quan trọng.

Ước tính có khoảng 4 triệu công dân Mỹ gốc Ấn cùng với 1 triệu người Ấn Độ sinh sống tại Mỹ và hơn 200.000 sinh viên Ấn Độ tại Mỹ.

Trong khi người Ấn Độ với quy chế công dân nước ngoài không thể bỏ phiếu trong các cuộc bầu cử thì họ lại là những người giàu nhất trong cộng đồng nhập cư ở Mỹ.

Khi nói với việc gây quỹ, đảng Bharatiya Janata của ông Modi có thể tận dụng cộng đồng người Ấn ở nước ngoài với các khoản tài trợ bằng USD, đồng bảng Anh và các ngoại tệ khác.

Tháng 9/2019, khoảng 50.000 người đã tham dự sự kiện “Howdy Modi” tại sân vận động ở Houston (nhân chuyến thăm Mỹ của ông Modi), trong khi sự kiện tương tự tại sân vận động Wembley ở London năm 2015 (nhân chuyến thăm Anh của ông Modi) có khoảng 60.000 người tham dự.

Đối với Tổng thống Donald Trump, chuyến thăm Ấn Độ trong năm sẽ diễn ra cuộc bầu cử quan trọng cũng giúp ông thu hút sự ủng hộ từ cộng đồng gốc Ấn ở Mỹ./.

Hoàng Phạm/VOV.VN (biên dịch)
Theo CNN

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/quan-he-myan-tu-chien-tranh-lanh-den-chien-tranh-thuong-mai-1014405.vov