Quan hệ 'môi hở, răng lạnh' giữa Hàn Quốc và Nhật Bản

Mối quan hệ giữa Nhật Bản và Hàn Quốc tiếp tục xấu đi do những tranh cãi về vấn đề lịch sử, sau khi Chính phủ Nhật Bản chấm dứt chính sách ưu đãi xuất khẩu một số nguyên liệu chủ chốt cho ngành công nghiệp chế tạo thiết bị bán dẫn và màn hình số của quốc gia láng giềng này. Tranh cãi giữa Nhật Bản và Hàn Quốc thỉnh thoảng vẫn nổi lên, nhưng lần này có vẻ nghiêm trọng hơn. Dân gian có câu 'Môi hở, răng lạnh' và hai láng giềng gần Hàn-Nhật có lẽ đang ở trong tình trạng này.

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in (trái) và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tại Hội nghị Thượng đỉnh G-20, tại Osaka, Nhật Bản, tháng 6-2019. Ảnh: AFP

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in (trái) và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tại Hội nghị Thượng đỉnh G-20, tại Osaka, Nhật Bản, tháng 6-2019. Ảnh: AFP

Nguyên nhân cốt lõi

Muốn tìm hiểu nguyên nhân cốt lõi của mâu thuẫn hiện nay cần trở lại với Hiệp định giải quyết yêu sách mà Nhật Bản và Hàn Quốc ký kết năm 1965. Với thỏa thuận này, hai nước nhất trí việc Nhật Bản sẽ cung cấp cho Hàn Quốc 300 triệu USD viện trợ không hoàn lại, 200 triệu USD viện trợ hoàn lại và khoản tín dụng thương mại trị giá 300 triệu USD để giải quyết một lần vấn đề bồi thường cho người bị hại Hàn Quốc trong Chiến tranh thế giới thứ hai. Chính phủ Hàn Quốc phải từ bỏ quyền đòi bồi thường, chấp nhận hợp tác kinh tế.

Căn cứ vào thỏa thuận nêu trên, Nhật Bản cho rằng vấn đề lao động cưỡng bức trong Chiến tranh thế giới thứ hai đã được giải quyết triệt để. Đối với vấn đề phụ nữ mua vui, Nhật Bản cho rằng việc này cũng đã được giải quyết bởi năm 2016, Nhật Bản đã đạt được thỏa thuận với Tổng thống Hàn Quốc khi đó là Park Geun-hye về việc Tokyo rót vốn thành lập một quỹ hòa giải trị giá 1 tỷ yên để xử lý vấn đề.

Tuy nhiên, sau khi ông Moon Jae-in lên nắm quyền, phương thức giải quyết mà hai bên đạt được trước đó đã bị bác bỏ, trở thành nguồn cơn dẫn tới căng thẳng giữa hai nước hiện nay. Cụ thể, ngày 30-10-2018, Tòa án Tối cao Hàn Quốc ra phán quyết yêu cầu tập đoàn thép Nippon Sumitomo (doanh nghiệp kế thừa của công ty Shin Nittetsu Sumikin trong Chiến tranh thế giới thứ hai) chịu trách nhiệm bồi thường 100 triệu uôn cho 4 nguyên đơn người Hàn Quốc bị cưỡng ép lao động trong Chiến tranh thế giới thứ hai. Sau đó vào tháng 1-2019, Tòa án thành phố Đê-gu còn phê chuẩn việc thu giữ tài sản tại Hàn Quốc của Nippon Sumitomo. Ngoài tập đoàn này, một số doanh nghiệp Nhật Bản khác như Mitsubishi Heavy Industries, Nachi-Fujikoshi cũng chịu số phận tương tự.

Việc Hàn Quốc không ngăn chặn tòa án can dự vào chính trị, thậm chí còn không thừa nhận những thỏa thuận đã đạt được với Nhật Bản trước đó (tháng 11-2018, Hàn Quốc ra lệnh giải tán quỹ hòa giải về vấn đề phụ nữ mua vui), đương nhiên đã khiến Tokyo tức giận.

Chấp nhận thiệt hại

Kể từ ngày 4-7 vừa qua, Chính phủ Nhật Bản đã siết chặt các quy định xuất khẩu nguyên liệu công nghệ cao sử dụng trong sản xuất điện thoại thông minh và chip sang thị trường Hàn Quốc. Theo đó, các công ty Nhật Bản sẽ phải nộp đơn xin giấy phép cho từng hợp đồng xuất khẩu ba mặt hàng gồm fluorinated polyimide (nhựa nhiệt dẻo), hydrogen fluoride và resist (chất cản màu) sang Hàn Quốc. Tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Hàn Quốc phụ thuộc chủ yếu vào các tập đoàn lớn. Vì vậy, nếu Nhật Bản thực sự siết chặt quản lý hoạt động xuất khẩu ba nguyên liệu trên, sẽ tác động mạnh tới Samsung, LG và SK Hynix - những tập đoàn đang đóng góp rất lớn vào nền kinh tế Hàn Quốc.

Theo giới phân tích, các nhà sản xuất hóa chất hydrogen fluoride và chất cản màu của Nhật Bản vẫn có thể bán sản phẩm của họ cho các doanh nghiệp ở các quốc gia khác để hạn chế thiệt hại. Tuy nhiên, các nhà sản xuất hydrogen fluoride của Nhật Bản đang xuất khẩu phần lớn sản phẩm sang Hàn Quốc nên họ có thể bị tác động tiêu cực do chính sách mới. Hàn Quốc hiện là đối tác thương mại lớn thứ ba của Nhật Bản sau Trung Quốc và Mỹ. Theo số liệu của Hội đồng Ngoại thương Nhật Bản, các máy móc chế tạo chất bán dẫn là một mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất trong năm 2018.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe biết rõ việc hạn chế xuất khẩu một số vật liệu công nghệ then chốt để sản xuất chíp và màn hình sang Hàn Quốc không chỉ khiến đối phương tổn thương mà bản thân cũng bị thiệt hại, nhưng nếu đặt trong bối cảnh Nhật Bản chuẩn bị bầu cử Thượng viện, người ta có thể thấy câu chuyện không chỉ dừng lại ở phạm vi trả đũa.

Ngày 1-7, Nhật Bản thông báo lệnh hạn chế xuất khẩu một số vật liệu công nghệ sang Hàn Quốc. Ba hôm sau, Nhật Bản bắt đầu bước vào tranh cử Thượng viện. Quan trọng hơn là chính quyền Abe đợi qua ngày 21-7, nghĩa là sau khi bầu cử Thượng viện kết thúc, mới quyết định có đưa Hàn Quốc trở lại “danh sách trắng” (bao gồm 27 quốc gia hữu hảo, được cho là không có lo ngại về các vũ khí hủy diệt hàng loạt, đồng thời sẽ được miễn quy trình phê chuẩn xuất khẩu với các mặt hàng có nguy cơ bị sử dụng vào mục đích quân sự) hay không. Để giành được ưu thế tuyệt đối tại Thượng viện với 2/3 số ghế, ông Abe cần sự ủng hộ của phe bảo thủ. Và việc cứng rắn với Hàn Quốc trong vấn đề này chính là chìa khóa, sẽ giúp ông đạt được mục tiêu đề ra.

Giải pháp

“Vai trò trung gian” đã được nghĩ tới khi Nhật Bản được thuyết phục nên chấp nhận tham gia cuộc gặp ba bên Hàn-Mỹ-Nhật để giải quyết vấn đề thương mại hiện nay giữa Seoul và Tokyo. Hiện, Hàn Quốc đang tìm kiếm sự giúp đỡ của Mỹ trong việc hạ nhiệt căng thẳng với Nhật Bản. Nếu cuộc gặp ba bên được tiến hành, đây sẽ là điều đáng hoan nghênh. Trong bối cảnh Nhật Bản hạn chế xuất khẩu sang Hàn Quốc có thể gây tổn hại cho liên minh giữa Mỹ với hai nước này, chưa kể đến những tổn hại đối với nguồn cung các mặt hàng trên toàn cầu, Washington cần chủ động hòa giải mối quan hệ Hàn-Nhật trước khi quá muộn. Việc tìm ra giải pháp có thể cực kỳ khó khăn vì đằng sau những cuộc cãi vã đang diễn ra giữa hai bên là những căng thẳng xuất phát từ những vấn đề trong thời kỳ Nhật Bản chiếm đóng Hàn Quốc từ năm 1910 đến năm 1945.

“Chủ động đàm phán” là tinh thần mà bản thân các nước trong cuộc là Nhật Bản và Hàn Quốc cần tính tới. Những oán hận trong lịch sử đã phá hủy mối quan hệ Nhật-Hàn từ nhiều thập kỷ nay và những lời cáo buộc lẫn nhau đặc biệt khắc nghiệt trong thời gian gần đây là điều cần được sớm hóa giải. Chính phủ Hàn Quốc đã đệ trình một đơn kiện lên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Chính quyền Abe đã ám chỉ việc tăng thêm các hạn chế thương mại. Chính quyền của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in thì đang cân nhắc các lựa chọn. Vòng luẩn quẩn đó sẽ còn tiếp diễn và leo thang nếu cả hai bên không ngồi vào bàn đàm phán để chấm dứt những dấu hiệu đang dẫn đến một cuộc chiến tranh thương mại vô nghĩa.

Theo giới phân tích, chính quyền Abe nên thực hiện những bước đi giảm bớt căng thẳng thương mại. Tokyo cần lựa chọn các biện pháp khác để giải quyết các vấn đề lịch sử. Hơn bao giờ hết, thế giới đang rất cần Nhật Bản, nền kinh tế lớn thứ ba toàn cầu hỗ trợ việc khôi phục hệ thống thương mại đang loạng choạng.

“Các quy định, điều lệ và hệ thống kỷ luật của WTO” để xử lý các tranh chấp, dù vẫn chưa hoàn chỉnh, song cũng là phương án tốt nhất để thay thế các chính sách “lẽ phải thuộc về kẻ mạnh” đang ngày càng đe dọa trật tự tự do đa phương thời hậu chiến. Tuy nhiên, hệ thống này sẽ chỉ mạnh mẽ nếu các nền kinh tế lớn như Nhật Bản và Liên minh châu Âu (EU) tiếp tục tin tưởng và tuân thủ nó một cách triệt để.

Hồng Ngọc

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/quan-he-moi-ho-rang-lanh-giua-han-quoc-va-nhat-ban/