Quan hệ liên Triều rơi xuống vực thẳm

Triều Tiên vừa bắn chết một quan chức Hàn Quốc được cho là đang đào tẩu sang nước này. Theo giới chuyên gia, việc Triều Tiên bắn chết một quan chức Hàn Quốc gần biên giới trên biển được cho là sẽ đẩy mối quan hệ liên Triều vốn đã rạn nứt xuống vực thẳm, có thể buộc chính quyền Hàn Quốc phải ngừng mọi nỗ lực hòa giải do sự tức giận của dân chúng.

Bộ Quốc phòng Hàn Quốc xác nhận các binh sĩ Triều Tiên đã bắn chết một quan chức Hàn Quốc trong vùng biển của Triều Tiên và thiêu xác người này hồi đầu tuần. Trước đó, ông này được báo cáo là mất tích khi đang làm nhiệm vụ trên một chiếc tàu tuần tra ở vùng biển ngoài khơi đảo Yeonpyeong. Đây là lần đầu tiên một công dân Hàn Quốc bị Triều Tiên giết hại kể từ vụ một nữ du khách Hàn Quốc bị bắn chết hồi tháng 7-2008 tại khu nghỉ mát núi Kumgang trên bờ biển phía Đông Triều Tiên, khiến chương trình du lịch ngọn núi thắng cảnh này, vốn được biết đến như một trong những dự án hợp tác liên Triều mang tính biểu tượng nhất, bị dừng lại.

Vụ việc mới nhất xảy ra khi quan hệ liên Triều vẫn đóng băng sau khi Triều Tiên cho nổ văn phòng liên lạc liên Triều ở thị trấn biên giới hồi tháng 6 vừa qua để phản ứng việc rải truyền đơn chống Bình Nhưỡng qua biên giới. Các chuyên gia kêu gọi chính quyền Hàn Quốc có một cách tiếp cận thận trọng, cho rằng việc tiết lộ chính xác những gì đã xảy ra phải được ưu tiên trước khi có bất kỳ quyết định nào về quan hệ liên Triều. Các chuyên gia cho rằng đối thoại với Triều Tiên lúc này là cần thiết hơn bất kỳ thời điểm nào.

Binh sĩ Triều Tiên tại khu vực biên giới với Hàn Quốc. Ảnh tư liệu

Binh sĩ Triều Tiên tại khu vực biên giới với Hàn Quốc. Ảnh tư liệu

Ông Hong Min, một nhà nghiên cứu lâu năm tại Viện Thống nhất Quốc gia Hàn Quốc, nhận định: “Cái chết của một thường dân Hàn Quốc có thể có tác động sâu rộng đến quan hệ liên Triều, làm giảm bất kỳ động lực còn lại nào mà chính quyền đã cố gắng sử dụng để cải thiện quan hệ với Triều Tiên.” Ông nói thêm: “Thời kỳ hạ nhiệt có thể kéo dài hơn vì tâm lý của dân chúng có thể trở nên tồi tệ hơn, phản đối bất kỳ dự án hợp tác nào nếu vụ việc mới nhất này không được giải quyết. Tất cả các dự án mà chính quyền đang tìm kiếm để bình thường hóa quan hệ liên Triều có thể bị đình chỉ".

Quan hệ liên Triều đã bị cản trở kể từ khi hội nghị thượng đỉnh giữa nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ Donald Trump kết thúc mà không đạt được thỏa thuận vào tháng 2 năm ngoái. Gần đây, các mối quan hệ trở nên lạnh nhạt hơn sau khi Triều Tiên cho nổ tung văn phòng liên lạc liên Triều ở thị trấn biên giới Kaesong và cắt liên lạc qua biên giới để phản đối việc các nhà hoạt động ở Hàn Quốc đưa truyền đơn chống Bình Nhưỡng vào Triều Tiên. Điều này hoàn toàn trái ngược với mối quan hệ được tạo ra sau 3 hội nghị thượng đỉnh liên Triều được tổ chức vào năm 2018.

Trong nỗ lực khởi động mối quan hệ vốn đã bị đình trệ từ lâu với Triều Tiên, Seoul đã tìm cách mở rộng giao lưu ở các lĩnh vực không bị LHQ trừng phạt và đề nghị cung cấp viện trợ nhân đạo cho Triều Tiên, quốc gia đang gặp khó khăn bởi chiến dịch chống Covid-19 và thiệt hại do bão và lũ lụt trong những tháng gần đây.

Trong bài phát biểu gần đây tại Đại hội đồng LHQ, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã kêu gọi các bên tuyên bố chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên (1950-1953), một trong những yêu cầu lớn mà Triều Tiên đưa ra. Bộ trưởng Thống nhất Hàn Quốc Lee In-young cũng tuyên bố sẽ thúc đẩy trao đổi “quy mô nhỏ” với Triều Tiên, đặc biệt là trong lĩnh vực nhân đạo.

Chuyên gia Hong Min bày tỏ lo ngại sự việc mới nhất này có thể lại tạo ra “đầm lầy” như cái chết của du khách Hàn Quốc năm 2008 tại núi Kumgang nếu không có một lời xin lỗi đủ chân thành từ phía Triều Tiên để xoa dịu sự tức giận và bàng hoàng của người dân Hàn Quốc. Ông nói: “Tâm lý của dân chúng sẽ trở nên tồi tệ hơn cho đến khi Triều Tiên đưa ra lời xin lỗi, song vấn đề là không chắc Triều Tiên sẽ làm như vậy một cách dễ dàng. Để khiến Triều Tiên phải xin lỗi, chính quyền phải liên tục yêu cầu điều đó, và nó có thể cứ tiếp diễn như vậy. Nếu không có lời xin lỗi của Triều Tiên, mọi thứ có thể rơi vào vũng lầy mà bạn không thể thoát ra khi nói đến quan hệ liên Triều."

Tuy nhiên, một số người cảnh báo không nên đưa ra bất kỳ quyết định quyết liệt nào đối với quan hệ liên Triều vì tức giận, và kêu gọi một cách tiếp cận điềm tĩnh cho đến khi có thêm thông tin để tìm ra điều gì thực sự đã xảy ra. Họ nói thêm rằng hai miền Triều Tiên cần đối thoại hơn bao giờ hết để loại bỏ bất kỳ nguy cơ hiểu lầm nào.

Ông Kim Yong-hyun, Giáo sư nghiên cứu về Triều Tiên tại ĐH Dongguk ở Seoul, nêu quan điểm: “Để hiểu rõ hơn điều gì đã thực sự xảy ra, Hàn Quốc cần đối thoại với Triều Tiên hơn bao giờ hết. Đây là thời điểm mà cả hai bên nên giữ bình tĩnh và đối thoại với nhau để làm rõ những gì thực sự đã xảy ra và giảm nguy cơ hiểu lầm”.

Ông Yang Moo-jin, Giáo sư tại ĐH Nghiên cứu Triều Tiên, cũng cho rằng việc Triều Tiên giết một công dân Hàn Quốc là điều gây sốc. Ông lên tiếng ủng hộ việc chính quyền lên án và yêu cầu một lời xin lỗi. Tuy nhiên, ông lưu ý rằng kế hoạch chính quyền thúc đẩy quan hệ tốt hơn với Triều Tiên không nên đi chệch hướng. Ông nói: “Do cú sốc mà mọi người đang cảm thấy, dường như không thể tránh khỏi việc chính quyền làm chậm lại việc thúc đẩy cải thiện quan hệ liên Triều.... Tuy nhiên, tinh thần xây dựng hòa bình với Triều Tiên nên được duy trì. Các cuộc trao đổi quy mô nhỏ cũng nên được thúc đẩy tách biệt với việc đưa ra lời lên án về vụ việc này.”

Hồng Phúc

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/quan-he-lien-trieu-roi-xuong-vuc-tham-211354.html