Quan hệ kinh tế Việt - Mỹ qua những con số thống kê

Chiều 11/11, Tổng thống Hợp chúng quốc Hoa Kỳ Donald Trump bắt đầu chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam từ ngày 11 - 12/11 theo lời mời của Chủ tịch nước Trần Đại Quang.

Ảnh minh họa.

Chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam của Tổng thống Donald Trump diễn ra trong bối cảnh quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ tiếp tục phát triển tích cực, đặc biệt sau chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ thành công của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc (29-31/5/2017).

Hai bên tiếp tục duy trì trao đổi đoàn các cấp và đã tích cực triển khai các kết quả, thỏa thuận trong chuyến thăm của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tháng 5/2017.

Đây là chuyến thăm Việt Nam đầu tiên của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump và diễn ra ngay trong năm cầm quyền đầu tiên, thể hiện sự coi trọng quan hệ với Việt Nam, tạo cơ sở thúc đẩy quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ trong thời gian tới.

Nhân sự kiện này, cùng BizLIVE điểm lại sự phát triển trong quan hệ thương mại và đầu tư giữa hai nước qua các con số thống kê.

Việt Nam xuất siêu sang Mỹ

Từ năm 1995, khi lệnh cấm vận được bãi bỏ và bình thường hóa quan hệ, xuất khẩu từ Việt Nam sang Mỹ tăng lên. Năm 2001 - năm đầu tiên khi hai nước ký hiệp định thương mại song phương, lần đầu tiên kim ngạch vượt qua mốc 1 tỷ USD.

Đến những tháng đầu năm 2017, con số này tiếp tục tăng lên đáng kể. Cụ thể, theo thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam trong 10 tháng đầu năm 2017, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hai nước đạt 42,13 tỷ USD. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu Việt Nam sang Hoa Kỳ là 34,53 tỷ USD, còn nhập khẩu 7,6 tỷ USD từ nước này.

Nhìn vào biểu đồ cán cân thương mại Việt - Mỹ dưới đây có thể thấy tình hình xuất nhập khẩu hai nước trong những năm gần đây phát triển không ngừng. Mỹ vẫn tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với tỷ lệ xuất siêu khá cao.

Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa từ Mỹ vào Việt Nam cũng tiếp tục tăng đều qua các năm.

Số liệu: Tổng cục Hải quan

Tỷ trọng xuất khẩu sang Mỹ chiếm gần 20% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam 10 tháng đầu năm 2017.

Tỷ trọng nhập khẩu từ Mỹ chiếm gần 4,5% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam 10 tháng đầu năm 2017.

Những mặt hàng xuất khẩu sang Mỹ nhiều nhất

10 tháng đầu năm 2017, trong tổng số 37 mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ thì có tới 9 nhóm hàng hóa có giá trị đạt từ 1 tỷ USD trở lên. Lớn nhất là dệt may với 10,2 tỷ USD, tiếp đến là giày dép các loại 4,16 tỷ USD...

Ở chiều ngược lại, các mặt hàng chủ yếu Việt Nam nhập từ Mỹ bao gồm: Thức ăn gia súc và nguyên liệu; bông các loại; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; máy móc, thiết bị và phụ tùng...

Mỹ là nhà đầu tư lớn thứ 9

Không chỉ giao thương hàng hóa được mở rộng, dòng vốn đầu tư nước ngoài từ Mỹ cũng đang đóng góp đáng kể vào tăng trưởng kinh tế Việt Nam.

Theo số liệu của Cục đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch Đầu tư), 10 tháng của năm 2017, tổng số vốn đăng ký đầu tư từ Mỹ vào Việt Nam đạt hơn 400 triệu USD.

Còn nếu tính lũy kế, thì cho tới nay, các doanh nghiệp Mỹ mới đầu tư tại Việt Nam gần 10 tỷ USD, xếp thứ 9 trong tổng 128 các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam.

Trao đổi với BizLIVE, ông Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng cục đầu tư nước ngoài cho biết nếu so sánh với các nước có nguồn vốn đổ vốn vào Việt Nam như Hàn Quốc (57 tỷ USD), Nhật Bản (46,3 tỷ USD), Singapore (41,7 tỷ USD), Đài Loan (30,8 tỷ USD)... thì số vốn đầu tư từ Mỹ vào Việt Nam còn khá khiêm tốn.

“Chưa đến 10 tỷ USD, con số này quả thực chưa xứng với tiềm năng của Mỹ cũng như quan hệ kinh tế chính trị ngày càng một phát triển của hai nước Việt - Mỹ", ông Thắng nói.

Vị chuyên gia này kỳ vọng, chuyến thăm chính thức tới Việt Nam Tổng thống Mỹ Donald Trump từ 11-12/11 sẽ thúc đẩy quan hệ giữa hai nước trên nhiều lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực thương mại, đầu tư.

N.MẠNH

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/kinh-te-dau-tu/quan-he-kinh-te-viet-my-qua-nhung-con-so-thong-ke-3399433.html