Quan hệ hợp tác giữa Tòa án hai nước Việt Nam-Lào ngày càng hiệu quả, thực chất

Chuyến thăm và làm việc của Chánh án TANDTC Lào Khăm Pha Sẻng Đa Ra tại TANDTC Việt Nam vừa diễn ra tuần qua. Trong khuôn khổ các buổi hội đàm, những thành tựu về CCTP của Tòa án Việt Nam đã được các thành viên trong đoàn công tác nước bạn đánh giá cao.

Triển khai ứng dụng CNTT

Tại các buổi hội đàm, các lãnh đạo TANDTC đã giới thiệu một số thành tựu của Tòa án Việt Nam trong thời gian qua, như: Triển khai 14 giải pháp mang tính đột phá để nâng cao chất lượng công tác xét xử; Phát triển án lệ; Ứng dụng công nghệ thông tin, đặc biệt là công bố các bản án, quyết định trên Cổng Thông tin điện tử (Cổng TTĐT) của Tòa án; Ban hành Bộ quy tắc đạo đức và ứng xử của Thẩm phán; thí điểm về đổi mới, tăng cường hòa giải, đối thoại trong giải quyết các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính tại các Tòa án.

Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Thúy Hiền cho biết, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quá trình tố tụng tại Tòa án lần đầu tiên được ghi nhận trong Bộ luật TTDS 2015, Luật TTHC 2015. Theo đó, bên cạnh các phương thức trực tiếp, qua dịch vụ bưu chính, pháp luật đã ghi nhận việc gửi, nhận đơn khởi kiện, các tài liệu chứng cứ cho Tòa án cũng như việc tống đạt, thông báo bằng văn bản tố tụng của Tòa án bằng phương pháp điện tử.

Theo thủ tục này, người dân có thể nộp đơn khởi kiện, đơn yêu cầu cung cấp tài liệu, chứng cứ thông qua phương tiện điện tử mà không cần trực tiếp đến Tòa án; Tòa án cũng có thể nhanh chóng thông báo, tống đạt giấy tờ, văn bản tố tụng cho đương sự, người tham gia tố tụng bằng phương thức điện tử. Việc yêu cầu Tòa án cấp sao bản án, quyết định và các tài liệu trong hồ sơ vụ án theo quy định của pháp luật tố tụng cũng được thực hiện nhanh chóng, đơn giản thông qua hệ thống phần mềm được tích hợp trên Cổng TTĐT của Tòa án bất cứ nơi nào và vào bất cứ thời điểm nào.

 Hội đàm giữa TANDTC Việt Nam và TANDTC Lào

Hội đàm giữa TANDTC Việt Nam và TANDTC Lào

Để triển khai thực hiện chế định nêu trên, Hội đồng Thẩm phán TANDTC đã ban hành nghị quyết hướng dẫn thực hiện; đồng thời TANDTC triển khai xây dựng và đưa vào sử dụng 5 hệ thống CNTT phục vụ cho hoạt động tố tụng.

Cụ thể: Hệ thống Cổng TTĐT mới của TANDTC, 66 Trang thông tin điện tử của Tòa án cấp cao và cấp tỉnh; Hệ thống gửi, nhận đơn khởi kiện, tài liệu chứng cứ và cấp, tống đạt thông báo văn bản tố tụng bằng phương tiện điện tử và hệ thống quản lý dự án; Hệ thống đăng ký trực tuyến cấp sao, trích lục bản án, tài liệu trong hồ sơ vụ án của TAND; Hệ thống phần mềm công bố bản án, quyết định của Tòa án trên Cổng thông tin điện tử TANDTC;

Đặc biệt là hệ thống truyền hình hội nghị gồm 778 điểm cầu, trong đó có 3 điểm cầu các TAND cấp cao, 63 điểm cầu của TAND cấp tỉnh và 710 điểm cầu của TAND cấp huyện. Hệ thống truyền hình này cho phép các đơn vị trong hệ thống Tòa án chủ động trong việc tổ chức các cuộc họp trực tuyến bất kỳ thời gian nào mà không cần phải đăng ký với TANDTC. Từ khi chính thức đưa vào áp dụng đến nay đã có hàng trăm cuộc họp trực tuyến được tổ chức với quy mô trong toàn hệ thống Tòa án, hàng nghìn cuộc họp trực tuyến với quy mô cấp tỉnh do Tòa án các tỉnh tự tổ chức, tiết kiệm nhiều tỷ đồng so với cách họp truyền thống. Trong thời gian tới pháp luật có quy định về xét xử trực tuyến thì hệ thống này sẽ được nâng cấp để phục vụ cho hoạt động xét xử trực tuyến của các Tòa án.

Sự phối hợp của Tòa án hai nước

Thống kê của các vụ chuyên môn của TANDTC cũng cho thấy, việc công khai bản án trên CTTĐT đã được TANDTC triển khai thực hiện từ ngày 16/3/2017. Việc công khai này đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của người dân và giới chuyên gia luật. Đến nay đã có hàng triệu lượt truy cập vào trang để tìm kiếm thông tin. Việc tra cứu các bản án được công bố cũng là một cách quản lý cán bộ Thẩm phán để họ thực hiện tốt hơn trọng trách của mình trong xét xử và viết bản án.

Triển khai ứng dụng CNTT này, người dân có thể gửi đơn qua phương tiện điện tử hoặc yêu cầu cấp sao tài liệu chuyển qua đường bưu điện mà không cần phải đến Tòa án. Đồng thời, Tòa án cũng có thế tống đạt văn bản giấy tờ tố tụng đến với người dân. Tất cả các thông tin liên quan đều được Tòa án bảo mật hoàn toàn.

Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình chụp ảnh lưu niệm với Đoàn cấp cao TANDTC Lào

Chánh án TANDTC Lào Khăm Pha Sẻng Đa Ra cũng cho biết ông cảm thấy rất thú vị với thành tựu CNTT mà TANDTC đã và đang thực hiện và mong muốn được cung cấp thêm thông tin, tài liệu về vấn đề này để tham khảo.

Chánh án TANDTC Lào cũng đánh giá cao sự hợp tác giữa Tòa án hai nước trong thời gian qua, đặc biệt là việc Tòa án của Việt Nam hỗ trợ Lào trong việc thành lập Tòa Hành chính trong hệ thống TAND. Đồng thời Chánh án TANDTC Lào mong muốn phía Việt Nam trong thời gian tới tiếp tục giúp tập huấn các Thẩm phán Lào trong việc xét xử các vụ án hành chính, nhằm trang bị kiến thức mới cho các Thẩm phán của Lào giúp họ nâng cao trình độ xét xử, làm tốt trọng trách được Đảng và Nhà nước Lào giao phó.

Những buổi hội đàm diễn ra trước đó của Chánh án TANDTC hai nước Việt Nam - Lào cũng đã diễn ra thành công tốt đẹp. Chánh án TANDTC hai nước cũng vui mừng nhận thấy quan hệ hợp tác giữa hai hệ thống Tòa án Việt Nam và Lào thời gian qua đã phát triển rất tốt đẹp theo hướng ngày càng hiệu quả và thực chất. Ở cấp Trung ương, hai bên thường xuyên trao đổi đoàn cấp cao, tích cực chia sẻ cho nhau kinh nghiệm trong công tác xét xử và cải cách tư pháp. Hợp tác ở cấp địa phương cũng đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận với việc nhiều Tòa án cấp tỉnh có đường biên giới tiếp giáp giữa hai nước đã ký các biên bản ghi nhớ nhằm tạo cơ sở pháp lý đẩy mạnh hơn nữa sự hợp tác trong đấu tranh phòng, chống tội phạm. Các Tòa án địa phương đã chủ động xây dựng kế hoạch và phối hợp triển khai hoạt động hợp tác một cách hiệu quả, đặc biệt là trong việc phối hợp và hỗ trợ lẫn nhau trong công tác ủy thác tư pháp, góp phần quan trọng vào việc thúc đẩy việc giải quyết hiệu quả các vụ án hình sự, dân sự và hôn nhân gia đình.

Việt Nam và Lào đều là các quốc gia đang trong quá trình phát triển và hội nhập kinh tế quốc tế. Bên cạnh những mặt thuận lợi về phát triển kinh tế, cả hai nước đều phải đối mặt với nhiều khó khăn, trong đó có sự gia tăng về số lượng, tính chất và mức độ nghiêm trọng của tội phạm. Vì vậy, việc đấu tranh phòng, chống tội phạm, trong đó có các loại tội phạm có tổ chức, xuyên quốc gia được cả hai nước quan tâm.

Để nâng cao hiệu quả trong phòng, chống tội phạm có tổ chức, xuyên biên giới, hai nước cần tiếp tục đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả Hiệp định tương trợ tư pháp về dân sự và hình sự giữa Lào - Việt Nam, Hiệp định song phương giữa hai Chính phủ Lào - Việt Nam về phòng, chống ma túy; Trao đổi thông tin về tình hình tội phạm và thực tiễn xét xử các loại tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm liên quan đến người Việt Nam ở Lào và người Lào ở Việt Nam…

Mai Thoa

Nguồn Công Lý: http://congly.vn/hoat-dong-toa-an/tieu-diem/quan-he-hop-tac-giua-toa-an-hai-nuoc-viet-nam-lao-ngay-cang-hieu-qua-thuc-chat-306672.html